Thu hút nguồn lực con người phải nghiêm túc để người dân có niềm tin

Thủ tướng quán triệt các địa phương, bộ, ngành phải gương mẫu, các vấn đề mờ ám, tiêu cực, lợi ích nhóm trong chính sách và hành động cụ thể phải được xử lý nghiêm, ngăn chặn, không để tình trạng mù mờ, không rõ ràng, thiếu niềm tin

Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các đại biểu cơ bản nhất trí với các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cho rằng, các dự thảo Văn kiện qua nhiều lần chỉnh sửa đã tiếp thu rộng rãi ý kiến của các tầng lớp nhân dân và có nhiều điểm đổi mới, phù hợp với thực tiễn...

Cần có cơ chế để lựa chọn nhân tài

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành hơn 20 phút để nói về những vấn đề tâm huyết, bày tỏ mong muốn các ý kiến đóng góp sẽ được tiếp thu trong văn kiện trình Đại hội Đảng XIII, đồng thời nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới, Thủ tướng cho rằng trong nhiệm kỳ này phải đổi mới mạnh mẽ trong cách làm, đặc biệt là chính sách thu hút người tài để những người tài, người giỏi, người đứng đầu bộ máy tốt phải được trọng dụng. Thủ tướng khẳng định chủ trương chống tham nhũng ở cấp Trung ương là đúng và lưu ý hiện nay phân cấp cho địa phương vô cùng lớn về nguồn lực, tài lực, nhân lực. “Vì thế, chính các tỉnh, thành phố phải trong sáng, chứ không phải đề bạt một cán bộ tốn bằng này tiền đâu, chấm dứt trò ấy đi”, Thủ tướng nói và đặt vấn đề cơ chế nào, cách làm nào chọn nhân tài.

Theo Thủ tướng, trong thu hút nguồn lực thì nguồn lực con người rất quan trọng. Khâu đôn đốc, kiểm tra, sự nghiêm túc trong triển khai thực hiện cũng rất quan trọng. “Thái độ thực hiện nghiêm túc thì đất nước mới phát triển được, người dân mới có niềm tin được”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng ngay trong nhiệm kỳ này đã có việc “sai đến đâu sửa đến đó” và đánh giá đây là việc làm rất nhân văn nhưng rất cương quyết để lấy lại niềm tin, đồng thời, quán triệt các địa phương, bộ, ngành phải gương mẫu, các vấn đề mờ ám, tiêu cực, lợi ích nhóm trong chính sách và hành động cụ thể phải được xử lý nghiêm, ngăn chặn, không để tình trạng mù mờ, không rõ ràng, thiếu niềm tin. “Chúng ta có mấy triệu Đảng viên, nếu tất cả làm gương thì chắc chắn sẽ thay đổi rất lớn, niềm tin rất cao”, Thủ tướng lưu ý cán bộ phải có cả đức và tài, nếu chỉ có đức thì “không thể lãnh đạo được”.

Thủ tướng nhận định mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển, có thu nhập cao không phải mục tiêu đơn giản nếu ta không có ý chí, quyết tâm. Thủ tướng kỳ vọng các mục tiêu về phát triển mạng 5G, thương mại số, Chính phủ số phải được làm nhanh vì “các nước đã đi xa lắm rồi”, phải đổi mới mạnh mẽ, không thể để quyết sách lạc hậu. Đánh giá mục tiêu phát triển đề ra là cao, song Thủ tướng cho rằng nếu không làm kinh tế thì đất nước sẽ nghèo. Vì thế phải giàu lên, mạnh lên, có quy mô lớn hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Tổ chiều 10/11

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Tổ chiều 10/11

Thủ tướng nhấn mạnh tin thần đoàn kết và cho rằng tất cả người dân đều có trách nhiệm nâng cao uy tín của Việt Nam, xóa bỏ những thứ cũ kỹ, lạc hậu. Đặc biệt, 100 triệu dân phải cùng một ý chí. “

Cần thay đổi tư duy trong ban hành Luật

Đại biểu Trần Hoàng Ngân(TP Hồ Chí Minh) đề cập đến 3 đột phá chiến lược được nêu trong dự thảo báo cáo chính trị, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận định, đây là các khâu rất quan trọng, trong đó, đột phá thể chế là cần thay đổi tư duy, cách xây dựng thể chế. “Thời gian vừa qua đã ban hành rất nhiều nhưng tính ổn định có vấn đề, thường xuyên phải sửa đổi. Luật chồng chéo, luật sau phải sửa nhiều luật” – đại biểu phản ánh.

Đại biểu cũng chỉ ra các khâu làm luật của Quốc hội bị dựa quá nhiều vào Chính phủ. Nhìn nhận Quốc hội còn thiếu đầu tư cho công việc này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cơ quan lập pháp cần có những ban soạn thảo luật, tăng đại biểu chuyên trách, thêm cơ chế mời chuyên gia, loại bỏ lợi ích nhóm trong làm luật thì mới thay đổi, thực sự tạo đột phá trong thể chế. “Nếu chúng ta giải quyết được bài toán thể chế và luật pháp thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề” – đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị và khẳng định đồng ý với dự thảo báo cáo chính trị về đột phá về hạ tầng và cho rằng đây không chỉ là hạ tầng giao thông mà còn là hạ tầng về xã hội, hạ tầng về công nghệ thông tin, trong đó nhấn mạnh đến những khu vực trọng điểm, những động lực phát triển kinh tế.

Bảo vệ được cán bộ mới có đột phá

Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) cho biết, trong dự thảo văn kiện có nêu đổi mới sáng tạo, đột phá để hoàn thành mục tiêu yêu cầu đề ra và cho rằng đổi mới sáng tạo và đột phá giữa đúng và sai rất mong manh, “vô cùng mong manh”. “Nếu như không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá”, ông đại biểu bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội)

“Khi cán bộ đổi mới sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề, trong khi cái không thành công đó có thể do khách quan đem lại như do tình hình kinh tế thế giới, diễn biến, nhiều vấn đề ảnh hưởng yêu cầu mục tiêu” - Phó Giám đốc Công an Hà Nội phân tích và đề nghị bổ sung việc bảo vệ cán bộ đặc biệt cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vào dự thảo văn kiện.

“Đây là thực trạng có thể nói đã diễn ra ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Rất nhiều cán bộ, đảng viên của chúng ta trong thời gian gần đây có tâm lý, xác định là cố gắng làm tròn vai, mà là tròn vai ở mức thông thường, an toàn” – Thiếu tướng Đào Thanh Hải nói.

Thông tin thêm về việc cá nhân mình được Ban Tổ chức Trung ương mời tham gia vào nhóm soạn thảo, xây dựng Chỉ thị về việc “bảo vệ cán bộ đảng viên đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Thiếu tướng Đào Thanh Hải cho biết, quá trình thảo luận xây dựng Chỉ thị này, có nhiều vấn đề không đơn giản, vướng mắc liên quan đến luật nhưng muốn bảo vệ được cán bộ thì phải xem xét. “Chỉ thị này đang hoàn thiện, sắp ra đời. Tôi đề nghị, trong nghị quyết đại hội 13 của Đảng cũng cần nhấn mạnh vấn đề về bảo vệ cán bộ. Nếu không nêu vấn đề bảo vệ cán bộ trong nghị quyết thì chắc rằng quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết vào đời sống sẽ rất khó khăn” – đại biểu góp ý.

Muốn "nhanh và bền vững" phải "đổi mới sáng tạo"

"Nhất trí cao với mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển qua các năm 2025, 2030, 2045 để 'đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển' như dự thảo Báo cáo chính trị", đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) bày tỏ và cho rằng dự thảo đã "thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin về tương lai của đất nước, dân tộc: "Tôi cho rằng, với việc đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, văn kiện Đại hội XIII sẽ có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới trong chặng đường 25 năm tới".

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam)

Đại biểu nhắc lại câu chuyện đổi mới 35 năm trước và cho rằng Đại hội VI mở ra chặng đường đầu tiên của sự nghiệp đổi mới, được ghi trong văn kiện là "bước quá độ nhỏ trong bước quá độ lớn" với mục tiêu "xây dựng những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết để triển khai công nghiệp hóa XHCN trên quy mô lớn".

Đến nay, việc hoạch định mục tiêu phát triển đất nước theo lộ trình cụ thể, với tầm nhìn đến 2045 càng khẳng định tầm quan trọng của văn kiện Đại hội XIII với ý nghĩa là định hướng chiến lược cho chặng đường đổi mới tiếp theo, mà yêu cầu trung tâm của giai đoạn này là "phát triển nhanh và bền vững".

Để đạt được mục tiêu đó, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng "để phát triển đảm bảo cả yêu cầu nhanh và bền vững, thì yếu tố then chốt là phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Cần phải coi đổi mới sáng tạo như là đặc trưng của giai đoạn tới, nó đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí dị biệt nhưng mang lại hiệu quả hơn".

Thu Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thu-hut-nguon-luc-con-nguoi-phai-nghiem-tuc-de-nguoi-dan-co-niem-tin-619257/