Thử đọc và cảm nhận bài thơ CƠM NGUỘI của Trịnh Hoài Đức

Vanhien.vn trân trọng giới thiệu bài viết của Hà Tuấn Ngọc 'Thử đọc và cảm nhận bài thơ CƠM NGUỘI của Trịnh Hoài Đức':

Trịnh Hoài Đức tác giả bài thơ Cơm nguội lúc sinh thời. Ảnh do tác giả cung cấp.

Ngay sau khi post bài thơ
CÓ AI CÒN NGƯỜI NÀY HAY KHÔNG :
Tôi và ông không thân nhau
Nhưng tôi thích những câu thơ ông viết
Những câu chữ như chắt từ gan ruột
Về hạt thóc vàng ...
Thành thừa thãi khi lẫn vào với gạo
Những câu thơ mang đầy giông bão
Về người cha và mong người trở lại những cơn say
Hôm nay ông đã dưới đất dày
Nhưng những câu thơ vẫn còn lơ lửng
Tôi như thấy ông bước cao bước thấp
Miệng bỏm bẻm nhai trầu
về nơi ngõ nhỏ xóm đồi
Văn chương đâu cần phải nhiều lời
Chỉ đôi câu để lại cho đời
Còn hơn nhiều trước tác dông dài
Tốn giấy mực và làm khổ bao người khác
Ngày chuyển kiếp
Ông có còn đầu thai để viết
những câu thơ dang dở với đời ?
Hay hóa áng mây lành về quê mẹ
Nhưng tôi tin là nhiều người còn nhớ
Nhớ rất lâu không chỉ bây giờ.....
lên trang nhà, nhiều bằng hữu đã nhận ra chân dung nhà thơ nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức & anh Hoàng Đạt là cháu rể của cố nhân đã gửi cho tôi bài thơ CƠM NGUỘI của ông

" Ăn thừa cơm nguội đem phơi
Khô cong cả những hạt đời góc sân
Mưa qua gió lại bao lần
Meo xanh mốc đỏ dừng chân chốn này
Bỏ, thì tiếc lắt tiếc lay
Cầm vào lại sợ lòng tay rùng mình
Nắng hây hẩy, gió vô tình
Chút men rớt xuống rượu bình thăng hoa
Say lơi say lả người ta
Cũng từ cơm nguội hôm qua nhà mình"

Vẫn bằng sự quan sát tinh tế , vẫn giọng thơ lục bát nhẹ nhàng mà sâu lắng dễ đi vào lòng người mà đã đạt đến sự triết lý nhân sinh về nhân tình thế thái.

Cơm nguội ! Một thứ mà đời hay rẻ rúng coi thường như người phụ nữ xưa từng than thở : Chàng ơi phụ thiếp mà chi/ Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng hay thời hiện đại có câu : Thiếp là cơm nguội của nhà / Nhưng là phở của thằng cha láng giềng.!Đã sang một cung bậc khác nhưng vẫn là cơm nguội.

Nhưng cơm nguội trong mắt người thơ Trịnh Hoài Đức thì cơm nguội thừa thãi đem phơi nhưng cơm nguội lại là từ hạt thóc vàng , hạt gạo , hạt ngọc , hạt đời cao quý đã đi vào thơ ông : Vẫn là hạt thóc khi xưa/ Ở cùng với gạo thành thừa thóc ơi hay : Thà làm hạt rụng hạt rơi/ nảy mầm lên giữa đất trời mà xanh v..v... Khi bị coi thường phơi trong mưa gió , hạt cơm nguội thành mốc xanh mốc đỏ mà thấy xót xa chạnh lòng đến dường nào :Cầm vào lại sợ lòng tay rùng mình ! Phải tinh tế như thế nào mới nhận ra cái rùng mình từ sâu thẳm cõi lòng.

Nhưng nếu vẫn những hạt cơm nguội ấy , đã từng có người tiếc lắt tiếc lay ấy mà có chút men rớt xuống sẽ thành vị cay nồng của một thứ rượu mang đậm tình người !

Câu thơ : Nắng hây hẩy, gió vô tình - không phải ngẫu nhiên đâu mà Trịnh Hoài Đức đã nhìn hạt cơm nguội trong thân phận người phụ nữ một thời lam lũ bầm dập nếu được yêu thương nâng niu trân trọng thì : Chút men rớt xuống rượu bình thăng hoa/ Say lơi say lả người ta đấy

Câu kết : Cũng từ cơm nguội hôm qua nhà mình !Cơm nguội nhà mình đấy ! Môt thông điệp như muốn gửi đến những người đàn ông xứ này hãy yêu thương và trân quý tình yêu với những người phụ nữ của mình.

Cảm ơn Hoàng Đạt đã gửi bài thơ, thêm một nén tâm hương nhớ về người thơ Trịnh Hoài Đức đã khuất bóng mây ngàn nhưng thơ còn ở lại.

Tuấn Ngọc

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thu-doc-va-cam-nhan-bai-tho-com-nguoi-cua-trinh-hoai-duc-65021