Thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư chợ đạt thấp

Đó là khẳng định của Thanh tra tỉnh Tuyên Quang khi báo cáo Thanh tra Chính phủ về kết quả thực hiện quy hoạch, xây dựng, trung tâm thương mại, chuyển đổi chợ giai đoạn 2007 - 2017.

Theo đơn vị này, trong kỳ báo cáo có 3/7 dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính, số tiền 108 tỷ đồng trong đó tiền sử dụng đất là 107,5 tỷ đồng gồm: Trung tâm thương mại và khu nhà ở Việt Mỹ - VMI 54,4 tỷ đồng; Trung tâm thương mại - chợ Phan Thiết 0,4 tỷ đồng; Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuyên Quang 53,1 tỷ đồng.

Có 2 dự án Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuyên Quang và Trung tâm thương mại - chợ Phan Thiết đã hoàn thành đưa vào hoạt động, bước đầu góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và phát triển dịch vụ thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương và đóng góp ngân sách cho tỉnh.

4 dự án trung tâm thương mại, chợ đã hoàn thành và đang thực hiện: Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuyên Quang; Trung tâm thương mại - chợ Phan Thiết; Trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp tại xã An Tường, thành phố Tuyên Quang; Trung tâm thương mại và khu nhà ở Việt Mỹ - VMI.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch, xây dựng, trung tâm thương mại, chuyển đổi chợ chưa thực hiện được mục tiêu phát triển trung tâm hội chợ triển lãm, trung tâm logistics, trung tâm thông tin thương mại và các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp. Việc phát triển chợ tại Tuyên Quang chưa đạt mục tiêu so với quy hoạch đã được duyệt. Trong đó, chủ trương thu hút nguồn vốn xã hội để đầu tư xây dựng chợ có kết quả thấp; trong các chợ đã được xây dựng, còn nhiều hạng mục công trình phụ trợ chưa được đầu tư; toàn mạng lưới còn 13 chợ tạm. Tuyên Quang chưa có quy định về thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ; quy định về giao hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vấn đề quản lý đất chợ, tài sản Nhà nước đã đầu tư xây dựng hạ tầng chợ chưa được làm rõ.

Đồng thời chưa có quy định về sử dụng, thuê, thời hạn và các biện pháp quản lý địa điểm kinh doanh tại chợ quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP. Địa phương cũng chưa phát triển được mô hình doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tự cân đối, hạch toán thu chi gắn với hiệu quả hoạt động và quản lý theo pháp luật theo quy định tại Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11/7/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

Tuyên Quang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có danh mục quy hoạch và chính sách riêng biệt, đặc thù để định hướng và đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại đối với vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, phê duyệt các dự án thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Giang Thân

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/xay-dung/thu-hut-nguon-von-xa-hoi-dau-tu-cho-dat-thap_t114c6n136253