Thu hồi nợ thuế năm sau luôn cao hơn năm trước

Vấn đề quản lý, thu hồi nợ thuế, tỉ lệ nợ của Việt Nam so với các nước trên thế giới là một trong những nội dung quan trọng được đại biểu Quốc hội quan tâm khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính vào hôm qua (16/11).

Biểu đồ kết quả thu hồi nợ thuế những năm gần đây, đơn vị tính "tỷ đồng". Biểu đồ: T.Bình.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đề nghị Bộ trưởng so sánh về tỉ lệ nợ thuế của nước ta với các quốc gia trên thế giới.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Tính đến 31/10, tỉ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu ngân sách của nước ta là 6,1%, bao gồm số nợ có khả năng thu và số nợ không có khả năng thu hồi. trong khi bình quân nợ đọng của một số nước ASEAN là 8,5% trong đó có Malaysia, Indonesia, và các nước đang phát triển là 7-8%.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy cách tính thuế của chúng ta với các nước thì có thể có những phạm vi chưa đồng nhất nên việc này còn tiếp tục phải rà soát”- Bộ trưởng báo cáo thêm.

Về công tác quản lý nợ thuế, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và Bộ Tài chính triển khai rất quyết liệt.

Những năm trước công tác thu đòi nợ thuế thường dồn vào cuối năm, nhưng mấy năm gần đây Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm. Trong đó có giải pháp là giao chỉ tiêu thu nợ đối với từng doanh nghiệp, giao chỉ tiêu cho từng cá nhân lãnh đạo các đơn vị từ tổng cục xuống đến cục, xuống đến phòng, ban, chi cục và đến cán bộ quản lý thuế.

Các giải pháp quan trọng được tập trung kiên quyết thực hiện là đôn đốc nợ thuế, cưỡng chế thuế và ban hành thông báo nợ thuế tiền chậm nộp, các biện pháp cưỡng chế, nhắn tin, đôn đốc người nộp thuế, thành lập đoàn liên ngành để thu hồi nợ đọng và thực hiện cưỡng chế thuế...

“Trong quá trình quản lý thuế, đặc biệt quản lý nợ thì việc phối hợp của chúng tôi với cấp ủy chính quyền địa phương và liên ngành các địa phương có thể nói là tương đối tốt. Kết quả tuy số nợ thuế tồn đọng còn lớn nhưng kết quả khá tích cực thể hiện sự vào cuộc đồng bộ”- Bộ trưởng chia sẻ.

Các kết quả đáng chú ý theo Bộ trưởng, số thu hồi nợ qua các năm tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước và bình quân của giai đoạn 2011-2016 hàng năm đã thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân các năm là 16,3%. Cụ thể, năm 2011 thu được 20.036 tỷ đồng, năm 2012 thu được 22.751 tỷ đồng, năm 2013 là 27.000 tỷ đồng, năm 2014 thu được 31.920 tỷ đồng, năm 2015 thu được 37.582 tỷ đồng, năm 2016 thu được 42.543 tỷ đồng, 10 tháng đầu năm 2017 thu được 39.894 tỷ đồng.

Như vậy, số thu hồi nợ thuế năm 2016 đã tăng gấp đôi so với năm 2011. Theo Bộ trưởng, khả năng số thu nợ thuế cả năm 2017 sẽ cao hơn kết quả của năm 2016 (nghĩa là vượt 42.543 tỷ đồng).

Đồng thời, tỉ trọng nợ trên tổng thu ngân sách nhà nước đã bắt đầu giảm xuống, còn 6,1% như đề cập ở trên.

Theo Bộ trưởng, hai khó khăn lớn khiến tổng số nợ thuế chưa giảm nhiều do quy định việc tính tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, tiền chậm nộp là 0,03%/ngày (trên tổng số tiền nợ thuế), với con số là 18.061 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng số nợ thuế hiện nay và tăng 0,7% so với thời điểm cuối năm 2016. Mặt khác, còn 28.221 tỷ đồng tiền nợ thuế của người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh, chiếm tỉ trọng 38,2%, và tăng 10,9% so với cuối năm 2016.

“Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã giao và chúng tôi đang tiếp tục phân loại, đánh giá và sẽ báo cáo Quốc hội để xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu. Báo cáo Quốc hội, chúng ta xử lý được việc này, số nợ đọng trên sổ sách của thuế cũng được giảm đi”- Bộ trưởng cho hay.

Liên quan đến giải pháp thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cục thuế phối hợp với các ngành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng như tăng cường đôn đốc thu nợ, tiếp tục rà soát phân loại nợ như trên chúng tôi đã báo cáo, theo dõi và kiểm soát chặt các khoản nợ thuế, ban hành đầy đủ các thông báo.

Các giải pháp khác đang được ngành Tài chính tích cực và đẩy mạnh thực hiện là công khai thông tin nợ thuế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nộp thuế...

16/63 tỉnh, thành phố hoàn thành dự toán thu

Báo cáo thêm với Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Số thu của ngân sách cả nước đến ngày 15/10 được 995,6 ngàn tỷ đồng, bằng 82,14% dự toán. Trong đó ngân sách địa phương đạt 93,565%, Trung ương đạt 74,58%. Có 24 địa phương đảm bảo tiến độ thu đạt trên 95%, đáng chú ý có 16 địa phương đã hoàn thành dự toán nhưng chủ yếu tập trung vào địa phương có số thu nhỏ.

Một số địa phương có thu lớn phải tiếp tục phấn đấu như Hà Nội mới được 83,5%, TP.HCM đạt 81,8%, Hải Phòng đạt 78%, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 85,6%...

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/no-thue-cua-viet-nam-so-voi-the-gioi-the-nao.aspx