Thu hút FDI thế hệ mới

Sau 30 năm thực hiện, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bộc lộ nhiều hạn chế như tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Để phù hợp với bối cảnh mới, Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018 - 2022.

Nên chấm dứt chạy đua ưu đãi

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), sau 30 năm thu hút FDI, vốn thực hiện đạt gần 313 tỷ USD với trên 24.000 dự án. Vốn FDI chiếm 25% đầu tư toàn xã hội và gần 20% GDP. Tuy nhiên, chính sách thu hút FDI đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018-2023 (chiến lược FDI thế hệ mới) với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo khảo sát của chuyên gia WB, khi được hỏi về lí do chọn đầu tư ở Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp trả lời “Việt Nam có nhiều ưu đãi và chi phí lao động giá rẻ”. Sau 6 tháng nghiên cứu dữ liệu FDI, ông Wim Douw, Chuyên gia cao cấp về Chính sách đầu tư thương mại và cạnh tranh (WB) cho rằng, lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam đang mất dần. Trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu rộng, Việt Nam phải phát triển dựa trên nền tảng về kỹ năng lao động, công nghệ, chuỗi sản xuất.

Đánh giá về thực trạng đầu tư hiện nay, ông David Brown - Cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư (WB), chính sách của Việt Nam đang dựa quá nhiều vào ưu đãi để thu hút đầu tư, thiên vị cho 100% dự án mới.

“Việt Nam cần thay đổi tư duy cạnh tranh bằng chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi. Cơ quan chức năng cần chấm dứt việc chạy đua ưu đãi đến mức tối đa để thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần tháo bỏ rào cản gia nhập thị trường cho doanh nghiệp”, ông David khuyến nghị.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Cục phó Cục Đầu tư trực tiếp nước ngoài cho rằng, trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần xây dựng chính sách thu hút FDI phù hợp, không phải thu hút đầu tư bằng mọi cách.

Dưới góc độ người hưởng lợi từ chính sách thu hút FDI, bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công thương) cũng lưu ý, chính sách FDI thế hệ mới cần tính đến giải pháp tạo động lực để nhà đầu tư nước ngoài xây dựng mạng lưới sản xuất nội địa ở Việt Nam.

“Rất nhiều DN lớn vào Việt Nam như Samsung, Intel nhưng chỉ ở công đoạn lắp ráp hoàn chỉnh, đa số linh kiện đều nhập khẩu. Thời gian tới, chúng ta phải nghĩ cách để giữ chân, khuyến khích họ phát triển, chuyển giao công nghệ, xây dựng chuỗi sản xuất ở Việt Nam. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng, doanh nghiệp FDI hưởng hết ưu đãi lại ra đi”, bà Bình nói.

FDI từ “mở cửa” sang “gõ đúng cửa”

Ông Simon Bell - Cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư của WB cho rằng, chính sách FDI thế hệ mới của Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận. Các chuyên gia nói nhiều đến việc Việt Nam cần thu hút FDI với giá trị gia tăng cao nhưng chưa chỉ ra cụ thể giá trị gia tăng dựa vào ngành nghề nào, cách làm ra sao?

“Trước tới nay, Việt Nam tiếp cận FDI với chính sách mở cửa thụ động. Ở thế hệ mới, việc xúc tiến đầu tư, thu hút FDI phải chuyển từ chính sách “mở cửa” sang “gõ đúng cửa”, ông Simon nói.

Sau khi nghiên cứu, chuyên gia của WB đã gợi ý một số ngành nghề Việt Nam cần phát triển để đạt được chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Theo đó, trước mắt, Việt Nam cần gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh trong nước ngành sản xuất với kim loại bậc cao, khoáng chất, máy và thiết bị công nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp phải dịch chuyển dần sang sản phẩm có giá trị cao như cà phê đặc sản, hải sản. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần sản xuất thiết bị gốc và cung cấp thiết bị vận tải, ô tô, công nghệ môi trường. Trong trung hạn, Việt Nam phát triển kỹ năng sản xuất, chế tạo dược phẩm và thiết bị y tế, dịch vụ công nghệ tài chính…

Quỳnh Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/thu-hut-fdi-the-he-moi-1208465.tpo