Thu hút đầu tư nước ngoài, viết tiếp câu chuyện thành công

30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là một dấu son lịch sử gắn liền với bước ngoặt lớn trong tiến trình mở cửa và cải cách nền kinh tế của Việt Nam. Sau 3 thập kỷ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc điều chỉnh định hướng chiến lược trong thu hút vốn ngoại, theo đó, tập trung ưu tiên vốn vào lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, nông nghiệp thông minh, phát triển kết cấu hạ tầng…

Chuyện của 30 năm thu hút FDI

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia cấp cao Việt Nam, Campuchia và Lào của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) gọi hành trình này là một “câu chuyện thành công”.

Với xuất phát điểm khởi xướng từ công cuộc đổi mới cách đây 30 năm đánh dấu bởi sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào năm 1988, FDI đã trở thành một trong những động lực chính của phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Với giá nhân công cạnh tranh, môi trường kinh tế và chính trị ổn định, hệ thống hạ tầng tương đối tốt và vị trí địa lý thuận lợi, khuôn khổ chính sách thương mại và đầu tư năng động, tất cả đã góp phần tạo nên mức tăng trưởng FDI kỷ lục trong các năm qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn FDI trong khu vực và trên thế giới.

Theo UNTCTAD, năm 2016, vốn FDI vào Việt Nam cao hơn dòng FDI vào các nước ASEAN khác, trừ Singapore. Tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, dòng FDI vào Việt Nam đã vượt dòng FDI vào Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như vào các nước ASEAN lớn, trừ Malaysia. Năm 2017, Việt Nam có mức giải ngân FDI kỷ lục, đạt 17,5 tỷ USD trong bối cảnh dòng FDI trên toàn cầu sụt giảm 23%.

Tính đến ngày 20/8/2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991 – 2017.

Vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.

Bên cạnh đó, năng suất lao động của khu vực đầu tư nước ngoài luôn ở mức cao, đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Năm 2017, năng suất lao động của khu vực này đã cao hơn 3,7 lần năng suất bình quân chung của cả nước.

Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. 10 địa phương có nguồn thu ngân sách nhà nước lớn, 16 địa phương tự cân đối được ngân sách đều là những địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài.

Tầm nhìn chiến lược để viết tiếp câu chuyện thành công

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước vừa theo chiều hướng tích cực, nhưng cũng chứa đựng rủi ro, thách thức, cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới.

Theo Bộ trưởng, thu hút và sử dụng vốn FDI phải thực chất hơn, cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng chiều sâu; đảm bảo phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và trình độ, năng lực sáng tạo của lực lượng lao động Việt Nam.

Về định hướng ngành, Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Về chủ thể, quan điểm của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Về thị trường và đối tác, Bộ trưởng cho rằng, cần đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng, bên cạnh coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức, Anh...

Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.

Với tầm nhìn mới và cách làm mới, dòng vốn FDI giai đoạn tới được nhà quản lý và các chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục góp sức, viết nên câu chuyện thành công trong nền kinh tế Việt Nam.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu-/thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-viet-tiep-cau-chuyen-thanh-cong-244570.html