Thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao - Bài toán khó!

Trong làn sóng dịch chuyển dòng vốn FDI, Việt Nam đang là một điểm đến được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, để hút được dòng vốn chất lượng cao đảm bảo được các mục tiêu đề ra thì vẫn là bài toán còn bỏ ngỏ, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tính đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, có 1.418 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 8,44 tỷ USD. Về vốn điều chỉnh, có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ.

Một số dự án điển hình trong 6 tháng đầu năm nay là: Dự án Nhà máy dệt kim tại khu công nghiệp Texhong Hải (Hồng Kông), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh; Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng; Dự án Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 48,8 triệu USD với mục tiêu sản xuất bộ dây diện dùng cho xe ôtô tại Vĩnh Long.

Cơ hội của Việt Nam trong đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển dịch là rất lớn.

Cơ hội của Việt Nam trong đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển dịch là rất lớn.

Bên cạnh đó là dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ… Theo Bộ KH&ĐT, vốn đầu tư tăng là do trong 6 tháng năm 2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới).

Nhìn nhận về dòng vốn FDI trong thời gian qua, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục thống kê) cho rằng, theo đánh giá của các chuyên gia, đang có dòng FDI dịch chuyển vào Đông Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng đều nhưng chưa phát hiện thấy sự thay đổi đột biến nào, kể cả số liệu đầu tư của từng quốc gia.

Các doanh nghiệp FDI đang hưởng lợi lớn từ các chính sách ưu đãi của Việt Nam như: Thuế, đất đai, nhân công giá rẻ, nhưng nhiều nước khác cũng có lợi thế như Việt Nam nên nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn. Ngoài ra, việc chuyển hướng đầu tư từ nước này sang nước khác không đơn giản, doanh nghiệp sẽ phải xem xét chi phí cơ hội, tài sản, ưu đãi… để lựa chọn. Đặc biệt, quá trình chuyển dịch nếu có cũng mất từ 2-5 năm, do chuỗi cung ứng toàn cầu đã hoàn thiện nên không thể chuyển ngay.

TS.Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng cho rằng, xu hướng dịch chuyển toàn cầu đang diễn ra, trong đó có một phần từ Trung Quốc sang, tuy nhiên trên thực tế thì vẫn chưa phải như vậy. Nguyên nhân cũng rất đơn giản bởi không thể “bốc” một nhà máy từ nơi này sang nơi khác trong một thời gian ngắn, mà còn liên quan đến rất nhiều thủ tục khác. Do đó, trong năm 2020 thì không chắc là dòng vốn từ Trung Quốc sẽ chuyển ngay sang Việt Nam.

Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng, đón được dòng vốn dịch chuyển là điều tốt, theo đó cả chuỗi cung ứng mình có thể tiếp nhận và tham gia vào được. Tuy nhiên, việc dịch chuyển cả một nhà máy là rất khó. Trong khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam cũng là điều khó. Do vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam.

Có thể thấy, cơ hội của Việt Nam trong đón dòng đầu tư nước ngoài chuyển dịch là rất lớn. Tuy nhiên, làm sao để hút vốn FDI chất lượng, đảm bảo được các mục tiêu đề ra trong thu hút nguồn vốn này, đó là bài toán cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

TS. Phan Hữu Thắng cho rằng, để hút được dòng vốn này một cách thực sự, Việt Nam cần giữ vững được 3 mục tiêu nhất quán và lâu dài trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là phát triển kinh tế - xã hội đất nước hùng mạnh; xây dựng nền kinh tế tự cường và đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hóa dân tộc.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/thu-hut-dong-von-fdi-chat-luong-cao-bai-toan-kho-601300/