Thu hơn 200 triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi lợn rừng

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phong trào 'Thanh niên học tập và làm theo lời Bác' đã thu hút đông đảo tầng lớp thanh niên tham gia, đặc biệt là những người trẻ ở các huyện vùng cao xứ Thanh. Họ đã mang sức trẻ, trí tuệ, lòng nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm và khát khao vươn lên để làm giàu cho chính mình và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Hà Văn Huân, thôn Trúc, xã Điền Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa là một thanh niên trẻ tuổi mang trong mình hoài bão lớn như vậy.

Anh Hà Văn Huân bên đàn lợn của mình. Ảnh: Xuân Anh

Anh Hà Văn Huân bên đàn lợn của mình. Ảnh: Xuân Anh

Sinh năm 1986, chàng thanh niên người dân tộc Mường Hà Văn Huân được bà con thôn Trúc, xã Điền Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa nhắc đến với mô hình chăn nuôi lợn rừng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên ngay từ khi còn đi học, Hà Văn Huân đã không ngừng cố gắng vươn lên học tập, tích lũy kiến thức để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình.

Sau khi xây dựng gia đình, anh cùng vợ không ngừng tìm tòi, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế của địa phương và những nơi lân cận khác. Anh tâm niệm: “Vợ chồng tôi mày mò, học hỏi cái hay của những người thành công và cũng rút ra bài học kinh nghiệm từ những thất bại của họ, để mình tránh mắc phải sai lầm trong “bài toán” phát triển kinh tế”.

Năm 2013, nhận thấy các sản phẩm gạch không nung đang được khách hàng săn đón nhiều, thị trường gạch không nung chính vì thế rất “sốt”, nguồn cung không đáp ứng cầu, nên Hà Văn Huân bàn bạc với gia đình vay mượn tiền bạc, đầu tư xưởng làm gạch. Khi chưa có nhiều vốn, anh chỉ mở xưởng nhỏ, giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình. Khi gạch của gia đình anh làm không đủ cung cấp cho thị trường, anh quyết định mở rộng xưởng sản xuất, thuê thêm nhân công.

Sau 1 năm, xưởng gạch của gia đình anh cho thu nhập trên 100 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhận thấy, sự cạnh tranh của gạch không nung trở nên khốc liệt, thị trường gần như bão hòa, nên anh dự định phát triển kinh tế theo chiều hướng mới.

Nghĩ là làm, năm 2016, anh Huân chọn mô hình chăn nuôi lợn rừng. Anh chuyển nhượng lại xưởng gạch cho một người bạn và bắt đầu thực hiện chăn nuôi lợn rừng. Hà Văn Huân cho biết: “Bá Thước là một huyện miền núi khó khăn nhưng bù lại có điều kiện khí hậu và thức ăn phù hợp để phát triển đàn lợn rừng. Hơn nữa, nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân ngày càng lớn, đây là động lực thôi thúc tôi chuyển hướng sang phát triển mô hình này”.

Khi chuyển hướng phát triển kinh tế, bước sang lĩnh vực chăn nuôi, Hà Văn Huân gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kiến thức chăn nuôi. Để có vốn làm ăn, Huân đã quyết định vay ngân hàng, bạn bè và người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, anh tích cực học hỏi kiến thức qua sách báo, internet cũng như tham quan các mô hình chăn nuôi lợn rừng ở nhiều địa phương khác để có kinh nghiệm về cách chăm sóc.

Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, cùng sự hậu thuẫn từ gia đình, chẳng bao lâu, mô hình trang trại chăn nuôi lợn rừng của anh Huân đã đi vào ổn định, đem lại thu nhập khá cho gia đình. Năm 2018, anh cho xuất chuồng gần 100 con lợn thịt, sau khi trừ chi phí, lãi gần 200 triệu đồng. Hiện nay, anh Huân đang mạnh dạn đầu tư để tái đàn và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bí thư Đảng ủy xã Điền Trung Hà Văn Quang khẳng định: “Mô hình chăn nuôi lợn rừng là mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân địa phương, qua đó khẳng định tư duy trong phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thu nhập từ mô hình nuôi lợn rừng của anh Huân là kết quả của sự nỗ lực vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây”.

Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, Hà Văn Huân còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể, là đoàn viên thanh niên nhiệt tình trong mọi công việc, gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế trang trại, anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các bạn đoàn viên, thanh niên tại địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình.

Với những nỗ lực, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng, chàng trai dân tộc Mường Hà Văn Huân xứng đáng là tấm gương sáng cho các đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số học tập, làm theo. Từ đó, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp sức cho sự phát triển chung của vùng quê nơi đây.

Xuân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thu-hon-200-trieu-dong-moi-nam-nho-chan-nuoi-lon-rung/