Thu hồi tài sản tham nhũng: Không nhanh sẽ bị tẩu tán

Quy trình xử lý tham nhũng vẫn còn chậm, tạo thời gian cho đối tượng tẩu tán thài sản tham nhũng dẫn tới khó thu hồi.

Quyết tâm nhưng còn vướng cơ chế

Ngày 22/12/2020, nói trên VOV về quá trình xử lý tham nhũng thời gian qua, Thiếu tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho rằng, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng hiện nay có tiến bộ, nhưng chưa tiến bộ được nhiều. Bởi cơ chế để thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chưa có gì thay đổi.

Thứ nhất, chúng ta chưa tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, hoặc hành vi nhận quà biếu có giá trị lớn.

Trong luật phòng chống tham nhũng, luật công chức đều có quy định cấm cán bộ công chức nhận quà biếu. Nếu đã cấm thì phải xử lý, nhận quà biếu giá trị lớn thì phải xử lý hình sự.

Chúng ta có quy định cấm nhưng trong Bộ luật Hình sự chưa có những tội đó, vậy nên chưa thể xử lý được.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chỉ mới thông qua con đường kết tội. Còn về phương pháp thu hồi không thông qua kết tội thì chúng ta chưa có.

Ví dụ như một bị can phạm tội tham nhũng hàng trăm, hàng nghìn tỷ. Trong quá trình điều tra bị can đó chết. Khối tài sản đó có thể do người thừa kế của bị can hưởng.

Hiện nay, chúng ta thiếu những cơ chế khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản như trường hợp nói trên. Bị can thì chết rồi nhưng người thừa kế phải trả lại tài sản tham nhũng qua con đường dân sự.

Thứ ba, đó là quá trình xử lý tham nhũng hiện nay vẫn còn chậm. Từ kiểm tra Đảng chuyển sang cơ quan tố tụng mất một thời gian dài thì tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán hết rồi.

Vấn đề này cũng từng được ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặt ra vào cuối năm 2019 thông qua vụ MobiFone mua cổ phần AVG. Các đối tượng trong vụ án nhận hối lộ lên tới 3 triệu USD nhưng mới đầu chỉ nộp lại có 500 triệu đồng.

Một trong những nguyên nhân được ông Hùng chỉ ra là do việc kê biên, đóng tài sản của những người phạm tội còn chậm, tạo cơ hội cho đối tượng tẩu tán tài sản.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Đảng cho hay, về nguyên tắc, khi bắt đầu khởi tố điều tra vụ án, các cơ quan điều tra đã phải tiến hành phong tỏa, kê biên ngay tài sản của những cá nhân, tổ chức liên quan tới vụ án. Tất cả tài sản liên quan tới sai phạm đều phải được kê biên đầy đủ, minh bạch.

Đợi tới khi vụ án bị đưa ra khởi tố hình sự, thậm chí sau khi tuyên án mới yêu cầu cung cấp thông tin, xác minh, kê biên bổ sung tài sản như các vụ án Đinh La Thăng, Giang Kim Đạt… là quá muộn. Thời gian này quá đủ cho đối tượng tẩu tán tài sản, phi tang chứng cứ tham nhũng. Việc thu hồi gặp khó khăn là đương nhiên.

Thực tế cũng đã chứng minh, từ năm 2013 đến tháng 9/2018, tổng số tiền các tổ chức tín dụng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là trên 62 nghìn tỷ đồng, 18,52 triệu USD nhưng mới chỉ thu hồi được hơn 10 nghìn tỷ và 10 triệu USD.

Làm sao để hiệu quả?

Bàn về việc phòng chống tham nhũng được hiệu quả, đặc biệt trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Thiếu tướng Trần Văn Độ cho rằng, phải đặt vấn đề “phòng” lên đầu. Chúng ta đợi tham nhũng xảy ra rồi mới xử lý thì đã muộn rồi.

“Phòng” tham nhũng có mấy yếu tố: Thứ nhất là để cán bộ công chức “không cần tham nhũng”. Người nào có cống hiến và chức vụ phải được trả lương xứng đáng, để họ tập trung vào cống hiến. Ví dụ như ở Singapore, lương của bộ trưởng cao hơn nhiều doanh nhân.

Thứ hai là làm thế nào để cán bộ công chức “không muốn tham nhũng”. Nghĩa là họ được giáo dục về đạo đức cán bộ, về tính tự trọng… để không muốn tham nhũng.

Thứ ba là “không thể tham nhũng”, cơ chế quản lý của Đảng, Nhà nước phải chặt chẽ đến mức cán bộ không thể tham nhũng được.

Cuối cùng là “không dám tham nhũng”, nghĩa là sợ bị xử lý hình sự. Đó là biện pháp cuối cùng, xét xử khi vi phạm. Bốn yếu tố này lại có những biện pháp khác nhau để thực hiện, nếu làm được như vậy thì mới đảm bảo yếu tố “phòng tham nhũng”.

Trong khi đó, ông Vũ Quốc Hùng khuyên rằng, Việt Nam có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng từ nhiều quốc gia.

"Theo dõi thông tin qua báo chí, tôi thấy Trung Quốc chống tham nhũng khá hiệu quả, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cao.

Tương tự, Malaysia dưới thời Thủ tướng Mahathir đã nỗ lực chống tham nhũng. Năm ngoái, ở độ tuổi 93, ông Mahathir đã trở lại chính trường và giữ chức Thủ tướng Malaysia một lần nữa.

Sự trở lại này không phải do tham vọng quyền lực mà là thực hiện hai mục đích chính: cứu đất nước khỏi nạn tham nhũng tràn lan dưới thời kỳ Thủ tướng Najib Razak và đưa đất nước trở lại tiến trình dân chủ vốn đang bị đi chệch hướng.

Thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy, về cơ bản, ông Mahathir đã loại được tham nhũng trong bộ máy chính quyền.

Như vậy, bất kỳ quốc gia nào có kinh nghiệm phòng chống tham nhũng hay, hiệu quả, Việt Nam đều có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm", ông Vũ Quốc Hùng chỉ rõ.

Còn bà Lê Thị Thu Ba nhìn nhận, ở các nước việc thu hồi tài sản tham nhũng thực hiện dễ dàng hơn vì họ không sử dụng tiền mặt. Mọi giao dịch đều thông qua các tài khoản ngân hàng, vì thế, việc kiểm soát tài sản, thu nhập, làm rõ nguồn gốc dòng tiền của cá nhân, tổ chức thông qua các tài khoản ngân hàng cũng dễ dàng hơn, chặt chẽ hơn.

"Ở Việt Nam, những bất cập trong kiểm soát nguồn gốc dòng tiền, thu nhập cá nhân từng được tôi nêu ra từ khi tôi còn làm nhiệm vụ tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Khi đó, tôi đánh giá cao các giải pháp được nêu trong pháp lệnh phòng chống tham nhũng, tuy nhiên, các biện pháp thực hiện còn thiếu và yếu" - bà Ba nói.

Theo bà Ba, kê khai tài sản là cơ sở để việc kiểm soát, giám sát nguồn tài sản của cá nhân, quan chức, lãnh đạo được thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên, việc kê khai tài sản tại Việt Nam thời gian qua làm chưa tốt, mang nặng tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả thiết thực trong phòng chống tham nhũng.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-khong-nhanh-se-bi-tau-tan-3424749/