Thu hút FDI: Đã 'sẵn nong sẵn né', cần cơ chế 'may đo riêng'

Một bản đề án về định hướng, giải pháp thu hút FDI đang dịch chuyển để tái định vị và sắp xếp lại dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu thời kỳ Covid-19 đã được đệ trình lên Chính phủ. Chi tiết của bản đề án chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng, sẽ có những gói chính sách được 'may đo'' riêng cho từng nhà đầu tư.

Samsung là một trong nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Samsung là một trong nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

“Sẵn nong sẵn né”

Ngày 23/9, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng HSBC ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác nhằm thúc đẩy, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.

Một kế hoạch hợp tác có thể nói là khá sâu rộng, bao gồm cả việc xây dựng tài liệu xúc tiến đầu tư, xác định dự án ưu tiên để thúc đẩy đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng, nghiên cứu về xu hướng đầu tư các định hướng, chính sách thu hút đầu tư,… giữa một bên là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng định hướng, chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài và một bên là một trong những tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất thế giới.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc phối hợp với các ngân hàng trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là để đón đầu làn sóng chuyển dịch là giải pháp “rất hiệu quả” hiện nay.

Cách đây 2 tuần, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã ký một MOU với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về tăng cường xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.

Mới đây, để triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị nhằm vận động, xúc tiến hợp tác đầu tư cùng có lợi, tăng thu hút những dự án chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và có sự lan tỏa, cũng như thúc đẩy hình thành và hỗ trợ triển khai hiệu quả các chuỗi dự án liên kết, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đã được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận nhiệm vụ Tổ trưởng và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng làm Tổ phó thường trực, một tổ phó nữa là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT. Các thành viên bao gồm lãnh đạo văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, đây là một động thái mới, đúng đắn và kịp thời trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thu hút FDI có chất lượng cao, thích ứng với nhiệm vụ và bối cảnh mới trong nước và thế giới.

Việt Nam hiện có hơn 32.000 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 378 tỷ USD, từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh các dòng vốn đầu tư thế giới suy giảm khoảng 40% năm 2020 do đại dịch Covid-19, thì việc dòng FDI đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt gần 20 tỷ USD, chỉ giảm 13,7% vốn FDI đăng ký mới và giảm 5% vốn thực hiện so với cùng kỳ năm ngoái là một minh chứng sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Dòng vốn thậm chí còn đang chảy mạnh hơn, khi mới đây, Tập đoàn Pegatron công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam; Tập đoàn Milennium đang lên kế hoạch triển khai siêu dự án điện khí 15 tỷ USD tại Khánh Hòa; còn Exxon Mobil khẳng định vẫn tiếp tục đeo đuổi các kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam.

Sẽ có chính sách “vượt khung”

Được biết, một bản đề án về định hướng, giải pháp thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển để tái định vị và sắp xếp lại dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu thời kỳ Covid-19 đã được đệ trình lên Chính phủ. Chi tiết của bản đề án này chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng, sẽ có những gói chính sách được “may đo” riêng cho từng đối tượng nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cùng với việc chủ động tiếp cận các tập đoàn có xu hướng tái định vị sản xuất để vận động họ vào Việt Nam đầu tư, thì Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các gói ưu đãi phù hợp, làm căn cứ cho quá trình đàm phán với các nhà đầu tư này.

Samsung chính là một “đại bàng” mà Việt Nam đã thu hút được. Mới đây, “đại bàng” này đã ký một MOU 3 bên với Bộ Công thương, UBND tỉnh Bắc Ninh về việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Ninh, không chỉ trong nâng cao năng lực sản xuất, mà còn hỗ trợ họ trở thành nhà cung ứng cho Samsung.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần khẳng định, với các tập đoàn lớn, Dự án có ý nghĩa động lực, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng dành cho các ưu đãi “vượt khung”. Điều này đã được quy định rất rõ tại Luật Đầu tư sửa đổi.

Dù việc này đã được thực hiện từ nhiều năm nay, song năm nay là năm đầu tiên, “ông lớn” Hàn Quốc quyết định ký MOU và hỗ trợ doanh nghiệp theo từng địa phương. Cách đây ít lâu, một MOU tương tự đã được Samsung ký với UBND tỉnh Hải Dương.

Với sự hỗ trợ của Samsung, từ chỗ chỉ có 4 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung vào năm 2014, con số đã tăng lên 42 doanh nghiệp vào cuối năm 2019 và dự kiến là 50 doanh nghiệp khi năm 2020 kết thúc.

Trên thực tế, trong định hướng thu hút đầu FDI thời gian tới, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc các tập đoàn nước ngoài có thể liên kết với doanh nghiệp trong nước. Đây là một điểm yếu cố hữu mà nhiều năm nay Việt Nam chưa khắc phục được.

Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ chủ trương áp dụng các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư có cam kết cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị. Thậm chí, các chính sách ưu đãi cho “đại bàng” có thể cũng sẽ được áp dụng chung cho “chim sẻ”, tức là các doanh nghiệp vệ tinh đã theo “ông lớn” nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam dự báo, dòng vốn FDI sẽ đến Việt Nam nhiều hơn vì Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn, với dân số gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang tăng với sức tiêu dùng mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cải thiện đáng kể môi trường đầu tư.

Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cũng theo ông Cường, Việt Nam nên tập trung ưu tiên phát triển môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, với kết cấu hạ tầng và các điều kiện về hậu cần (logistics) tốt, cũng như cải thiện chất lượng lao động tay nghề cao và năng lực quản trị tốt. Đây là những yếu tố quan trọng để thu hút FDI chất lượng cao.

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, để không bỏ lỡ cơ hội thu hút FDI chất lượng cao, cần có tư duy mới, với cách làm mới, đáp ứng đúng, nhanh hơn, tốt hơn yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và thân thiện môi trường; khắc phục dự án "vốn mỏng" chuyển giá, đầu tư "chui, núp bóng", công nghệ thấp, và các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-hut-fdi-da-san-nong-san-ne-can-co-che-may-do-rieng-124517.html