Thu hút FDI nhiều nhưng chuyển giao công nghệ còn hạn chế

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề về thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài diễn ra chiều 25-6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương khẳng định, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi.

Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khối FDI chưa tương xứng

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó, 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 180,7 tỷ USD, bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Riêng trong 6 tháng năm 2018, chúng ta đã thu hút được 1.362 dự án cấp mới và 507 dự án điều chỉnh vốn, 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký là hơn 20 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.

Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…

Năm 2017, DN FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động.

Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp. Đầu tư nước ngoài còn góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh.

Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI sẽ góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Thông qua các dự án FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước được nâng cao so với thời kỳ trước. Do sự cạnh tranh ngày càng cao với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập thiết bị và công nghệ mới để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu. Đây là chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao.

FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng.

Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường.

Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, FDI có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thể hiện qua tác động tích cực đến năng suất của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, tác động lan tỏa từ chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI vẫn còn yếu, có rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của DN FDI. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp trong nước chưa liên kết sản xuất được với DN FDI, mặc dù khu vực FDI mở rộng quy mô sản xuất.

“Phải thừa nhận, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Để nâng cao hiệu quả từ chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI, bà Tuệ Anh cho rằng, cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và hợp tác, liên kết sản xuất.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cần tăng năng lực để sẵn sàng liên kết, hấp thu công nghệ và tiếp nhận chuyển giao kỹ năng; chính sách phát triển doanh nghiệp cần hướng đến tăng quy mô của doanh nghiệp; khuyến khích quy mô lớn; phát triển cụm ngành tạo điều kiện liên kết.

Nhận định về chính sách đối với hoạt động chuyển giao công nghệ của Việt Nam, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chúng ta cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời, cần khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trao đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân…

“Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động một cách có hiệu quả. Quỹ này phải hoạt động như một tổ chức tài chính và không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi cho việc tiếp nhận, chuyển giao và đổi mới công nghệ”, TS Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

Vì vậy, “trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh ngày càng gay gắt thì chúng ta phải xác định thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu là một trong những ưu tiên hàng đầu. Có như vậy chúng ta mới bắt kịp với các nước trong khu vực”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/thu-hut-fdi-nhieu-nhung-chuyen-giao-cong-nghe-con-han-che-497336/