Thủ đoạn lừa đảo lan đột biến: Lợi dụng lòng tham

Nhóm đối tượng với nhiều 'vai diễn' khác nhau từ chủ vườn lan cho đến khách hàng đã lừa đảo rất nhiều nạn nhân.

Ngày 4/5, công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) nhận được đơn trình báo của 2 bị hại trú tại TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh về việc bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng bằng việc bán “lan đột biến” giả tại vườn lan “Anh em” có địa chỉ tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm.

Sau khi điều tra, công an làm rõ những đối tượng lừa đảo trên là Bùi Văn Trọng (23 tuổi), Bùi Văn Cường (23 tuổi) cùng trú tại xã Đoàn Kết; Trần Quang Huy (20 tuổi), Vũ Văn Hùng (20 tuổi) trú tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy.

Theo đó nhóm đối tượng này đã lừa bán 3 giỏ lan Hồng Minh Châu và Hồng Yên Thủy không đúng chủng loại. Với thủ đoạn trên, từ tháng 12/2020 đến nay, các đối tượng đã thực hiện trót lọt 11 vụ lừa đảo bán lan đột biến khác, chiếm đoạt tài sản của nhiều người tại địa bàn các tỉnh khác nhau với số tiền lên 3,5 tỷ đồng.

Các đối tượng khai nhận, để có tiền tiêu xài đã nảy sinh ý định làm 1 giàn lan gồm các loại lan phi điệp loại thường, không phải “lan đột biến” tại thôn Đoan Vĩ 2, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) rồi đăng các bài viết, quảng cáo bán lan đột biến trên mạng xã hội Facebook để chiếm đoạt tiền của khách có nhu cầu mua, khi có khách mua lan sẽ dẫn đến vườn lan và bán lan tại vườn.

Để tạo lòng tin cho khách hàng, 1 đối tượng sẽ đóng giả là chủ vườn lan Tuân Trần…quay video chụp ảnh trước, khi khách đến thì sẽ gọi điện và xác nhận đó là “lan đột biến” thật do vườn lan Tuân Trần bán ra. Đồng thời để tránh sự phát hiện của Cơ quan Công an, chúng liên tục thay đổi địa điểm thuê làm vườn lan.

Các đối tượng và tang vật vụ án

Các đối tượng và tang vật vụ án

Nhận định trước vụ việc trên, PGS TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết: "Hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng cũng phổ biến khá nhiều thông tin về những vụ lừa đảo, thủ đoạn lừa đảo khi mua lan đột biến. Về chuyên môn, kiến thức khoa học về những loại lan đột biến cũng đã được nhiều nhà khoa học họ chia sẻ.

Tuy nhiên tôi cho rằng nạn nhân họ cũng đã hiểu về phương thức, thủ đoạn và kiến thức trong những thương vụ mua lan, tuy nhiên do lòng tham nên họ mong muốn được kinh doanh cho hiệu quả. Thậm chí những người đi trước họ cũng nghĩ thu mua hiệu quả nên mới tham gia".

Thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ lừa đảo lan đột biến.

Thiếu tá Bùi Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an H.Yên Thủy (Hòa Bình), cho hay trong khoảng 2 năm trở lại đây, nghề kinh doanh trao đổi hoa lan giữa các nhà vườn, cá nhân diễn ra sôi động. Thống kê sơ bộ xung quanh TT.Hàng Trạm này có tới 200 - 300 vườn trồng lan. Giá trị lan đột biến được đẩy lên quá lớn đã làm gia tăng nhiều vụ lừa đảo.

Trong tháng 1 năm nay, Công an H.Yên Thủy đã bắt giữ và khởi tố hình sự Tạ Thị Suối Vân (29 tuổi) về hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua bán lan đột biến giả trên mạng xã hội. Đối tượng này sử dụng mạng xã hội, tạo tài khoản Facebook để đăng tải, phát trực tiếp “quảng cáo” các giống lan đột biến, nhưng thực chất chỉ là lan bình thường.

Khi có người đặt mua, Vân cung cấp số tài khoản để chuyển tiền. Qua điều tra ban đầu, chỉ trong tháng 6 - 7.2020, Vân đã lừa bán lan đột biến cho các nạn nhân và chiếm đoạt 4,6 tỉ đồng.

Thiếu tá Bùi Ngọc Ánh cũng xác nhận, thời gian gần đây, Công an H.Yên Thủy liên tiếp nhận được nhiều đơn trình báo lừa đảo bán giống lan đột biến.

Qua nhiều vụ xác minh điều tra, Công an H.Yên Thủy phát hiện các đối tượng sử dụng chung thủ đoạn là thuê đất dựng nhà trồng lan, sau đó sử dụng mạng xã hội liên tục phát tin quảng bá, lôi kéo người đến mua bán giao dịch lan với giá cao.

Sau khi nhận tiền, các đối tượng này bỏ vườn, đi khỏi địa phương, khiến công tác điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn.

Thu Thanh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/thu-doan-lua-dao-lan-dot-bien-loi-dung-long-tham-3432209/