Thu hẹp khoảng cách giới, đề cao vai trò phụ nữ

Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của lao động nữ, Bộ Công Thương luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác phát triển cán bộ nữ và mục tiêu bình đẳng giới; tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực, trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển của ngành, đất nước.

Nâng cao nhận thức bình đẳng

Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Công Thương, nữ giới đã có những đóng góp to lớn, không ngừng phấn đấu, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo trên các lĩnh vực, "giỏi việc nước, đảm việc nhà" được ghi nhận và đánh giá cao.

Trao Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2016 - 2020

Trao Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2016 - 2020

Để triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được của giai đoạn 2011 - 2015, ngày 5/9/2016 Bộ Công Thương đã có Quyết định số 3614/QĐ-BCT về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp sau đó, nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành để cụ thể hóa các nội dung, yêu cầu nhiệm vụ, thông qua nhiều hình thức phù hợp với ngành như: Giao ban định kỳ, sinh hoạt Chi bộ, đoàn thể, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành… Nhiều đơn vị sự nghiệp như các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ đã phổ biến rộng rãi công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đến học sinh, sinh viên.

Hiện toàn ngành có 48.477/158.049 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 30,67%. Kết quả sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Công Thương, số lượng ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ là nữ hiện đã chiếm tỷ lệ 32,6%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 30%. Tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt cũng tăng từ 18,6% thời kỳ 2016 - 2017 lên 24,2% vào năm 2020. 100% cán bộ nữ trong quy hoạch đều được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, cũng như chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo.

Trao đổi tại Hội nghị triển khai công tác nữ và tổng kết Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2021 được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) Bộ Công Thương - cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2020, công tác bình đẳng giới của ngành Công Thương đã đạt được 2/3 chỉ tiêu đặt ra, 14/22 chỉ tiêu đã đạt, 7 chỉ tiêu chưa đạt và 1 chỉ tiêu chưa đủ số liệu. Nhìn chung, công tác bình đẳng giới 10 năm qua đã thu nhận được những kết quả tích cực. Thông qua việc thực hiện hệ thống pháp luật, chính sách, chủ trương của Đảng kết hợp lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới, vấn đề nhận thức về bình đẳng giới ngành Công Thương đã góp phần thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Trưởng Ban VSTBPN Bộ Công Thương cũng khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, các thế hệ nữ ngành Công Thương đã phát huy những phẩm chất tốt đẹp, đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành.

Từ thực tế công tác, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - chia sẻ, Cục là đơn vị có sự phát triển về nguồn nhân lực nhanh nhất trong Bộ Công Thương. Năm 2017, đơn vị có 17 cán bộ, công nhân viên, đến nay đã có 44 cán bộ, công nhân viên, trong đó số lượng cán bộ nữ chiếm 61% (27/44 người). Thời gian qua, đơn vị đã cố gắng trong công tác VSTBPN như, tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp học phát triển chuyên môn, nghiệp vụ… "Xét về tư chất, năng lực cán bộ nữ không kém gì cán bộ nam, đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển của Cục Phòng vệ thương mại thời gian qua" - bà Phạm Châu Giang cho hay.

Có gần 5.000 lao động là nữ, những năm qua, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã xác định những mục tiêu rõ ràng trong thực hiện công tác bình đẳng giới. Ông Nguyễn Xinh - Chủ tịch Công đoàn Vinapaco - cho biết, trên cơ sở những văn bản, chính sách của Chính phủ và Bộ Công Thương, doanh nghiệp đã xác định thực hiện nhiều mục tiêu chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Trong đó, tập trung tuyên truyền thông qua tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo, sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật, chủ yếu là tập trung vào bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, nâng cao kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, kỹ năng làm đẹp cho phụ nữ. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lao động nữ, có quy chế tuyển dụng ưu tiên đối với nữ giới; quan tâm đến quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt là nữ. Đồng thời, quan tâm cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe nữ và quan tâm tới con, em người lao động… Đặc biệt hơn, những nội dung thực hiện công tác bình đẳng giới đã được Vinapaco thể chế hóa trong thỏa ước lao động tập thể với người lao động, từ đó giúp lao động nữ yên tâm công tác, gắn bó vì sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025

Mặc dù công tác bình đẳng giới đã đạt được kết quả tốt, song Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhìn nhận: Hiện nay, có đến 38/84 đơn vị trong Bộ Công Thương chưa có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Lý do khách quan chủ yếu là các đơn vị khối viện, trường thuộc khối kỹ thuật nên số lượng cán bộ nữ tương đối ít, việc tìm được cán bộ nữ để đào tạo, bồi dưỡng cũng gặp khó khăn. Thêm vào đó, một số đơn vị dù đã quan tâm đến công tác nữ nhưng chưa thật sát sao.

Với tinh thần nội lực và quyết tâm cao độ, để nâng cao vai trò của nữ giới ngành Công Thương thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương sẽ bám sát chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương sẽ tích cực tham gia vào xây dựng Chương trình quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn mới của Chính phủ, thông qua việc ban hành và thực hiện kế hoạch 5 năm tới. Tiếp tục thực hiện những chỉ tiêu đã đề ra như: Nâng tỷ lệ cán bộ nữ ở trong Ban Chấp hành Đảng bộ, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt và tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch ở tất cả các cấp… Đề cao vai trò người đứng đầu đơn vị, quan tâm đến công tác nữ và đưa ra các chương trình kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác này.

Ngành Công Thương cũng hướng đến sự thay đổi lớn về mặt nhận thức trong công tác bình đẳng giới cũng như vị thế, vai trò của phụ nữ. Nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ về vị thế cũng như vai trò, quyền lợi của mình trong công việc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương cần lồng ghép công tác nữ vào công việc của ngành; chú ý đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cũng như lý luận chính trị về kỹ năng lãnh đạo cho chị em, để bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu giai đoạn 5 năm tới (2021 - 2025).

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương nói chung và nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói riêng cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức rèn luyện kỹ năng, tăng cường sức sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, có ý chí quyết tâm cao để thành đạt trong cuộc sống, trong sự nghiệp, cũng như hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển của ngành Công Thương và thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trang - Lan - Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-hep-khoang-cach-gioi-de-cao-vai-tro-phu-nu-150222.html