Thu hộ thuế cho đối tác tài xế, Grab chịu áp lực 'trên đe, dưới búa' (!)

Hiện tại, các đối tác tài xế của Grab như Grabbike, Grabfood, GrabExpress… cho rằng, Grab đang thu thêm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) để bỏ túi. Nhưng trên thực tế, Grab vẫn luôn nỗ lực liên hệ cơ quan quản lý thuế để xin điều chỉnh một chế tài thuế mềm mại hơn cho các đối tác tài xế của mình.

Nhiều tài xế Grab Bike cho rằng, phải nộp thuế mà không được giảm trừ gia cảnh là quá khó khăn cho họ

Nhiều tài xế Grab Bike cho rằng, phải nộp thuế mà không được giảm trừ gia cảnh là quá khó khăn cho họ

Theo hướng dẫn tại các công văn 384/TCT-TNCN Tổng Cục Thuế ngày 08/02/2017 về chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Grab, công văn số 1531/TCT-TNCN Tổng Cục Thuế ngày 20/04/2017 về việc Chính sách thuế TNCN đối với cá nhân tham gia mô hình hoạt động của dịch vụ xe hai bánh, công văn 5729/CT-TTHT Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh ngày 19/06/2017 và công văn 357/CT-TTHT Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh ngày 11/01/2018 về chính sách thuế, đã qui định rõ Grab được phép thực hiện thu hộ thuế GTGT, thuế TNCN cho các đối tác tài xế hai bánh.

Tuy nhiên, trước bức xúc của các đối tác tài xế về vấn đề thu thuế, một lần nữa Công ty Grab đã có công văn số 01062018/CV-FIN-Grab ngày 1/6/2018 gửi Cục thuế TP. Hồ Chí Minh hỏi về chính sách thuế đối với các cá nhân kinh doanh sử dụng ứng dụng Grab. Ngày 06/7/2018 Cục thuế Thành phố đã có công văn số 6605/CT-TTHT trả lời về chính sách thuế đối với các đối tượng cá nhân (các đối tác tài xế) hợp tác với các tổ chức như Grab phải nộp thuế TNCN và GTGT.

Cụ thể mức thuế dành cho đối tác tài xế Grab theo các công văn hướng dẫn được quy định 3% thuế GTGT trên doanh thu chịu thuế và 1,5% thuế TNCN. Đối với các khoản tiền thưởng sẽ phải nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 1% trên tiền thưởng.

Theo các hướng dẫn của cục thuế, việc giảm trừ gia cảnh hay mức thuế suất lũy tiến theo tổng thu nhập (dành cho cá nhân làm công ăn lương có hợp đồng lao đồng từ 3 tháng trở lên) không áp dụng với tài xế của Grab (được cơ quan thuế ấn định là cá nhân hợp tác kinh doanh). Cụ thể các đối tác tài xế có tổng thu nhập từ 100.000.000 đồng/năm hoặc từ 8.300.000 đồng/tháng - thu nhập này bao gồm doanh thu (80% chi phí cuốc xe + 99% tiền thưởng) sẽ phải đóng thuế TNCN, thuế GTGT. Thuế sẽ phát sinh ngay tại thời điểm đạt mức doanh thu đóng thuế.

Trước nghi vấn của một số đối tác tài xế liệu phía Grab có nhập nhèm thu hộ thuế của họ để “bỏ túi” hay không, đại diện phía Công ty Grab cho biết: Tuân thủ luật pháp luôn là cam kết của Grab trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam nên việc kê khai, thu hộ và nộp hộ nghĩa vụ thuế đối với các đối tác tài xế hai bánh (Grab Bike, Grab Express và Grab Food) là hoàn toàn hợp pháp và đúng luật. Các đối tác tài xế không nên hiểu nhầm 20% phí sử dụng ứng dụng của Grab là thuế TNCN.

Đại diện Grab cũng khẳng định việc thu và nộp hộ thuế 4,5% cho các đối tác tài xế chịu thuế là tuân thủ pháp luật về thuế chứ không phải là chính sách từ Grab nhằm tăng mức phí sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác như nhiều tài xế vẫn lầm tưởng.

Hiện ngoài việc hỗ trợ cho các đối tác tài xế (cả 2 bánh và 4 bánh) kê khai và nộp thuế, Grab cho rằng công ty luôn tuân thủ đầy đủ các chính sách thuế của Việt Nam, đảm bảo chế độ lưu trữ sổ sách phù hợp với quy định pháp luật và các quy tắc thực hành kế toán. Hàng tuần, phía Grab đều có cập nhật cho đối tác số cuốc xe, doanh thu, tiền thưởng, giúp đối tác dễ theo dõi. Các thông tin này cũng được tổng hợp, nộp lên cơ quan Thuế để rà soát, đảm bảo đúng quy định về thuế. Số tiền thuế TNCN nộp hộ cho đối tác cũng được cơ quan thuế phát hành chứng từ chứng nhận. Grab cũng phát hành chứng từ xác nhận nộp thuế TNCN nếu đối tác có yêu cầu. Tính đến tháng 5/2019, Grab và các đối tác của mình đã đóng góp hơn 947 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước trong vòng 5 năm.

Đại diện phía Grab cũng cho biết thêm: công ty này cũng đã nhiều lần gửi công văn để mong cơ quan thuế xem xét, điều chỉnh để có mức thu thuế tốt cho tài xế. Nhưng do đây là luật đã được ban hành nên trước khi có hướng dẫn từ phía cơ quan thuế, cần phải hoàn thành nghĩa vụ nộp/thu hộ thuế.

Về phía các đối tác tài xế, khi được hỏi về mức thuế phải đóng, nhiều tài xế Grabbike cho rằng: họ là các cá nhân chứ không phải hộ kinh doanh nên cơ quan thuế áp thuế cho những người chạy xe ôm như họ mà không được giảm trừ gia cảnh, trong khi họ cũng phải nuôi cha mẹ con cái là không công bằng. Được biết, hiện mức chiết khấu công ty Grab thu 20% họ phải trả thêm 4,5% thuế TNCN và GTGT là quá cao, trong khi họ vẫn phải chịu mọi chi phí xăng xe, bảo trì, rủi ro trên đường, cạnh tranh ngày càng cao khi lực lượng đối tác tài xế xe máy tham gia ngày càng đông… (!).

Minh Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-ho-thue-cho-doi-tac-tai-xe-grab-chiu-ap-luc-tren-de-duoi-bua-124784.html