Thu hồi bằng lái vĩnh viễn: Phù hợp hay không phù hợp?

Nhấn mạnh đây mới là đề xuất và để thành hiện thực thì phải sửa nghị định, song luật sư cho rằng đây cũng là điều cần lưu tâm, xem xét.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh tỷ lệ tai nạn giao thông còn cao và cho biết sẽ kiên quyết cải thiện vấn đề này trong năm 2019 với nhiều giải pháp cứng rắn.

Bên cạnh việc sẽ siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Bộ trưởng Thể đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu thu hồi vĩnh viễn bằng lái với những tài xế để xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Theo LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết, đề xuất trên của Bộ trưởng Bộ GTVT là cách để thể hiện thái độ cương quyết của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đối với tình trạng tai nạn giao thông.

Hiện trường vụ container đâm chết 4 người, gần 20 người bị thương ở Long An ngày 2/1. Ảnh: VietNamNet

Tuy nhiên, LS Tám cũng lưu ý, đây mới chỉ là đề xuất của lãnh đạo Bộ GTVT và nếu thực hiện ngay thì chắc chắn sẽ vi phạm nghị định của Chính phủ vì đến thời điểm này, Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mới cho phép tịch thu giấy phép lái xe có thời hạn dựa theo các lỗi vi phạm của tài xế.

"Chính vì thế, đề xuất này chắc chắn còn bao hàm ý Bộ GTVT sẽ kiến nghị lên Chính phủ sửa đổi Nghị định 46 và nếu vướng luật thì phải sửa luật", LS Trương Xuân Tám nói.

Cũng theo vị luật sư, đề xuất của Bộ trưởng GTVT rất đáng lưu tâm, xem xét dù có người điều khiển phương tiện gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có người sơ ý do phương tiện không đảm bảo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

"Dĩ nhiên là phải loại trừ, nhưng phải thừa nhận rằng, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nguyên nhân do tài xế là nguyên nhân rất cơ bản và quan trọng.

Một số tài xế có ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt như: không chấp hành luật giao thông, vi phạm thao tác lái xe, uống rượu bia, sử dụng ma túy gây ra một số tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người gây bức xúc dư luận xã hội.

Đối với những loại vi phạm do người điều khiển phương tiện có ý thức không tốt thì có thể xem xét cấm vĩnh viễn họ làm nghề đó vì chính nó đã gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội", LS Trương Xuân Tám phân tích.

Năm 2018, cả nước đã xảy ra hơn 18.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 8.200 người, bị thương 14.800 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 1.300 vụ tai nạn (giảm 6,7%), 33 người chết (giảm 0,4%) và hơn 2.200 người bị thương (giảm 13%).

Thực hiện năm an toàn giao thông 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, Bộ GTVT sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết tâm giảm tai nạn từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thu-hoi-bang-lai-vinh-vien-phu-hop-hay-khong-phu-hop-3372739/