Thu hút FDI thế hệ mới - 8 khuyến nghị đột phá

Với một khảo sát định tính, cùng các buổi tham vấn với các bên có liên quan về chiến lược FDI, Báo cáo 'Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020-2030' đã đưa ra 8 đề xuất cải cách mang tính đột phá, được trình bày theo từng giai đoạn.

Hội thảo "Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020- 2030". (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)

Hội thảo "Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020- 2030". (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)

Chiều 9/7, tại Hà Nội, tổ chức tài chính IFC - tổ chức tài chính đồng cấp với Ngân hàng Thế giới (WB), là thành viên của nhóm WB, đồng thời là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tế nhân ở các nền kinh tế mới nổi - cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức Hội thảo "Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020-2030".

Theo đó, Hội thảo đã giới thiệu Báo cáo chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020-2030".

Đây là Báo cáo được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, với nội dung đưa ra các phát hiện và khuyến nghị tham khảo cho Chính phủ xây dựng định hướng thu hút FDI thế hệ mới (nội dung căn bản của các tài liệu chiến lược như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030).

Thách thức rất đặc thù

Theo Báo cáo, mặc dù các chính sách mở cửa đầu tư và thương mại đã mang lại sự gia tăng các dòng vốn FDI, tạo thêm nhiều việc làm và đa dạng hóa xuất khẩu, đặc biệt trong thập kỷ vừa qua dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng gấp khoảng 10 lần, vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

“Tuy nhiên, thách thức Việt Nam phải đối mặt là rất đặc thù. Khi mà dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục, song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhận định.

Đó cũng chính là những thách thức mà Báo cáo tập trung phản ánh. Theo đó, FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi lớn. Các nhà đầu tư đã xác định vấn đề thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản đối với tăng trưởng.

“Trong khi đó, việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương cành làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty”, Báo cáo chỉ rõ.

Nền tảng cho một cách tiếp cận mới về FDI

Trên tinh thần của Báo cáo - Việt Nam cần thực hiện các cải cách mang tính đột phá, nhằm cạnh tranh thu hút các dòng vốn FDI có chất lượng hơn - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng bày tỏ tin tưởng: “Các khuyến nghị mà Báo cáo đưa ra sẽ đặt nền tảng cho một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về FDI và góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Kyle Kelhofer (Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào) chia sẻ giải quyết được các vấn đề trên, Chính phủ có khả năng đón đầu và tận dụng được nhiều cơ hội hơn nữa cho Việt Nam.

Với một khảo sát định tính, cùng các buổi tham vấn với các bên có liên quan về chiến lược FDI, Báo cáo chính tại Hội thảo trên đã đưa ra 8 đề xuất cải cách mang tính đột phá được trình bày theo từng giai đoạn.

Những ý tưởng này được xem là thách thức cao nhưng có thể thực hiện được và hoàn toàn tương xứng với tình hình tại Việt Nam.

Theo đó, 3 ưu tiên trước mắt (2018-2020) là thành lập một cơ quan quản lý FDI thế hệ mới có đầy đủ chức năng để chỉ đạo việc thực hiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới này.

Hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư - bao gồm phạm vi các hoạt động xúc tiến đầu tư, cách tiếp cận, công cụ và các chỉ số hiệu quả FDI được sử dụng.

Thực hiện các chính sách để tăng cường liên kết thượng nguồn từ đầu tư FDI, trong đó có chính sách kết nối doanh nghiệp FDI đồng bộ và thực hiện các chính sách kết nối đó.

5 ưu tiên từ ngắn hạn đến trung hạn (2020-2030), bao gồm đẩy mạnh nguồn cung kỹ năng để đảm bảo thu hút đầu tư FDI thế hệ mới thông qua việc lượng hóa vấn đề, tiến hành chương trình phối hợp quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đồng thời với xây dựng kỹ năng.

Xây dựng “môi trường kinh doanh 4.0” phù hợp với nhu cầu kinh doanh trong kỷ nguyên số bằng việc cải thiện kinh doanh cho mọi nhà đầu tư, tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo để nhà đầu tư yên tâm, cải thiện tác động và hiệu quả đối thoại công tư.

Tiếp đến là cải tổ toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành và cân đối bằng cách chuyển hướng sang ưu đãi trên hiệu quả. Điều này cần thiết phải đổi mới tư duy, tăng cường tác động của ưu đãi, cải thiện quy trình quản lý chế độ ưu đãi.

Mở cửa thị trường ở lĩnh vực hỗ trợ đầu tư là nền tảng làm nên năng lực cạnh tranh và tăng trưởng để thu hút FDI: Nới lỏng rào cản pháp lý trong một số lĩnh vực (như nông nghiệp, du lịch, khoa học đời sống, giao thông vận tải, truyền thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ môi trường, giáo dục, y tế); giải quyết các rào cản thực tế đang cản trở khuyến khích đầu tư FDI.

Cuối cùng là áp dụng chính sách về xúc tiến chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Điều này có thể góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược thu hút FDI thế hệ mới của Việt Nam, bao gồm đa dạng hóa kinh tế, chuyển giao công nghệ và nâng cấp năng lực trong nước trong các ngành nghề ưu tiên.

“8 lĩnh vực cải cách đột phá đề xuất tuy cấu thành các khuyến nghị định hướng chiến lược phù hợp, nhưng mỗi khuyến nghị đều khá phức tạp, vì vậy đòi hỏi phân tích sâu hơn và có sự cân nhắc chi tiết với các cơ quan đối tác và các bên liên quan chính để hoàn thiện và điều chỉnh các thông lệ quốc tế tối ưu đảm bảo kết quả thực hiện tối đa phù hợp với Việt Nam”, Báo cáo gợi mở.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/thu-hut-fdi-the-he-moi-8-khuyen-nghi-dot-pha-2857.html