Thu hút nhân tài: Không thể chỉ bằng mỹ từ

'Chúng ta muốn đổi mới thực sự, muốn tạo động lực thực sự chỉ có hiền tài mới thực hiện được. Tôi thiết tha đề nghị Quốc hội (QH) ban hành một đạo luật về thu hút trọng dụng nhân tài. Có như vậy mới thu hút nguồn lực để cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước', ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Làm rõ tiêu chí người có tài năng

Chiều 10/6, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Góp ý về vấn đề tuyển dụng người có tài năng, ĐB Y Khút Nie (Đắk Lắk) cho rằng, cần làm rõ tiêu chí người có tài năng bằng các tiêu chí cụ thể để khi Luật ban hành sẽ áp dụng thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu theo một kiểu. ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, thu hút, trọng dụng người tài phải có các chế độ đãi ngộ, sử dụng hợp lý, mang tính chất quy phạm pháp luật. Luật phải có khái niệm thế nào là người có tài năng.

“Chính phủ quy định chế độ thu hút, còn giao cho cấp tỉnh quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ sau khi đã được HĐND cấp tỉnh thông qua, đảm bảo hoạt động phù hợp với địa phương, phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản...”, bà Hoa nói.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng, nhân tài không thiếu trong dân chúng, nhưng hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về nhân tài, nên cần làm rõ khái niệm về nhân tài. ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đồng tình cho rằng, cần có quy định khung về tài năng là thế nào. “Theo tôi tài năng không hẳn là có học hàm học vị cao. Tài năng có nhiều loại như về văn hóa, khoa học, thể dục thể thao. Đãi ngộ người có tài năng cần rà soát, sắp xếp các quy định pháp luật để thống nhất”, ông Bình nói. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) về tiêu chí tài năng đưa vào luật sẽ rất khó.

Thảo luận sâu hơn về vấn đề này, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, chính sách trọng dụng nhân tài phải ban hành bằng một đạo luật, bởi đây là chính sách lớn, không thể bó hẹp một điều trong luật này. Hơn nữa, đây là chính sách phủ lên rất nhiều lĩnh vực với nhiều đối tượng, không chỉ trong khu vực nhà nước. “Viên chức cũng có thể trọng dụng nhân tài được. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các lĩnh vực khoa học, y tế, giáo dục đều cần trọng dụng nhân tài chứ không chỉ công chức. Tất cả mọi công dân Việt Nam nếu có tài năng đều được trọng dụng. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách là vì thế”, ông Vân nói.

ĐBQH Lê Thanh Vân - Ảnh: Như Ý

ĐBQH Lê Thanh Vân - Ảnh: Như Ý

Ông Vân cũng nhắc lại, từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chỉ sau 2 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công thư “nhân tài và vận nước”. Một năm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có công thư đăng trên báo Cứu quốc tìm kiếm hiền tài. Đảng ta cũng có rất nhiều văn bản, các Nghị quyết T.Ư, các văn bản quy định trọng dụng nhân tài, coi nhân tài như một động lực. “Tại sao lại chỉ bó hẹp trong Luật Cán bộ công chức với một điều khoản rất chung chung mang tính chính trị như vậy”, ông Vân nói.

Ông Vân cho rằng, quan trọng nhất là chính sách đãi ngộ, chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài, tiến cử, đề bạt thế nào cho đúng với tài năng. Theo ông Vân, chỉ bằng một đạo luật mới loại bỏ “các ngụy hiền tài mang danh nguyên khí ra khỏi hệ thống chính trị”. “Chúng ta đã đến lúc phải trọng dụng nhân tài một cách thực sự, không thể bằng những hoa văn, mỹ ngữ và những hành động thiếu tính trí thành bởi vì tôi rất tiếc nhiều bậc hiền tài ở ngoài xã hội không được thu hút vào trong bộ máy của chúng ta. Chúng ta muốn đổi mới thực sự, muốn tạo động lực thực sự chỉ có hiền tài mới thực hiện được. Tôi thiết tha đề nghị QH ban hành một đạo luật về thu hút trọng dụng nhân tài. Có như vậy mới thu hút nguồn lực để cống hiến cho xây dựng và phát triển đất nước”, ông Vân nói.

Xử lý cán bộ về hưu: Có truy thu phụ cấp, lương bổng?

ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) cho rằng, việc kỷ luật cán bộ, công chức đã về hưu thực chất là xử lý hồi tố. ĐB đoàn Nghệ An đề nghị QH cân nhắc việc luật hóa với hình thức kỷ luật “xóa tư cách” chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Bởi lẽ theo đại biểu, việc “xóa tư cách” đã đảm nhiệm chỉ là “xóa cái danh” của cán bộ, công chức đó. “Quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh đó (hệ số phụ cấp, thưởng…) cán bộ, công chức đó đã được hưởng thì có bị truy thu hay không?”, đại biểu Tình nói và cho rằng, luật hóa việc “xóa tư cách” cán bộ, công chức cũng đồng nghĩa với những quyết định, văn bản của cán bộ, công chức đó ký không còn có hiệu lực. Đại biểu Tình cũng đề nghị có quy định xử lý các chế độ, chính sách mà cán bộ, công chức được hưởng nếu họ bị “xóa tư cách”, chức vụ đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm.

Liên quan đến hình thức kỷ luật giáng chức, ông Tình cho rằng, nếu bỏ hình thức giáng chức thì chỉ còn khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. “Đối với cán bộ công chức chưa đến mức phải cách chức hay buộc thôi việc mà chỉ hạ bậc lương hay cảnh cáo, khiển trách thì quá nhẹ. Áp dụng hình thức giáng chức là phù hợp. Ví dụ công chức giữ chức vụ trưởng phòng, khi bị giáng chức sẽ xuống phó trưởng phòng thay vì cách chức làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận hết mọi đóng góp của công chức trong quá trình dài”, ông Tình nói. Theo ông Tình, việc áp dụng giáng chức cũng tiếp tục tận dụng được chất xám của cán bộ đó tại vị trí việc làm gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ công chức đó sửa sai, sửa chữa khuyết điểm của mình để tiếp tục phấn đấu vươn lên.

ĐB Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cho rằng quy định xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu cần cân nhắc thời gian xử lý, hình thức xử lý với trách nhiệm hành chính, hình sự đối với vi phạm và giải quyết hậu quả pháp lý của việc xử lý kỷ luật. Theo bà Huyền với cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm trong quá trình công tác thì ngoài hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách, thì trong luật nên quy định thêm hình thức như cắt, tước bỏ các quyền lợi về chính trị, vật chất mà cán bộ, công chức vẫn đang được hưởng thì tác dụng của việc răn đe sẽ thiết thực hơn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - Ảnh: Như Ý

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, đa số ĐB tán thành bỏ hình thức giáng chức, còn nhiều ĐB có ý kiến giữ hình thức này. “Qua báo cáo xử lý cán bộ hàng năm đến nay, Bộ Nội vụ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức. Qua khảo sát đề nghị của các ĐB, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm để mang tính khả thi cao”, ông Tân nói.

Nhiều cơ quan Đảng xét tuyển công chức từ sinh viên xuất sắc

Mới đây, Ban Tổ chức Trung ương đã thông báo về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc tại cơ quan này. Theo đó, số lượng công chức mà Ban Tổ chức Trung ương cần tuyển dụng là 10 người. Ứng viên muốn dự tuyển cần đảm bảo đủ các điều kiện gồm tốt nghiệp đại học và kết quả học tập, rèn luyện những năm đại học đạt loại xuất sắc; không quá 30 tuổi. Cũng theo thông báo, ứng viên phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn như: Đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh (từ giải ba), cấp quốc gia (từ giải khuyến khích) hoặc bằng khen trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế; đạt giải ba trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế; đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian đại học. Trước đó, một cơ quan khác của Đảng là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại các trường đại học trong nước và các trường đại học nước ngoài được công nhận về văn bằng, chứng chỉ theo quy định pháp luật.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thu-hut-nhan-tai-khong-the-chi-bang-my-tu-1426945.tpo