Thu hút nhiều hơn dòng vốn chất lượng cao

Việt Nam rất kỳ vọng thu hút nguồn vốn chất lượng cao từ Liên minh châu Âu (EU) sau khi Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU có hiệu lực. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong thời gian tới, đó là ưu tiên dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu. Vậy, EVIPA có những cam kết đáng chú ý nào?

EU - nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ, với các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm hàng dệt và may mặc (chiếm gần 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018), sản phẩm nông nghiệp như cà phê, hạt điều (gần 25%), thủy sản (16%) và đồ gỗ (gần 10% kim ngạch xuất khẩu năm 2018). Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 42,5 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang EU, tăng 11% so với cùng kỳ, đồng thời nhập khẩu hàng hóa trị giá 13,8 tỷ USD từ EU, tăng 13,1% so với cùng kỳ.

EU cũng là đối tác quan trọng - đứng vị trí thứ 5 trong số các nước và vùng lãnh thổ cung cấp vốn FDI cho Việt Nam. Lũy kế đến cuối năm 2018, 24 nước thành viên EU đã đầu tư vào nước ta 23,927 tỷ USD với 2.133 dự án. Riêng năm 2018, EU đầu tư vào Việt Nam khoảng 1,1 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU rót vốn vào 18 lĩnh vực kinh tế tại 52 tỉnh, thành phố.

Các lĩnh vực tập trung vốn đầu tư gồm chế tạo, sản xuất và truyền tải điện và bất động sản. Trong lĩnh vực chế tạo, nhà đầu tư EU có 652 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD, tiếp theo là sản xuất và truyền tải điện có 26 dự án với số vốn 5 tỷ USD và bất động sản có 52 dự án với số vốn 2,66 tỷ USD.

Hầu hết các dự án của EU tập trung ở những địa phương có cơ sở hạ tầng phát triển như Hà Nội, Quảng Ninh, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư EU với 833 dự án, tổng vốn đầu tư là 3,584 tỷ USD; Hà Nội có 478 dự án với số vốn 3,74 tỷ USD; và Bà Rịa - Vũng Tàu có 40 dự án với số vốn 3,68 tỷ USD.

Trong 24 quốc gia thành viên EU, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn 9,33 tỷ USD cho 318 dự án, Pháp xếp thứ 2 với 3,62 tỷ USD cho 525 dự án, tiếp theo là Anh với 3,49 tỷ USD cho 340 dự án.

EVIPA cam kết những gì?

Việt Nam rất kỳ vọng thu hút nguồn vốn FDI từ EU sau khi Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư được ký kết giữa Việt Nam và EU (EVFTA và EVIPA) đi vào thực hiện, bởi kèm theo vốn từ EU là các dự án công nghệ cao và trọng yếu đối với nền kinh tế. Điều này là hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút FDI chất lượng cao và tạo ra giá trị gia tăng lớn của Việt Nam trong thời gian tới.

Việc ký kết EVIPA sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư của hai bên. Nhà đầu tư EU không chỉ tăng khả năng tiếp cận thị trường mà còn được hưởng lợi từ các điều khoản bảo hộ đầu tư mới khi mà Việt Nam và EU đã thống nhất về các tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư mức độ cao và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư.

EVIPA có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản cho nhà đầu tư như: (1) Đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài; (2) Cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; (3) Cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh; (4) Cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, và các cam kết bảo hộ đầu tư khác.

EVIPA cũng bổ sung quy định quyền điều chỉnh chính sách của nước tiếp nhận đầu tư, theo đó các bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa.

Các điểm khác biệt của EVIPA so với các hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thuộc EU đó là đảm bảo các quy định của EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tranh chấp xảy ra. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, bảo đảm cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng các quy định này một cách minh bạch, nhất quán.

Về giải quyết tranh chấp đầu tư, EVIPA xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước.

Theo cơ chế này, tranh chấp đầu tư được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, với các thành viên do EU và Việt Nam thỏa thuận lựa chọn. EVIPA cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn và bộ quy tắc ứng xử của các thành viên của cơ quan xét xử, khi phát sinh tranh chấp đầu tư cụ thể, chủ tịch của từng cấp xét xử sẽ lựa chọn và chỉ định thành viên thụ lý tranh chấp đó.

Những quy định này giúp nâng cao tính công bằng, nhất quán của hoạt động giải quyết tranh chấp và hạn chế rủi ro sai sót. Đồng thời, nâng cao tính độc lập của cơ quan giải quyết tranh chấp, các thành viên phải tuân thủ chặt chẽ bộ quy tắc ứng xử quy định tại EVIPA.

Như vậy, các cam kết và quy định trong EVFTA và EVIPA sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, mang lại tác động tích cực trong tiến trình cải cách thể chế và tạo nền tảng vững chắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hai bên khai thác lợi ích từ 2 hiệp định này.

Theo daibieunhandan.com.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thu-hut-nhieu-hon-dong-von-chat-luong-cao-309685.html