Thu hút đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải

Để bảo đảm xử lý lượng nước thải sinh hoạt đô thị gần ba triệu m3/ngày vào năm 2025, UBND thành phố đang xúc tiến mời gọi đầu tư bảy nhà máy xử lý nước thải mới, tổng vốn dự kiến khoảng gần 46 nghìn tỷ đồng.

Lấy mẫu, kiểm tra nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Bình Hưng (huyện Bình Chánh).

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh chỉ có ba nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đáp ứng xử lý được một phần nhỏ trong tổng khối lượng nước thải sinh hoạt đô thị hằng ngày của thành phố. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thành phố, Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố đặt ra mục tiêu, có 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thành phố khó đạt được mục tiêu này. Lý do, để xử lý được nước thải, thành phố phải hoàn thiện hệ thống thu gom vào các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Trong khi đó, hiện thành phố chỉ mới xây dựng và khai thác ba nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Đó là, Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có công suất giai đoạn 1 là 141.000 m3/ngày, phục vụ cho 425 nghìn dân, thuộc lưu vực các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10; Trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) có công suất xử lý 30.000 m3/ngày đêm. Hai nơi này mới chỉ xử lý được khoảng 13% khối lượng nước thải sinh hoạt của thành phố và chỉ mới đưa vào vận hành thử nghiệm giai đoạn 1; Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (quận 12), với công suất 131.000 m3/ngày, xử lý nước thải cho lưu vực có diện tích hơn 2.000 ha, gồm các quận: Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12, phục vụ khoảng 700 người…

Theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, thành phố phải hoàn thành việc xây dựng 12 dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đạt mục tiêu tổng lượng nước thải được xử lý khoảng 3 triệu m3/ngày. Theo các nhà đầu tư, để thu hút các nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn vào dự án xử lý nước thải, chính quyền thành phố cần sớm ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải theo quy định tại Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ với nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm”. Đồng thời, để thu hút các nhà đầu tư, thành phố cũng cần làm rõ cơ sở pháp lý, xây dựng khung tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho dự án về nước thải cùng quy trình pháp lý cụ thể đi kèm với cam kết cụ thể hơn về việc giao đất và chính sách bồi thường tái định cư để nhà đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư hiệu quả.

“Hiện nay, tại những khu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt của người dân trong khu vực thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Muốn giải quyết được tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt thì bắt buộc phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung”, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN và MT thành phố Hồ Chí Minh khẳng định. Trước tình cảnh không thể hoàn thành được chỉ tiêu đến năm 2020 có 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường, Sở TN và MT thành phố đã đề nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu này, đồng thời kiến nghị UBND thành phố sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung. Trong tương lai, khi các nhà máy thu gom xử lý nước thải sinh hoạt như Bình Hưng (giai đoạn 2),

Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát hoàn thành, đi vào hoạt động thì lượng nước thải được thu gom xử lý khoảng 1.313.624 m3/ngày, đạt tỷ lệ 60%. Theo đó, mới đây, UBND thành phố đã chính thức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào bảy nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, với tổng công suất xử lý 1.160.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư gần 46 nghìn tỷ đồng. Các nhà máy này phải bảo đảm yêu cầu đề ra về mặt công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm diện tích xây dựng cũng như bảo đảm mở rộng trong tương lai. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư bảy nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung theo hình thức hợp đồng công - tư với mô hình BTL - BLT (Kết hợp quá trình xây dựng, vận hành - thuê dịch vụ, chuyển giao), trong đó chi phí đầu tư và vận hành - thuê dịch vụ được chi trả từ giá dịch vụ thoát nước. Dự kiến, giá dịch vụ thoát nước sẽ được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành vào cuối năm nay.

BÀI, ẢNH: NGUYÊN QUỐC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37857502-thu-hut-dau-tu-vao-cac-nha-may-xu-ly-nuoc-thai.html