Thủ Đức trong mối liên kết vùng

Trong những hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh, hướng phát triển về phía đông gắn với TP Thủ Đức có lợi thế rất lớn bởi sự hội tụ, tập trung đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh và thuận lợi để bứt phá.

Một góc Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Một góc Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Trong đó, có thế mạnh liên kết vùng với nhiều địa phương khu vực Đông Nam Bộ, nơi tập trung sức mạnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam (KTTĐPN).

Cửa ngõ phía đông - TP Thủ Ðức có thế mạnh phát triển đồng bộ và gắn kết của hệ thống hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông, trung tâm khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, khu công nghệ cao cùng nhiều yếu tố quan trọng khác. Trong đề án xây dựng chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh, thành phố xác định điểm nhấn, cốt lõi cho hạt nhân phát triển về định hướng không gian đô thị là hệ thống "chân vạc" của ba quận Thủ Ðức, quận 2 và quận 9, nay là TP Thủ Ðức với diện tích đất tự nhiên hơn 21.000 ha, chiếm 10% diện tích của thành phố. Ðây là khu đô thị phát triển trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức hướng đến thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 TP Thủ Ðức có vị trí thuận lợi liên kết với sân bay quốc tế Long Thành (Ðồng Nai) trong tương lai, nhiều tuyến giao thông quan trọng của các địa phương Ðông Nam Bộ, cửa ngõ giao thương quốc tế, đồng thời là "mắt xích" để liên kết chặt chẽ, liên hoàn giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các địa phương này có tiềm năng, thế mạnh trong tương lai, tạo điều kiện để thành phố có các mối liên kết, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn. TS Nguyễn Thành Nam, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho biết: Ðịnh hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh đối với TP Thủ Ðức gắn với ba trung tâm chức năng chính: Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; Trung tâm Giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; Trung tâm Thương mại quốc tế dựa trên nền tảng dịch vụ công nghệ cao và cũng là trung tâm tài chính lớn của cả nước và khu vực Ðông - Nam Á. Sự kết nối trong thế "tam trụ" khu vực phía đông của TP Hồ Chí Minh là điểm nhấn quan trọng, là cái lõi ở trung tâm, hạt nhân tạo động lực thúc đẩy quá trình xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo cho thành phố.

Một lợi thế rất lớn của TP Thủ Ðức mà các quận, huyện khác của TP Hồ Chí Minh không có được là Thủ Ðức gần như nằm ở vị trí trung tâm, hạt nhân của vùng kinh tế "mở", phát triển đầy năng động, nhạy bén với bán kính khoảng 50 km thuộc địa bàn kinh tế trọng yếu của Vùng KTTÐPN. Phát triển đô thị, kinh tế về phía đông nói chung và định hướng chiến lược phát triển TP Thủ Ðức nói riêng nhất thiết cần thấy rõ và nhận thức đầy đủ, toàn diện những thuận lợi, tiềm lực, thế mạnh của vùng đất này. Ðồng thời, cần gắn kết trong mối quan hệ phát triển chung của toàn vùng kinh tế quan trọng Ðông Nam Bộ. TP Thủ Ðức trong quy hoạch, định hướng phát triển nhất thiết phải theo hướng đô thị "vòng tròn mở" nhằm phát huy toàn diện, hiệu quả các nguồn lực, lợi thế. Các quận nội thành thành phố là nội lực, nhân tố chủ đạo thúc đẩy phát triển cho TP Thủ Ðức. Các địa phương Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu chính là ngoại lực, nhân tố vừa quan trọng vừa trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, liên kết phát triển, góp phần thúc đẩy Thủ Ðức phát triển nhanh, toàn diện. TS Nguyễn Thành Nam cũng cho biết thêm: Với TP Thủ Ðức, liên kết vùng, phối hợp chặt chẽ trong sự phát triển chung với các thành phố, địa phương chung quanh có ý nghĩa quan trọng, là phương hướng, chiến lược tất yếu, đúng đắn. Ðây là tiền đề quan trọng nhằm phát huy cao nhất những nguồn lực, lợi thế không chỉ cho TP Thủ Ðức mà còn phát huy tiềm năng, thế mạnh của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực Ðông Nam Bộ.

Để TP Thủ Ðức phát triển nhanh, là động lực thúc đẩy liên kết vùng bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách, giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, cần có sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng. Cụ thể, trong 5 năm tới, tập trung mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; xây dựng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69 km với từ sáu đến tám làn xe; tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài 55 km (bốn đến sáu làn xe); tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 km (sáu đến tám làn xe); tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 76 km (với từ sáu đến tám làn xe). Mở rộng tám làn xe tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Cùng với đó, tập trung đầu tư, phát triển các đường vành đai kết nối Vùng KTTÐPN, như đường vành đai 2, 3 và 4. Trong đó, ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong 5 năm tới. Ðồng thời, nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đến năm 2040 đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân TP Thủ Ðức. Mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị với định hướng kéo dài tuyến Metro số 1 kết nối với các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương. Giai đoạn trước mắt, nghiên cứu giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt, xe buýt nhanh BRT trong TP Thủ Ðức gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến Metro số 1 đang hình thành. Nâng cao tỷ lệ người sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại khu vực từ 10% lên 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Ðồng thời, phát triển mạng lưới giao thông đường thủy để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn và kết nối với mạng lưới sông lớn.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/thu-duc-trong-moi-lien-ket-vung-650122/