Thư gửi người tình đồng giới của thi hào Oscar Wilde

Khi đã kết hôn và trở thành một tượng đài văn học lúc bấy giờ, Oscar Wilde lại mê mẩn Hầu tước Alfred Douglas. Mối tình này vấp phải sự phản đối của gia đình.

Văn chương không thể tồn tại nếu như trong các văn nhân không có một thôi thúc được biểu đạt thế giới quan, nhân sinh quan hay đơn giản là những cảm xúc đốt cháy tâm can của họ qua ngôn từ. Thư tín và nhật ký là hai trong những mối bận tâm chính của văn chương, ít nhất là từ thời trước khi phát minh điện thoại làm thay đổi thế giới.

Oscar Wilde gửi tới Lord Alfred Douglas

Khi đã kết hôn và trở thành một tượng đài văn học lúc bấy giờ, Oscar Wilde lại mê mẩn Hầu tước Alfred Douglas. Mối tình rụt rè này, “thứ tình yêu không dám gọi đích danh của nó”, vấp phải sự phản đối của gia đình, công chúng. Wilde đa cảm và duy mỹ bị nhục mạ, kiện cáo và bị tống vào tù, bị lên án là vô luân với tác phẩm Bức chân dung của Dorian Gray (1891).

Oscar Wilde (trái) và Alfred Douglas.

Oscar Wilde (trái) và Alfred Douglas.

“Em yêu dấu,

Bài sonnet của em đáng yêu lắm, thật là điều kì diệu khi đôi môi hồng thắm của em được tạo ra không chỉ cho thi ca mà còn cho nỗi mê cuồng của những nụ hôn. Linh hồn mảnh dẻ của em đi giữa đam mê và thi ca. Ta biết rằng Hyacinthus mà thần Apollo yêu như cuồng dại thời Hy Lạp xa xưa chính là em".

Lord Byron gửi nữ bá tước Guiccioli

Lord Byron thi hào Anh nổi tiếng với những bài thơ lãng mạn, một chàng trai đa sầu đa cảm đã rơi vào lưới tình với Guiccioli, nữ bá tước vốn đã là vợ của một nhà quý tộc Italy giàu có. Mối tình với Byron được công khai và ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm của thi hào.

“Anh đã đọc cuốn sách này trong vườn em, em dấu yêu. Đây là một trong những cuốn sách mà em thích nhất và tác giả là một người bạn của anh. Em hẳn là không hiểu những dòng chữ Anh này và người khác cũng không hiểu. Nhưng chắc em nhận ra nét chữ của người yêu em tha thiết, và em hiểu được rằng trên cuốn sách của em, người ấy chỉ có thể nghĩ về tình yêu mà thôi".

Pablo Neruda gửi Matilde Urrutia

Nhà thơ đoạt giải Nobel năm 1971 Pablo Neruda nổi tiếng với những bài thơ tình diễm lệ, nồng hậu và sâu lắng, nổi bật trên nền thi ca châu Mỹ Latin.

Pablo Neruda và vợ Matilde Urrutia.

Độc giả có thể cảm nhận điều đó qua vài dòng thư tình mà ông gửi cho người yêu dấu của ông:

“Anh biết rất rõ rằng, thuận theo thể thơ sonnet, với thị hiếu thanh nhã, thi nhân của mọi thời đều đã sắp xếp vần điệu sao cho như tiếng ngọc nảy trên khay bạc, mâm vàng, như những chiếc cốc pha lê chạm vào nhau reo lên những âm thanh trong trẻo. Nhưng, với lòng khiêm cung tự hạ, anh đã sáng tác những bài sonnet này từ chất liệu đơn sơ thô mộc là gỗ, với âm thanh thuần hậu dịu dàng để chúng thầm thì mơn man thính quan của em".

Mark Twain gửi vợ Olivia Langdon Clemens

Cuộc hôn nhân của hai người cũng có lúc trải qua những nỗi đắng cay - khó khăn về tài chính, cái chết của những đứa con - nhưng những bức thư của nhà văn vẫn luôn dịu dàng, trìu mến cho đến ngày vợ ông mất.

“Đã sáu năm trôi qua kể từ khi anh đạt được thành công lớn đầu tiên trong đời và được em yêu, ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi thiên mệnh đã chuẩn bị cho sự thành công đó bằng cách cho em sinh ra đời… Chúng ta hãy nhìn về những lần sinh nhật sắp tới, với tuổi tác tăng thêm cùng tóc bạc mà không kiêng kị hay sợ hãi điều gì, vẫn luôn vững tin rằng tình yêu chúng ta dành cho nhau sẽ đủ để ban phước lành cho chúng".

Thực ra, mối quan hệ giữa những bức thư tình và văn chương cũng rất đa dạng. Có người có khả năng sáng tác ra những tiểu thuyết sống động và kỳ ảo nhưng chỉ có những lá thư tình vụng về, tẻ ngắt gửi người thương.

Ở một số văn nhân khác, có mối quan hệ trực tiếp giữa những thức thư tình và văn học. Những lời thư không khác những lời văn, thậm chí những lời thơ. Đôi khi những bức thư tình lại được xếp vào những thành tựu hoàn hảo nhất của một nhà văn. Một số nhà văn danh tiếng như Kafka, Rilke và Kleist còn có những cuộc tình chỉ hiện hữu qua thư tín.

Nancy Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/he-lo-nhung-buc-thu-tinh-cua-nguoi-noi-tieng-the-gioi-post949177.html