Thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới về tiếp cận tài chính

Là nội dung trọng tâm được đề cập tại hội thảo Hội thảo chuyên đề khu vực ASEAN về tài chính toàn diện với chủ đề 'Trao quyền kinh tế cho nữ giới thông qua đổi mới tài chính toàn diện', tổ chức ngày 26/9/2019 tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có đại biểu từ các Ngân hàng Trung ương (NHTW), Bộ Tài chính, Cơ quan giám sát tài chính tiền tệ các nước ASEAN, các tổ chức tài chính quốc tế, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các chi nhánh NHNN, các Bộ, ngành liên quan, các Hiệp hội và các tổ chức tài chính trong nước.

Có nhiều thách thức chính mà phụ nữ đang phải đối mặt trong tiếp cận tài chính và hoạt động kinh doanh

Có nhiều thách thức chính mà phụ nữ đang phải đối mặt trong tiếp cận tài chính và hoạt động kinh doanh

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, lựa chọn chủ đề “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua các sáng kiến đổi mới về tài chính toàn diện” làm trọng tâm trao đổi tại Hội thảo năm nay, NHNN mong muốn tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực hành và các bên liên quan cùng nhau chia sẻ về những thách thức chính mà phụ nữ đang phải đối mặt trong tiếp cận tài chính và hoạt động kinh doanh, qua đó tìm ra định hướng, giải pháp hữu hiệu để phụ nữ, bao gồm cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, được thụ hưởng tối đa các lợi ích khi được tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng như đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào phát triển kinh tế.

Mục tiêu chính của Hội thảo lần này nhằm quy tụ các nhà lập chính sách, tổ chức quốc tế và tổ chức dân sự có uy tín trong lĩnh vực tài chính toàn diện để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu chung về thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính của khu vực ASEAN. Đây cũng là diễn đàn dành cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các bên liên quan thảo luận về những thách thức mà phụ nữ đang phải đối mặt trong việc tiếp cận tài chính, kinh doanh và cùng nhau tìm ra các giải pháp chung để nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ trong xã hội.

Thời gian gần đây, các nước ASEAN đã cùng nhau xây dựng một diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thường xuyên thông qua Nhóm công tác về tài chính toàn diện (WC-FINC) và đưa ra mục tiêu chung là giảm tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận tài chính trong khu vực ASEAN từ 44% xuống 30% và tăng tính sẵn sàng của cơ sở hạ tầng tài chính toàn diện từ 70% lên 85% vào năm 2025. Và Hội thảo chuyên đề về tài chính toàn diện cũng là một trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình này với rất nhiều chủ đề, nội dung hữu ích, mang tính thời sự được đưa ra thảo luận như tài chính toàn diện số, các sáng kiến tăng cường tài chính toàn diện như đại lý ngân hàng, tài chính vi mô, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính v.v., và tập trung vào các đối tượng mục tiêu, chưa được hoặc tiếp cận chưa đầy đủ với dịch vụ tài chính – ngân hàng như người nghèo, thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó, vấn đề bình đẳng giới về tiếp cận tài chính, đặc biệt là tăng cường vai trò và quyền của phụ nữ trong thúc đẩy tài chính toàn diện đã được lồng ghép vào các chủ đề đưa ra thảo luận do đây vẫn là đối tượng yếu thế hơn so với nam giới trong tiếp cận tài chính. Theo Findex 2017, tỷ lệ nữ giới toàn cầu có tài khoản tại tổ chức tài chính là 56%, thấp hơn 7% so với nam giới, trong khi đó chênh lệch này là 9% ở các nước đang phát triển và sự chênh lệch này không thay đổi từ cuộc điều tra năm 2011 và 2014 đến nay.

“Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy tài chính toàn diện với việc sắp ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, là cơ hội tốt để Việt Nam được chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong việc tổ chức triển khai tài chính toàn diện, đặc biệt là các sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường tiếp cận tài chính cho phụ nữ – đối tượng được Việt Nam quan tâm ưu tiên trong nhiều chính sách phát triển của đất nước”, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-hep-khoang-cach-bi-nh-da-ng-gio-i-ve-tie-p-ca-n-ta-i-chi-nh-125753.html