Thu hẹp khoảng cách về giới

Điểm mới trong chính sách đối với lao động nữ trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là tiến tới thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách về giới trong đó có việc trao cho lao động nữ quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động.

Trước đây, nhiều nước công nghiệp phát triển đều từng ban hành danh mục công việc không được phép sử dụng lao động nữ hoặc thông qua các Tổ chức lao động quốc tế (ILO) có quy định việc cấm và hạn chế sử dụng lao động nữ làm nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc trong điều kiện lao động có hại cho sức khỏe và thiên chức làm mẹ như: Công ước số 4, số 89 (cấm làm việc ban đêm); số 45 (cấm làm việc trong hầm mỏ); số 13, Điều 3 (cấm tiếp xúc chì trắng); số 136 (cấm tiếp xúc với các chất Benzen); số 3, số 103 (bảo vệ phụ nữ đang mang thai); số 127 (giới hạn trọng lượng mang vác tối đa)…

Cần lấy ý kiến đầy đủ của các đối tượng chịu sự điều chỉnh trước khi hoàn thiện quy định pháp luật mới. Ảnh minh họa

Cần lấy ý kiến đầy đủ của các đối tượng chịu sự điều chỉnh trước khi hoàn thiện quy định pháp luật mới. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định về việc không được sử dụng lao động nữ trong môi trường nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm, điển hình như: Thông tư 05/TT-LB-Y tế (1986) quy định các điều kiện cấm sử dụng lao động nữ: độ chại, nặng nhọc hoặc điều kiện vật lý không bình thường; Thông tư 09/TT-LB (1986) quy định 105 danh mục công việc cấm sử dụng lao động nữ; Thông tư 03/TT-LB năm 1994 quy định cấm sử dụng 49 danh mục đối với lao động nữ; 83 danh mục đối với lao động nữ mang thai và đang cho con bú; Thông tư 40/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT năm 2011 quy định 45 danh mục công việc cấm sử dụng đối với lao động nữ; 79 công việc đối với lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH năm 2013 quy định cám 38 danh mục công việc đối với lao động nữ và 77 công việc đối với lao động nữ mang thai…

Đặc biệt, Bộ Luật Lao động hiện hành quy định Điều 155 về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ, bao gồm: (i) Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; (ii) Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn được hưởng đủ lương.

Điều 160 quy định những công việc không được sử dụng đối với lao động nữ, bao gồm: Công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành; công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước; công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ…

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ một số vấn đề có thể không còn phù hợp. Theo đó, có những quy định bảo vệ lao động nữ, mặc dù mục đích hướng đến là tốt và không phân biệt đối xử, song có thể dẫn đến phân biệt đối xử trên thực tế như cấm một số công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam.

Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, một trong những nội dung trọng tâm mà Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Bộ luật, trong đó có danh mục độc hại nguy hiểm đối với lao động nữ, nhằm tham vấn đông đảo các đối tượng và truyền thông, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung dự thảo Bộ luật.

Đặc biệt, Dự thảo mới Bộ Luật Lao động (sửa đổi) quy định tại Điều 138 về Bảo vệ thai sản: “Nếu không có sự đồng ý của người lao động thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động để làm thêm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hay tháng thứ 6, nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo”. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật lần này đã thêm vào cụm từ “nếu không có sự đồng ý của người lao động”.

Tại Hội thảo tham vấn về Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, điểm mới trong chính sách đối với lao động nữ trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là tiến tới thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; người lao động bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH; NLĐ có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động; Cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới ( Điều 137).

Vì sự phát triển của nguồn nhân lực và tương lai của đất nước, thiết nghĩ, cần phải lấy ý kiến đầy đủ các đối tượng chịu sự điều chỉnh theo hướng quan tâm đến lợi ích lâu dài, bởi các quy định trong dự thảo Luật mặc dù tưởng như tạo quyền và cơ hội làm việc cho lao động nữ, song thực tế dễ tạo ra những bất lợi ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của lao động nữ cũng như sự phát triển của thai nhi.

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thu-hep-khoang-cach-ve-gioi-96037.html