Thu hồi tài sản tham nhũng đang gặp khó khăn

'Hiện thu hồi tài sản tham nhũng đang gặp khó khăn, do phải đi xác minh tài sản những người bị thu hồi. Nhiều trường hợp số tiền phải thi hành án rất lớn, nhưng qua xác minh của cơ quan chức năng, tài sản của người thi hành án không còn nhiều'.

Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp, Nguyễn Văn Luật đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo chiều nay (24/11) sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo chiều 24/11.

Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề được bào giới gửi đến chủ tọa phiên họp, trong đó vấn đề tăng cường tranh luận chất vấn, vốn các dự án, xử lý thu hồi tài sản do tham nhũng mà có... được chủ tọa cũng như ban chủ tọa trả lời thỏa đáng trước báo giới.

Trả lời về bước tiến mới từ việc từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, sắp tới sẽ thay đổi những gì để đáp ứng thêm kỳ vọng cử tri và nhân dân, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp nối kỳ họp thứ 2, Quốc hội có ý thức tăng cường tranh luận, ngoài tham luận, giúp cho các đại biểu và thành viên Chính phủ tập trung sâu vào trao đổi vấn đề, thậm chí là tranh luận giữa đại biểu với đại biểu. “Quốc hội sẽ phát huy điều này. Những dự thảo luật cần có thẩm tra, trên cơ sở đó sẽ làm sâu sắc thêm nội dung” - ông Phúc cho biết.

Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian nhất so với các kỳ trước để trả lời chất vấn. “Phiên họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội sẽ dành 4 ngày cho chất vấn, do Quốc hội giám sát xem Chính phủ và các thành viên thực hiện lời hứa trước Quốc hội như thế nào. Theo đó, năm 2018 sẽ thay đổi thời gian giám sát theo hướng dài hơn” - ông Phúc khẳng định.

Liên quan đến việc giám sát dự án Long Thành để không đội vốn, ông Phúc cho biết, trong các dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng quan trọng nhất, tiến độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào điều này. Cụ thể, sẽ tiến hành giải phóng 5.400 ha đất dự án, cần 23.000 tỉ đồng. Thiếu 2.900 tỉ đồng sẽ lấy từ vốn xã hội hóa giải phóng mặt bằng, cố gắng giải quyết nợ đóng. “Nguồn vốn rất khả thi. Nhưng quan trọng tiến độ cuốn chiếu giải phóng đâu gọn đó. Quốc hội sẽ giám sát điều này cùng với Đồng Nai, không để xảy ra sai phạm” - ông Phúc tin tưởng.

Thông tin về việc xem xét tư cách đại biểu Quốc hội với bà Mỹ Thanh - Trưởng đoàn đại biểu Đồng Nai, ông Phúc cho biết, hiện cơ quan chức năng đang xem xét, vừa qua bà Thanh có đơn khiếu nại kỷ luật, nhưng Ban bí thư Trung ương Đảng vẫn giữ nguyên mức kỷ luật cảnh cáo. Cơ quan chức năng quản lý cán bộ đang xem xét các vi phạm thêm, sau đó kết quả thế nào sẽ báo cáo Quốc hội.

Đối với Luật Phòng chống tham nhũng nếu để kéo dài,cử tri ý kiến có thể gây ra bức xúc, hoài nghi trong xã hội, ông Phúc cho hay trước tiến trình thông qua Luật này, trong quá trình thảo luận nhiều đại biểu nêu ý kiến về các vấn đề chưa rõ, ví dụ kê khai tài sản, kê như thế nào, đối tượng kê khai, giám sát thế nào chưa rõ, cần phải trao đổi kỹ hơn nữa. Nhiều đại biểu đề nghị với những luật này cần 3 kỳ để kỹ lưỡng hơn, đảm bảo công cuộc chống tham nhũng có hiệu quả.

“Nhiều đại biểu nói thu hồi tài sản tham nhũng cũng tương tự, thu thế nào, cần luật hóa cho hiệu quả. Trên cơ sở các ý kiến trái chiều nhau, có đại biểu muốn 2 kỳ, cử tri mong luật ra đời sớm, nhưng luật phải đảm bảo chất lượng” - ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng cho biết thêm, Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu, trong phiếu thăm dò 71,5% đại biểu đề nghị thông qua 3 kỳ họp, chỉ 0,6% đề nghị 2 kỳ. Vì thế Thường vụ Quốc hội quyết định trải qua 3 kỳ. Đây là thời gian cần thiết, thận trọng để giúp công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả.

Trả lời Báo Diễn đàn Doanh nghiệp về việc thu hồi tiền chống tham nhũng, hiện còn khoảng 55.000 tỉ đồng chưa thu hồi được? Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp, Nguyễn Văn Luật chia sẻ, trong báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, Chính phủ báo cáo các bản án tham nhũng, những tài sản phải thu hồi để nộp vào ngân sách nhà nước, các cơ quan phải chủ động thu hồi. Nhưng hiện thu hồi tài sản tham nhũng đang gặp khó khăn, do phải đi xác minh tài sản những người bị thu hồi.

Nhiều trường hợp số tiền phải thi hành án rất lớn, nhưng qua xác minh của cơ quan chức năng, tài sản của người thi hành án không còn nhiều. Có những vụ, tòa tuyên cáo phải bồi thường hàng trăm tỉ, nghìn tỉ, nhưng qua xác minh tài sản của người bị thu hồi không còn nhiều.

Hiện, Chính phủ đã giao Bộ tư pháp quản lý thi hành án dân sự, tăng cường rà soát, kiểm soát, tiếp tục kê biên, khi phát hiện các tài sản có dấu hiệu bị tẩu tán phải kê biên, thu hồi triệt để nộp cho ngân sách đúng bản án.

Khắc Lãng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-dang-gap-kho-khan-120786.html