Thu hút các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao

Trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các yếu tố đầu vào (lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào) không còn là thế mạnh, đòi hỏi các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải thực hiện mạnh mẽ việc dịch chuyển cơ cấu đầu tư, thay đổi mô hình hoạt động theo hướng phát triển công nghệ cao, thu hút các ngành có tiềm năng, lợi thế…

Thay đổi mô hình, sử dụng hiệu quả quỹ đất

Có quá trình 28 năm xây dựng và phát triển, Tân Thuận - KCX đầu tiên của TP Hồ Chí Minh được xem là tiền đề cho sự ra đời của hàng loạt các KCN - KCX trên địa bàn thành phố. Để thay đổi mô hình các nhà xưởng thâm dụng lao động hoạt động một thời gian dài, gần đây, Công ty TNHH Tân Thuận, đơn vị quản lý KCX Tân Thuận, đã chủ động bước đầu chuyển đổi một phần diện tích KCX thành nhà xưởng cao tầng nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN) sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Đầu năm 2018, Khu nhà xưởng cao tầng B thuộc KCX Tân Thuận có quy mô tám tầng với tổng diện tích hơn 23.000 m2 đi vào hoạt động với nhiều DN thuê và khai thác, đến nay gần như lấp đầy diện tích. Đơn cử như Công ty FAPV (100% vốn Nhật Bản), chuyên sản xuất dây điện, linh kiện điện tử thuê nhà xưởng sản xuất với quy mô 1.700 m2, với 250 công nhân, hoạt động trên dây chuyền sản xuất công nghệ cao. Công ty TNHH QST Việt Nam (Mỹ) hoạt động trong lĩnh vực may mặc với dây chuyền sản xuất tinh gọn, hiện đại và số lượng công nhân đứng máy rất ít.

Giám đốc điều hành Công ty TNHH QST Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Xu hướng sản xuất chung hiện nay của các DN là sử dụng ngành nghề ít thâm dụng lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc thuê nhà xưởng cao tầng trong các KCX là hợp lý, vừa yên tâm về hạ tầng kỹ thuật, vừa bảo đảm sự quản lý hiệu quả thông qua các đơn vị quản lý vận hành tòa nhà chuyên nghiệp”.

Ghi nhận tại Khu nhà xưởng cao tầng B, các DN đầu tư thuê nhà xưởng chủ yếu đến từ Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Đài Loan (Trung Quốc) với các ngành như may mặc, sản xuất linh kiện ô-tô, dược phẩm, dịch vụ. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận Trần Thanh Hồng cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố, việc đầu tư xây dựng và cho thuê nhà xưởng cao tầng nhằm từng bước chuyển đổi những loại hình sản xuất thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường để di dời, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất trong KCX - KCN, hướng đến phục vụ cao hơn nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật của DN. Nếu như trước đây, một héc-ta đất nhà xưởng bình quân thu hút 200 lao động, thì với nhà xưởng cao tầng, số lao động ít hơn nhưng giá trị gia tăng mang lại gấp năm đến mười lần.

Tính từ thời điểm Công ty TNHH Tân Thuận đưa vào vận hành Khu nhà xưởng cao tầng đầu tiên vào năm 2011, đến nay, tại KCX Tân Thuận đã có năm khu nhà xưởng cao tầng với tổng diện tích cho thuê khoảng 60.000 m2, tỷ lệ lấp đầy từ 90 đến 100%.

Không chỉ chuyển đổi mô hình sản xuất, theo Ban quản lý các KCX-KCN thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), trong những năm qua, các KCX-KCN có vị trí gần nội thành đã lấp đầy và tự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, góp phần mang lại giá trị kinh tế và năng suất lao động cao hơn. Trong đó, các DN hoạt động kém hiệu quả, thâm dụng lao động, gây ô nhiễm đã chuyển nhượng lại nhà xưởng cho các DN phát triển hạ tầng hoặc cho các DN, dự án khác hoạt động có hiệu quả cao hơn. Điển hình, tại KCX Linh Trung đã chuyển đổi thành công bảy dự án cũ với ngành nghề sản xuất như bút viết, gỗ gia dụng nội thất, mũ nón, bao bì nhựa… (tổng vốn đầu tư 34,5 triệu USD) thành dự án mới với ngành nghề sản xuất như linh kiện cơ khí chính xác dùng trong ngành chế tạo máy móc công nghiệp, hệ thống tự động hóa, rô-bốt; dây cáp điện đấu nối dùng trong rô-bốt, máy móc công nghiệp, thiết bị y tế; sản xuất và lắp ráp sản phẩm công nghệ thông tin (với tổng vốn đầu tư 193 triệu USD). Hoặc tại các KCN Tân Tạo, Lê Minh Xuân có 18 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả đã chuyển nhượng lại đất, thanh lý nhà xưởng cho các DN khác để thành lập các dự án mới có cơ cấu ngành nghề theo hướng khuyến khích của thành phố.

Cần chuyển dịch cơ cấu đầu tư

Theo đánh giá của lãnh đạo Hepza, bên cạnh những thành tựu đạt được, mô hình phát triển KCX-KCN tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế. Nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của TP Hồ Chí Minh nói chung và KCX-KCN thành phố nói riêng đã giảm bớt so với các địa phương lân cận do giá thuê đất cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Cùng với đó, thu hút đầu tư còn hạn chế vì tập trung vào các ngành thâm dụng lao động cũng như các ngành có giá trị gia tăng thấp.

Phó Trưởng Ban quản lý Hepza Đào Xuân Đức dẫn chứng, đa số các dự án đầu tư nước ngoài trong KCX-KCN ở thành phố chỉ sản xuất gia công là chủ yếu, thâm dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, tập trung vào các ngành như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. Chưa kể quy mô vốn đầu tư cũng nhỏ, số dự án có vốn đầu tư nước ngoài bình quân dưới năm triệu USD chiếm tới 73%, trong khi số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít. Chính vì vậy, việc thành phố tập trung chuyển dịch cơ cấu đầu tư tại các KCX-KCN theo xu hướng phát triển công nghệ cao, các ngành có tiềm năng, lợi thế, có năng suất lao động và hàm lượng tri thức cao là hết sức cần thiết.

Lãnh đạo Công ty TNHH Tân Thuận chia sẻ, hiện công ty đang nghiên cứu mô hình cụm công nghệ cao (gồm khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, khu công cộng) đã vận hành ở một số nước châu Á để vận dụng cho kế hoạch chuyển đổi tổng thể KCX Tân Thuận nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo dựng đội ngũ việc làm chất lượng cao, thu hút đầu tư về công nghệ và tạo dựng môi trường xanh phát triển bền vững.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, để hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu đầu tư tại các KCX-KCN, thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cung ứng và khả năng đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố sẽ hỗ trợ giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho DN công nghiệp hỗ trợ, quy hoạch và hoàn thành xây dựng hai phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các KCN...

Theo quy hoạch đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh có 23 KCX-KCN tập trung với tổng diện tích 5.797,62 ha. Đến nay, có 17 trong tổng số 19 KCX-KCN được thành lập đã đi vào hoạt động. Diện tích đất cho thuê đạt 1.716,25 ha/tổng số 2.509,1 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 68,4%.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41931802-thu-hut-cac-nganh-nghe-ung-dung-cong-nghe-cao.html