IFRS 9 và bài toán bảo đảm an toàn vốn của ngân hàng

Khi áp dụng mô hình tổn thất tín dụng dự kiến theo chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS 9, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai, chứ không chỉ dừng lại ở các tổn thất đã phát sinh theo quy định hiện hành. Quỹ dự phòng tăng lên đặt ra thử thách cho ngân hàng về việc duy trì mức an toàn vốn quy định.

Cần nắm rõ mối quan hệ giữa tổn thất tín dụng và an toàn vốn

Phân tích về IFRS 9 và bài toán đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng, ông Đỗ Hồng Dương - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và đảm bảo (Deloitte Việt Nam) cho biết, theo chuẩn mực Basel, có hai cách tiếp cận để đo lường rủi ro tín dụng khi tính vốn tối thiểu.

Thứ nhất là cách tiếp cận tiêu chuẩn, cho phép ngân hàng đo lường rủi ro tín dụng dựa trên điểm rủi ro tín dụng được tham chiếu từ các nguồn đánh giá độc lập. Cách tiếp cận thứ hai là dựa trên xếp hạng tín dụng nội bộ. Với cách này, các ngân hàng sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để tính toán tài sản tính theo rủi ro tín dụng đồng thời với việc xác định rủi ro tín dụng.

Cách tiếp cận thứ hai bao gồm đo lường xác xuất vỡ nợ, tỷ trọng tổn thất ước tính, tổng dư nợ của khách hàng tại thời điểm không trả được nợ và thời gian đáo hạn thực. Trong một số trường hợp, các ngân hàng có thể được yêu cầu sử dụng giá trị mang tính giám sát thay vì sử dụng các ước tính nội bộ cho một hoặc một số chỉ tiêu rủi ro.

Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Dương, dù tiếp cận theo cách nào, tăng dự phòng tín dụng vẫn đồng nghĩa với việc làm giảm vốn chủ sở hữu của các ngân hàng. Do đó, để tránh bị động khi sụt giảm vốn, các ngân hàng cần nắm rõ mối quan hệ giữ tổn thất tín dụng và quy định về an toàn vốn.

Lợi nhuận để lại là một cấu phần quan trọng của vốn cấp 1 do đây là dòng vốn biến động nhất, luôn thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Biến động của lợi nhuận để lại chủ yếu được tác động bởi lợi nhuận sau thuế và việc phân phối cho các cổ đông.

Ngân hàng được yêu cầu duy trì mức vốn tối thiểu để trả cổ tức cho cổ đông. Yêu cầu đặc biệt trở nên nghiêm ngặt hơn khi Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng giới thiệu khái niệm giá trị tối đa có thể phân phối, nhằm giới hạn mức cổ tức trả ra không vi phạm mức vốn tối thiểu.

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu khác về vốn, bao gồm tránh áp dụng các biện pháp bắt buộc để tăng vốn, giảm đòn bẩy tài chính hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang lĩnh vực ít rủi ro hoặc đem lại lợi nhuận cao hơn, các hướng dẫn trụ cột 2, phản ánh yêu cầu kiểm tra sức chịu đựng và tác động của chỉ thị yêu cầu về vốn (vốn dự trữ)…

Chuẩn bị tốt để vượt khó ngắn hạn

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Hồng Dương nhận định, bước đầu, các cơ quan quản lý quốc gia kỳ vọng có thể thu thập các thông tin về ảnh hưởng của IFRS 9 đến kết quả kiểm tra sức chịu đựng, để hiểu được hệ quả của mối quan hệ trong tương lai giữa sự chuyển dịch về giai đoạn rủi ro và sự tăng lên của tỷ lệ tổn thất tín dụng. Điều này sẽ tạo ra áp lực trong ngắn hạn đối với các ngân hàng đang xoay xở để áp dụng IFRS 9 đúng thời hạn.

Tổn thất được ghi nhận tăng lên đột ngột với một số lượng lớn các khoản mục có rủi ro tín dụng sẽ chuyển sang giai đoạn 2 và phát sinh dự phòng dự kiến cho cả dòng đời tài sản có khả năng gây ra “hiệu ứng vách núi”. Phản ứng dây chuyền có thể khiến các ngân hàng tăng vốn dự trữ tối thiểu để hấp thụ sự "căng thẳng" này.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, khi các quy trình mới được tích hợp trong toàn ngành, các ngân hàng sẽ nhận thấy lợi ích từ mối tương quan chặt chẽ hơn giữa mô hình suy giảm tín dụng, việc kiểm tra sức chịu đựng và mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ. Do vậy, theo ông Dương, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt để vượt qua những khó khăn trước mắt trong các kỳ kiểm tra sức chịu đựng.

Cụ thể hơn điều này, theo ông Dương, đầu tiên, để đảm bảo sự tuân thủ với IFRS 9 khi thực hiện kiểm tra sức chịu đựng, các ngân hàng cần đưa ra nhưng dự báo kịp thời xuyên suốt các kịch bản đề ra. Các dự báo sẽ cần phải rất thận trọng để phản ánh phản ứng của quản lý cấp cao, các nhà kinh tế học, phòng/ban quản lý rủi ro tín dụng và kế toán đối với một bối cảnh “stress” thực tế.

Ngoài ra, ngân hàng cần đánh giá khách quan về tác động của IFRS, nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các số liệu thực tế, từ đó xác định được liệu các tác động này có lớn hơn mức ước tính trước đó trong các mô hình hiện tại. Cụ thể, các ngân hàng nên phản ánh tất cả các đánh giá định lượng về tác động của IFRS 9 dưới góc độ ảnh hưởng tới vốn luật định, dựa trên quan điểm khung an toàn vốn có thể thay đổi ứng với điều kiện cụ thể.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia của Deloitte cũng nhấn mạnh, để quá trình áp dụng IFRS 9 được diễn ra đúng lộ trình và bài bản, các ngân hàng còn cần đầu tư nguồn lực vào việc đồng bộ hóa IFRS 9 vào trong quy trình kiểm tra sức chịu đựng, hướng tới sự tương hỗ với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ifrs-9-va-bai-toan-bao-dam-an-toan-von-cua-ngan-hang-98379.html