Thu hồi thủy điện lấy đất rừng: Đang rà soát...

Nhiều tỉnh đang rà soát tất cả dự án thủy điện trên địa bàn, kiên quyết thu hồi nếu sai phạm hoặc ảnh hưởng tới con người, thiên nhiên.

Vừa dừng vừa khảo sát làm mới

Ngày 20/1/2021, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp với nhiều sở, ngành nhằm rà soát các dự án thủy điện trên địa bàn.

Tại Quảng Nam hiện có 46 thủy điện lớn nhỏ, trong đó có 22 dự án đang vận hành, 8 dự án đang xây dựng, 12 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 4 dự án khảo sát xin chủ trương.

Bên cạnh những yếu tố có lợi từ việc phát triển thủy điện như tỉnh Quảng Nam có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng thì cũng có nhiều lo lắng mà các công trình thủy điện đem lại.

Đại diện Sở Công thương Quảng Nam thừa nhận, dự án thủy điện nằm ở miền núi nên ít nhiều tác động đến các loại đất rừng. Một số diện tích đất khai hoang cấp cho dân từ chủ đầu tư dự án thủy điện rất xấu, sản xuất hiệu quả thấp. Nhà tái định cư chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với tập quán của đồng bào vùng cao.

Nhiều dự án thủy điện lấy đi đất rừng, ảnh hưởng đời sống người dân xung quanh (Ảnh minh họa).

Nhiều dự án thủy điện lấy đi đất rừng, ảnh hưởng đời sống người dân xung quanh (Ảnh minh họa).

Việc nhiều đường dây điện đi qua các nhà máy, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội, thiên nhiên.

Đơn cử như thủy điện Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn) đã ngăn dòng chảy về sông Vu Gia, chuyển dòng về sông Thu Bồn. Việc đổi dòng chảy đã gây sạt lở ở xã Phước Hiệp, có năm bị sạt lở 7 m ven sông, ảnh hưởng đến nhà dân và đất sản xuất.

Ông Quảng khẳng định, quan điểm của tỉnh Quảng Nam không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế với bất cứ giá nào. Những dự án ảnh hưởng đến môi trường phải đánh giá thật kỹ, sau đó xem xét xử lý, kể cả tạm dừng, thu hồi.

Trước đó vào cuối tháng 11/2020, UBND tỉnh TT-Huế gửi văn bản tới Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động của thủy điện Thượng Nhật. Nguyên nhân là do chủ đầu tư thủy điện này không tiến hành quan trắc cũng như không xử lý các số liệu quan trắc do chưa tuân thủ quy trình của cấp thẩm quyền ban hành.

Cụ thể, trước ảnh hưởng của bão số 13 năm 2020, UBND tỉnh TT-Huế đã yêu cầu thủy điện này mở hoàn toàn 5 cửa van xả nước phòng lũ nhưng cả 2 lần đơn vị này chống lệnh chính quyền, không thực hiện.

Cũng trong cuối tháng 11/2020, Sở Công thương tỉnh Kon Tum cũng đã đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động điện lực thủy điện Plei Kần do nhiều lần tích nước trái phép.

Dù nhận được nhiều văn bản và thừa nhận việc tích nước là sai quy định, nhưng sau mỗi văn bản, chủ đầu tư thủy điện Plei Kần lại tiếp tục tích nước, không đưa mực nước hồ về mực nước tự nhiên, gây ngập cho các hộ dân sinh sống quanh lòng hồ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng đề nghị tạm dừng triển khai các dự án thủy điện nhỏ đã được quy hoạch nhưng chưa xây dựng để tránh các tác động đến môi trường.

Tuy nhiên, cũng tại Kon Tum vào cuối tháng 12/2020, UBND tỉnh Kon Tum lại chọn 5 chủ đầu tư thực hiện 5 dự án thủy điện chỉ trong cùng 1 ngày.

Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum thống nhất chủ trương cho 5 Công ty được khảo sát, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án thủy điện, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Đăk Pô Nê; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Kon Rẫy; Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Đăk Toa; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Măng Đen và Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Tà Âu.

Kiến nghị dừng thủy điện nhỏ

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã có văn bản gửi tới các tỉnh thành, đề nghị các tỉnh, thành phố tạm dừng các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng; chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn...

Theo văn bản trên, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố tạm dừng đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng; chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư, không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường; chưa xem xét, nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có công suất nhỏ hơn 10 MW.

Bộ Công Thương cũng cho hay, đối với các dự án thủy điện đã vận hành và đang thi công, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế, khó khăn trong quá trình phát triển thủy điện trên địa bàn thời gian qua; trong đó đặc biệt cần phân tích, đánh giá về an toàn các công trình và các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi thời tiết khí hậu cực đoan.

Ngoài ra, với các công trình thủy điện nói chung, Bộ yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát về quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án thủy điện nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng, kể cả xem xét thu hồi giấy phép, dừng thi công để khắc phục.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thu-hoi-thuy-dien-lay-dat-rung-dang-ra-soat-3426355/