Thu gần 11 tỷ mỗi ngày nhờ lẩu, bia tươi, thịt nướng

Theo báo cáo thường niên 2018, dù tốc độ tăng trưởng chững lại nhưng chuỗi nhà hàng Golden Gate vẫn đạt doanh thu thuần 3.971 tỷ và lợi nhuận sau thuế 269 tỷ trong năm qua.

Công ty CP Thương mại Dịch vụ Cổng vàng (Golden Gate), đơn vị sở hữu các chuỗi Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Ashima, GoGi house, Vuvuzela tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong năm 2018 nhưng tốc độ tăng chậm hơn những năm trước, theo báo cáo thường niên của công ty.

Cụ thể, chuỗi nhà hàng Golden Gate đạt doanh thu thuần 3.971 tỷ đồng năm qua, tăng 17% so với cùng kỳ 2017. Trung bình, mỗi ngày các nhà hàng của Golden Gate thu tổng cộng gần 10,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất của Golden Gate từ năm 2014. Trước đó, ngưỡng tăng doanh thu của Golden Gate luôn dao động từ 30% trở lên.

Một điểm đáng chú ý trong kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018 của Golden Gate là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đã giảm 8% so với 2017. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Golden Gate vẫn tăng lên 269 tỷ, cao hơn 5% so với cùng kỳ 2017.

Tổng quan, so với mục tiêu kinh doanh của năm 2018 là 4.400 tỷ đồng doanh thu và 326 tỷ đồng lợi nhuận, Golden Gate đều không hoàn thành.

Về số lượng cửa hàng, Golden Gate cho biết đã có hơn 300 cửa hàng trên toàn quốc. Về danh mục thương hiệu, Golden Gate chỉ có thêm một chuỗi mới trong năm 2018.

Dù có dấu hiệu chững lại, ông lớn của ngành ẩm thực Việt vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2019 với dự báo các chỉ số phát triển của nền kinh tế sẽ tăng nhẹ trở lại.

Cụ thể, Golden Gate kỳ vọng thu về 4.836 tỷ đồng và đạt lợi nhuận sau thuế 332 tỷ trong năm 2019, tăng trưởng lần lượt 22% và 23% so với năm 2018.

Thành lập từ năm 2008 với 6 nhà hàng Ashima ở Hà Nội và TP.HCM, Golden Gate hiện là chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đến hết năm 2018, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 1.968 tỷ đồng.

Sau 3 năm đầu hoạt động, Golden Gate mới chỉ khai thác 3 thương thiệu gồm Ashima, Kichi Kichi và Sumo BBQ. Nhưng đến năm 2012, doanh nghiệp này tăng tốc bằng việc giới thiệu 5 thương hiệu mới. Năm 2015, Golden Gate một lần nữa thực hiện bước "nhảy vọt" khi ra mắt tới 7 thương hiệu. Lúc này, Golden Gate đã có trong tay 18 thương hiệu và 146 nhà hàng.

Số nhà hàng hiện tại của Golden Gate đã vượt mốc 300. Ảnh: GGG.

Số nhà hàng hiện tại của Golden Gate đã vượt mốc 300. Ảnh: GGG.

Năm 2016, đại gia trong ngành ăn uống cũng mở thêm 3 thương hiệu nhưng trong 2 năm gần nhất chỉ mở mới một thương hiệu duy nhất.

Cơ cấu cổ đông của Golden Gate tương đối cô đặc khi 2 cổ đông tổ chức chiếm 60,79% vốn, và 3 cổ đông cá nhân đồng thời cũng là các thành viên trong HĐQT là ông Đào Thế Vinh (chủ tịch kiêm CEO), Nguyễn Xuân Tường (Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc) và Trần Việt Trung giữ tổng cộng 35,43% cổ phần.

Mới đây, chủ tịch Golden Gate Đào Thế Vinh bất ngờ tham gia vào HĐQT HĐQT của tập đoàn Thế Giới Di Động với vị trí thành viên độc lập.

Vì sao các chuỗi thức ăn mạnh dạn ở Sài Gòn nhưng dè dặt tại Hà Nội? Nhiều chuỗi ăn uống (F&B) tại Việt Nam xuất phát từ TP.HCM đều mất vài năm mới tiến ra Hà Nội. Những khác biệt về thời tiết, giá cả đầu tư cũng như nhu cầu khách hàng là nguyên do.

Việt Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thu-gan-11-ty-moi-ngay-nho-lau-bia-tuoi-thit-nuong-post944133.html