Thử dùng Bitcoin ở El Salvador, phóng viên gặp phiền toái và mất tiền

Liên tục 'bắt đáy' Bitcoin và cởi mở với tiền mã hóa, El Salvador vẫn gặp khó khăn vì người dân nước này chưa thực sự đón nhận hình thức thanh toán mới.

Tháng 6/2021, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới hợp pháp hóa Bitcoin khi thông qua luật coi đồng tiền này như một loại tiền tệ chính thức.

Chính quyền nước này đã thúc đẩy việc áp dụng Bitcoin thông qua ví Bitcoin có tên Chivo. Theo đó, những ai tải ứng dụng Chivo và đăng ký thông tin tài khoản sẽ được tặng miễn phí số Bitcoin trị giá 30 USD. Đồng thời, chính quyền El Salvador còn lắp đặt 200 máy ATM Bitcoin trên khắp đất nước. Người dùng có thể sử dụng để đổi tiền mã hóa lấy USD.

Tuy nhiên, việc hợp pháp hóa Bitcoin của tổng thống quốc gia này không được ủng hộ và phổ biến rộng rãi. Nhiều rắc rối phát sinh trong quá trình thanh toán và các cửa hàng ít chấp nhận người dân giao dịch bằng Bitcoin.

Để kiểm chứng điều này, phóng viên Michael McDonald của Bloomberg đã có hành trình dài 5 ngày tại El Salvador với ví Bitcoin trong tay. Ông tải ví điện tử Wallet of Satoshi, Coinbase Global, Muun Wallet và cả Strike về máy. Ông còn chuẩn bị 0,027 Bitcoin, khoảng 1.000 USD, để giao dịch.

Cổng thanh toán ì ạch, hay gặp lỗi

Ngày đầu tiên đặt chân đến đất nước này, ông dự định trả phí ra - vào sân bay bằng Bitcoin nhưng nhân viên thu tiền tại đây đã từ chối. “Tôi xin lỗi, thưa ông. Ở đây chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt hoặc thẻ”, người nọ nói.

Hóa ra, Chivo, hệ thống thanh toán Bitcoin của nước này, không tiện lợi như ông vốn nghĩ. Máy POS của Chivo không hoạt động được do gặp phải lỗi trong đường truyền mạng. Do đó, ông phải dùng thẻ Visa để thanh toán.

 Tuy hiển thị thông báo giao dịch đã được chuyển đi nhưng Michael McDonald vẫn không nhận được hóa đơn thanh toán từ hệ thống Chivo. Ảnh: Bloomberg.

Tuy hiển thị thông báo giao dịch đã được chuyển đi nhưng Michael McDonald vẫn không nhận được hóa đơn thanh toán từ hệ thống Chivo. Ảnh: Bloomberg.

Sau đó, khi gọi taxi để di chuyển đến nơi ở, ông lân la hỏi thăm liệu những tài xế ở gần đó có nhận tiền bằng Bitcoin hay không. Đa số bọn họ đều làm lơ và chẳng ai sử dụng phương thức thanh toán này.

Cuối cùng, ông gọi được một chiếc Toyota đưa ông về khách sạn với giá 30 USD và chấp nhận trả bằng tiền mã hóa. “Mọi người thích dùng tiền mặt hơn. Và cũng chẳng ai hỏi trả tiền bằng Bitcoin cả”, theo người tài xế. Người này còn cho hay hệ thống Chivo rất thường xuyên gặp lỗi và gần đây còn chậm đi đáng kể. Ứng dụng trở thành một cơn sốt vào năm ngoái nhưng đến nay đã chẳng còn phổ biến là mấy.

Đến nơi, ông gặp Wendy Lopez, tiếp tân của khách sạn, và cô đã sử dụng tiền mã hóa từ năm 2018. Cô thanh toán tiền phòng của Michael McDonald bằng máy POS của Chivo. Nhưng sau khi quét mã, thông báo “Giao dịch đã được gửi đi” hiện lên, thiết bị này vẫn không thể in hóa đơn. Lopez khuyên ông nên kiểm tra lại vào ngày mai vì giao dịch thường mất đến 1 ngày để hoàn tất.

Hôm sau, ông thanh toán bữa trưa tại một nhà hàng bằng Bitcoin. “Nhiều người đến đây cũng trả tiền bằng Bitcoin. Tôi rất vui khi họ thấy thích thú với điều này”, Natalia Avilés, quản lý tại nhà hàng cho biết. Cô chia sẻ việc sử dụng Bitcoin giúp công việc của nhà hàng được mở rộng và khách hàng có nhiều lý do để ghé thăm hơn.

Nhưng tại đây, Michael McDonald lại tiếp tục gặp vấn đề với máy POS của Chivo. Ông đã quét mã và nhận được thông báo nhưng vẫn không có hóa đơn. Cuối cùng, Michael quyết định trả bằng thẻ Visa của mình.

10/50 cửa hàng chấp nhận Bitcoin, chỉ 4 giao dịch trơn tru

Rời khỏi nhà hàng, ông đến ngay với cây ATM Chivo trên quảng trường Plaza Salvador del Mundo nhưng được nhân viên ở gần đó báo là đã hết tiền. Phóng viên củaBloomberg phải di chuyển đến một cây ATM khác gần khu trung tâm thương mại Multiplaza nhưng vẫn không có tiền. Hết cách, ông đành tiến vào bên trong khu mua sắm để tìm ATM và may mắn thay, nó vẫn còn hoạt động.

Ông bắt đầu quét mã và xác thực để rút tiền nhưng nhân viên ở đây cho biết có thể phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ giao dịch này mới có thể hoàn tất. Nghe thấy thế, 2 người dân đứng xếp hàng đợi phía sau ông đành bỏ đi. Cuối cùng, nhận được 20 USD từ máy ATM, Michael mừng như vớ được vàng.

Cây ATM Chivo liên tục gặp lỗi hoặc không có tiền để rút. Ảnh: AP.

Sáng hôm sau, ông ghé thăm khu chợ đường phố ở thủ đô San Salvador. Tại đây, ông gặp được một người đàn ông 76 tuổi làm nghề sửa kính. Ông cho biết mình có 30 USD Bitcoin trong ví điện tử, được chính phủ tặng từ cuộc thử nghiệm vào tháng 9 năm ngoái. Nhưng ông không chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa.

Người đàn ông cho biết mọi người ở đây đã mất dần hứng thú với loại tiền này vì nó liên tục rớt giá. Nó cũng không được phổ biến đúng cách nên họ không biết cách sử dụng chúng. “Chưa có người nào hỏi tôi trả tiền bằng Bitcoin bao giờ. Và các hàng quán xung quanh cũng không ai chấp nhận loại tiền này”, ông chia sẻ.

Chiều xuống, Michael McDonald đến quán bida có tên Club La Dalia. Ở đây, nhân viên không chỉ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin mà họ còn sở hữu NFT của riêng mình. Ông trả 2,2 USD tiền nước uống bằng tiền mã hóa và giao dịch hoàn tất ngay lập tức. “Tiền mã hóa thật điên rồ”, người nhân viên cảm thán.

Trên đường đi, Michael McDonald nhận được thông báo từ Natalia Avilés, người quản lý tại nhà hàng ông ăn lúc trưa. Do trục trặc từ hệ thống Chivo, ông đã thanh toán số tiền đó tận 3 lần, tức là ông đã trả 180 USD cho bữa ăn trị giá chỉ 60 USD. Natalia Avilés cho hay cô đang chuyển lại số tiền này cho ông.

Sau đó, Michael di chuyển đến khu vực núi lửa Conchagua, được mệnh danh là “thành phố Bitcoin”. Ở đây, ông trả 7 USD bằng Bitcoin tại một quầy bán đồ ăn bên vệ đường và giao dịch nhanh chóng được hoàn thành. Người chủ cửa hàng này còn chia sẻ anh đã kiếm được 300 USD bằng cách đầu tư vào Bitcoin. Số tiền này tương đương thu nhập trung bình hàng tháng tại El Salvador.

Không chỉ đến các nhà hàng, quán ăn lớn, Michael McDonald còn ghé thăm những cửa hàng nhỏ của cư dân bản địa ở đây. Alex Zelayndia (57 tuổi), làm việc tại một quán sườn nướng, chia sẻ với ông: “Chẳng có tương lai nào cho Bitcoin ở đây. Chúng tôi cần USD, cần tiền mặt. Nếu được nhận 25 USD Bitcoin, ai biết được hôm sau nó sẽ biến thành 20 USD. Chỉ có USD là bền vững với chúng tôi”.

Chủ cửa hàng cho biết chưa từng có ai thanh toán bằng Bitcoin với ông. Ảnh: Bloomberg.

Ông còn được gặp một cặp vợ chồng sống ở gần đó. Họ cho biết chính quyền muốn quy hoạch lại căn nhà của họ để xây sân bay cho “thành phố Bitcoin”. Người chồng Bautista Villa cho biết ông không muốn rời đi. “Chúng tôi đã quen sống ở đây rồi và bọn trẻ cũng chơi đùa rất an toàn”, ông tâm sự. Ông không sử dụng ví Bitcoin và vợ của ông thậm chí còn chẳng thích thú mấy với loại tiền này. “Tôi chẳng hiểu gì về Bitcoin cả. Tôi thậm chí còn chẳng biết đọc chữ”, bà cho biết.

Kết thúc chuyến đi, Michael McDonald quay trở lại thủ đô San Salvador. Ông lại tiếp tục gặp vấn đề với thanh toán Bitcoin vì hệ thống Chivo đã bị sập nên đành dùng thẻ để trả tiền. Ông thậm chí còn mất thêm 40 USD vì sử dụng ATM Chivo nhưng hệ thống này không hề trả tiền ra cho ông. Michael đành ngậm ngùi tạm biệt 40 USD một đi không trở lại của mình với ứng dụng Chivo ở nước này.

Tổng kết lại 5 ngày ở El Salvador, quốc gia đầu tiên công nhận Bitcoin, phóng viên của Bloomberg nhận thấy chỉ có 10 cửa hàng trong số 50 cửa hàng ông ghé thăm chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Và trong số đó chỉ có 4 giao dịch là hoạt động trơn tru, còn lại đều gặp vấn đề trong lúc thanh toán. Mặt khác, theo một khảo sát của Phòng Thương mại (Chamber of Commerce) trên 337 doanh nghiệp, chỉ có 14% trong số đó sử dụng Bitcoin từ tháng 9/2021.

Thúy Liên

Theo Bloomberg

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chang-co-tuong-lai-nao-cho-bitcoin-o-el-salvador-post1308594.html