Thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế

5 năm qua, BR-VT đã tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư và luôn thể hiện tính nhất quán trong công tác chỉ đạo điều hành, nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển. Thành công có được là nhờ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế phù hợp, đặc biệt là đối với thu hút đầu tư.

Một góc nhà mày sản xuất hạt nhựa PP của HyosungVina (KCN Cái Mép, TX. Phú Mỹ). Ảnh: MỸ LƯƠNG

Một góc nhà mày sản xuất hạt nhựa PP của HyosungVina (KCN Cái Mép, TX. Phú Mỹ). Ảnh: MỸ LƯƠNG

NHIỀU DỰ ÁN CÓ HÀM LƯỢNG CÔNG NGHỆ CAO

Không giống như các dây chuyền sản xuất hạt nhựa khác, quy trình sản xuất hạt nhựa PP của Công ty Hyosung, KCN Cái Mép (TX. Phú Mỹ) đều diễn ra bên trong các tháp silo - tháp tạo hạt. Các công đoạn sản xuất khác đều được điều khiển từ xa, rất ít công nhân vận hành. Hệ thống xử lý khí và chất thải cũng được xử lý khép kín không gây hại cho môi trường. “Mỗi năm chúng tôi sản xuất 300.000 tấn hạt nhựa, nhưng sử dụng rất ít lao động vì toàn bộ máy móc ở đây có công nghệ rất hiện đại, nên lao động được sử dụng chủ yếu là lao động chất lượng cao”, ông Park Key Man, Giám đốc Xây dựng Công ty Hyosung Vina thông tin.

Đi vào hoạt động từ năm 2017, nhà máy Intermalt (thuộc Tập đoàn Interflour, Singapore, KCN Cái Mép, TX. Phú Mỹ) là nhà máy sản xuất mạch nha đầu tiên tại Đông Nam Á được hãng Buhler (Đức) thiết kế; sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới để chế biến đại mạch chất lượng cao nhập từ các nơi trên thế giới. Theo ông James Kirton, Giám đốc Nhà máy Intermalt, khi nộp hồ sơ đầu tư tại BR-VT, Tập đoàn được tỉnh đưa ra các điều kiện về bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, đào tạo nghề cho lao động địa phương... “Chúng tôi đã đáp ứng được các điều kiện này. Đó là sử dụng kỹ thuật và trang thiết bị châu Âu để kiểm soát chất lượng trong suốt quá trình từ làm sạch, ủ, ươm mầm cho đến sấy khô. Các loại đại mạch để sản xuất mạch nha được nhập khẩu từ Úc, Nam Mỹ và châu Âu. Sản phẩm mạch nha của nhà máy cung cấp cho các hãng sản xuất bia lớn tại Việt Nam như: Heineken, Sapporo, SAB Miller, Habeco, Sabeco và xuất khẩu sang các nước ở khu vực Đông Nam Á”, ông James Kirton nói.

Kiên trì theo đuổi mô hình thu hút đầu tư có chọn lọc, tỉnh BR-VT đã vươn lên vị trí thứ 2 chỉ sau Hà Nội về thu hút các dự án có giá trị lớn và hàm lượng công nghệ cao. Bình quân 1 dự án có vốn đầu tư 48 triệu USD. Suất đầu tư khá cao 6,7 triệu USD/ha, tiết kiệm đất và năng lượng nên tỷ lệ lấp đầy ở các KCN mới chỉ chiếm khoảng 51%, dư địa cho việc thu hút đầu tư còn rất nhiều. Các DN đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn tỉnh đa phần đều có trình độ công nghệ tiên tiến, sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cũng như có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Lĩnh vực đầu tư rất đa dạng, ví dụ: phân phối khí, cảng và dịch vụ logistics, đóng tàu, gia công cơ khí, vật liệu xây dựng, sản xuất sợi, nhựa, chế biến thực phẩm, điện năng lượng mặt trời… Gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan… với các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, Hyosung, Lotte... đã đầu tư vào BR-VT.

Điều khiển dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Heineiken Vũng Tàu (TX. Phú Mỹ). Ảnh: THẢO PHƯƠNG

KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU THU HÚT ĐẦU TƯ CÓ CHỌN LỌC

Để có được kết quả này, BR-VT sớm có những chủ trương rất đúng đắn trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng của Nhà nước ta không những trong thời gian qua kể cả trong 10 năm sắp tới, đặc biệt là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về chọn lọc đầu tư nước ngoài. Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, khi xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh bám vào 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua để có cách tiếp cận đúng. Các tiêu chí, giải pháp, nhiệm vụ đặt ra phải cụ thể, thể hiện đặc trưng kinh tế của BR-VT và sự chủ động trong hợp tác, thu hút đầu tư.

Đó là, BR-VT đã chủ động triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư, chú trọng chọn lọc những DN công nghệ phù hợp; ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Do đó, các dự án đầu tư bảo đảm được các tiêu chí về bảo đảm môi trường, sử dụng ít năng lượng… Hiệu quả của việc thu hút đầu tư có chọn lọc là đến nay tỉnh không bị áp lực về xã hội do dân số cơ học không nhiều. Đặc biệt, các dự án đầu tư ở BR-VT có đóng góp lớn cho thu ngân sách.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 415 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 29,5 tỷ USD và 605 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 307.000 tỷ đồng. Tính bình quân, khu vực DNNN, vốn đăng ký bình quân đạt 250 tỷ đồng/DN, khu vực DNNNN vốn đăng ký bình quân khoảng 9,5 tỷ đồng/DN và khu vực DN FDI vốn đăng ký bình quân khoảng 103 triệu USD/DN.

Nhờ thu hút đầu tư tăng và sự quan tâm, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN triển khai dự án, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 5 năm qua đạt hơn 233.000 tỷ đồng (tăng bình quân hơn 7,7%/năm); trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm hơn 17,6%, còn lại là vốn đầu tư của DN chiếm gần 82,4%.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh cũng triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo quy định; tập trung vào những giải pháp mang tính hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Đáng chú ý là, tỉnh chủ động gắn thu hút đầu tư với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ, liên thông” trong thực hiện các thủ tục đầu tư nhằm từng bước cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với nhà đầu tư nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, việc quản lý một đầu mối đã giải quyết kịp thời, hiệu quả các vướng mắc trong lĩnh vực thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép lao động, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xây dựng.

“Với việc đề ra chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, tỉnh cũng đang tích cực hoàn thiện cơ chế, loại bỏ những rào cản gây khó cho nhà đầu tư; đồng thời xây dựng một bộ máy chính quyền minh bạch, thân thiện với các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin thêm.

MINH LONG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202105/thu-hut-dau-tu-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-925933/