Thu hút sinh viên với giảng đường đại học như trường quốc tế

Khác xa với thế hệ 7X, 8X, không còn học ở những giảng đường xuống cấp, ký túc xá chật chội… sinh viên một số trường đại học hiện nay được học ở những giảng đường không kém gì trường quốc tế.

Phòng thực hành lâm sàng – Khoa Răng Hàm Mặt (ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) được đầu tư lớn, hiện đại. Ảnh: Q.Anh

Phòng thực hành lâm sàng – Khoa Răng Hàm Mặt (ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) được đầu tư lớn, hiện đại. Ảnh: Q.Anh

Giảng đường đẹp như trường “Tây”

Liên tục có tên trên bảng xếp hạng các trường đại học của châu Á, thế giới, tại một số trường đại học Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến mới, không chỉ tăng cường chất lượng đào tạo mà mạnh mẽ trong đầu tư cơ sở vật chất. Đối với các trường hệ thống công lập, mô hình tự chủ tài chính đã được áp dụng tại khá nhiều trường, bước đầu có kết quả tốt. Có thể kể đến như: ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương Hà Nội, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM)… có nhiều chuyển biến trong nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo.

Chia sẻ về kết quả ban đầu sau khi áp dụng tự chủ, GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Nhà trường đã thực hiện tự chủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm tự chủ, thực tế thì việc tự chủ chi phí thường xuyên của trường thì đã thực hiện từ 10 năm nay (từ năm 2008). Với cơ chế tự chủ, nhà trường đã chủ động trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực cho các hoạt động đào tạo và phát triển nhà trường. Chúng tôi khẳng định rằng mô hình tự chủ của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện trong thời gian qua là mô hình thành công, bước vào giai đoạn phát triển mới của trường”.

ĐH Kinh tế Quốc dân những năm gần đây vẫn có sức hút mạnh trong các kỳ tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao. Về cơ sở vật chất, nhà trường cũng mới đưa vào sử dụng tổ hợp công trình phục vụ công tác đào tạo. Có thể kể đến như tòa nhà A2 (diện tích sàn trên 9 nghìn mét vuông), được mệnh danh là “Tòa nhà thế kỷ”, khiến không ít người khi đến đó phải choáng ngợp với không gian rất rộng, có tới 147 phòng chức năng, 6 phòng hội thảo, 96 phòng làm việc và 17 thang máy, được xây dựng theo phong cách Pháp hiện đại. Ngoài các phòng học, giảng đường hiện đại, các sinh viên của trường còn được hưởng những dịch vụ tốt như: hệ thống wifi, kích sóng điện thoại di động, máy bán nước tự động đặt tại nhiều nơi.

Phòng thực hành “5 sao”

Ngoài ĐH Kinh tế Quốc dân, trường ĐH công lập khác là ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM) cũng có cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy được xếp hạng quốc tế 5 sao theo chuẩn QS Stars (Anh Quốc). Trụ sở chính của trường tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM) với hệ thống khu học xá và rèn luyện thể chất hiện đại, tiện nghi. Khu học xá với 100% phòng học được trang bị máy điều hòa và hệ thống thiết bị hỗ trợ. Hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm được đầu tư hiện đại, công nghệ mới. ĐH Tôn Đức Thắng còn được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chứng nhận “Khuôn viên học đường thân thiện môi trường”.

Trong khi các trường công lập được tự chủ và đã có nhiều chuyển biến trong đầu tư cơ sở vật chất, các trường đại học ngoài công lập thời gian qua đã có sự đầu tư mạnh mẽ, với các mục tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể như, ĐH FPT được chuyển về trụ sở chính của trường tại Hòa Lạc (cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km). Với tổng diện tích 30,1 ha, cơ sở này đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập, nội trú của sinh viên. Đặc biệt, tòa nhà Alpha rộng 11.065 m2 kết hợp giữa nét hiện đại và không gian xanh tươi mát từng đạt giải Nhất tại Giải Kiến trúc xanh năm 2014.

Không chỉ mở rộng về quy mô, nhiều trường đại học tăng cường đầu tư các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại. Đến Khoa Răng Hàm Mặt (Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) không khỏi ngạc nhiên bởi hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo rất hiện đại, đẹp như bệnh viện quốc tế. Khu phòng học, phòng thực hành, thư viện, phòng tập đa năng... với đầy đủ phương tiện, thiết bị và đồ dùng dạy học hiện đại. Đặc biệt là khu thực hành lâm sàng khang trang, hiện đại. Theo lãnh đạo nhà trường, để chuẩn bị cho công tác đào tạo, nhà trường đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm qua về giáo chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn đội ngũ giảng dạy đảm bảo theo đúng quy định.

PGS.TS Phạm Dương Châu - Chủ nhiệm Khoa cho biết, toàn bộ hệ thống phục vụ công tác thực hành, đào tạo của Khoa Răng Hàm Mặt lên đến hơn 16 tỷ đồng. Đây là các thiết bị hiện đại bậc nhất, được nhập khẩu từ các công ty hàng đầu của Mỹ. Quá trình đào tạo các công đoạn xong, sinh viên có thể thực hành trên máy móc mô tả đúng như thật. Sinh viên thực hành trên mô hình giống như thật, kết quả được hiển thị ngay trên máy phân tích rõ luôn đạt hay không đạt, điểm số cũng hiển thị luôn trên máy, lưu trữ vào hệ thống nên hạn chế được gian lận trong học tập, thi cử. “Dù đầu tư lớn, song nhà trường mỗi năm cũng chỉ nhận đào tạo khoảng 60 chỉ tiêu”, PGS Châu chia sẻ.

Theo Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng từ nay tới 2020 của Chính phủ. Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 đạt khoảng 256 sinh viên/1 vạn dân; khoảng 70% - 80% sinh viên ĐH được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng và khoảng 20% - 30% sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu; Đến năm 2020 đạt bình quân từ 17 đến 26 sinh viên đại học và cao đẳng/1 giảng viên; số giảng viên có trình độ tiến sỹ trong tổng số giảng viên đại học khoảng 21% và số giảng viên có trình độ tiến sỹ trong tổng số giảng viên cao đẳng dự kiến đạt khoảng 4%. Đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng, bao gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/thu-hut-sinh-vien-voi-giang-duong-dai-hoc-nhu-truong-quoc-te-2018112120250092.htm