Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp

Để thu hút doanh nghiệp, HTX, hộ dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, những năm qua, tỉnh đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để tạo sự đột phá, gồm: Cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới; cơ chế hỗ trợ xây dựng huyện nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương đã ban hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cà chua bi tại HTX nông nghiệp xã Hoa Lộc (Hậu Lộc).

Trong quá trình triển khai thực hiện, các ngành, địa phương đã thường xuyên khảo sát thực tế để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và bất cập của các chính sách; rà soát, đề xuất bãi bỏ một số nội dung hỗ trợ của chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, tỉnh đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như WB, ADB, Keximbank, JICA, KOICA,... nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng hợp tác công tư trong phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng. Từ đó, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, HTX, nhất là các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Là đơn vị được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp, với nguồn kinh phí được hỗ trợ là 500 triệu đồng, Công ty CP Thương mại Sao Khuê, tại xã Đông Hoàng (Đông Sơn) đã có động lực để triển khai xây dựng và khánh thành, đưa vào sử dụng nhà máy chế biến lúa gạo, với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, công suất 30.000 tấn gạo thành phẩm/năm. Đây hiện đang là nhà máy chế biến lúa gạo có công suất lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, ông Đỗ Thế Anh, Giám đốc Công ty CP Thương mại Sao Khuê, cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, công ty đã được UBND tỉnh, huyện Đông Sơn và xã Đông Hoàng quan tâm giải quyết vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như quá trình xây dựng nhà máy. Nhờ đó, công ty đã khánh thành, đưa vào hoạt động nhà máy chế biến lúa gạo, đáp ứng nhu cầu thu mua, sấy khô và xay xát, chế biến lúa gạo của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, hiện toàn tỉnh đã thu hút được 807 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 280 doanh nghiệp so với năm 2015; thu hút được 640 HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, như: Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty sữa TH true Milk, Công ty CP Nông sản Phú Gia - VietAvis; các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của Công ty TNHH Hiền Nhuần; liên kết thu mua, giết mổ, chế biến lợn sữa xuất khẩu của Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty Chế biến súc sản Thanh Hóa; chuỗi liên kết gia công của các tập đoàn chăn nuôi lớn, như: CP, Dabaco, Japfa. Thu hút được 20 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xuất hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lớn, như: Công ty CP Xuất khẩu Đồng Giao; Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina; Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa... Theo đó, diện tích cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm thông qua các đơn vị HTX và doanh nghiệp đạt 67.761 ha và đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích của toàn tỉnh lên 115 triệu đồng/ha/năm.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/co-hoi-dau-tu/thu-hut-dau-tu-phat-trien-nong-nghiep/125278.htm