Thủ đoạn lập lờ của cộng đồng tình báo Mỹ

Tài liệu mới công bố cho thấy chính cơ quan tình báo Mỹ đã tuồn thư điện tử cho điện Kremlin.

Một bản ghi nhớ của chính quyền Obama nói về vấn đề “tin tặc Nga” can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 cho thấy chính các cơ quan tình báo của Mỹ đã tuồn thư điện tử cho điện Kremlin và lan truyền thông tin nghe có vẻ “rất hợp lý” đó là người Nga chủ động làm việc đó.

Đây là môt tài liệu có 49 trang được BuzzFeed xuất bản hôm thứ Sáu tuần trước, thu thập thông tin thông qua một cuộc điều tra bằng Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) từ Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) vào cuối tháng Mười.

Trang đầu của tài liệu là một bức thư có đề thời gian là 29 tháng 11 được gửi bởi một số thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban tình báo Thượng viện, yêu cầu Tổng thống Barack Obama bỏ phân loại các tài liệu liên quan đến "Các biện pháp hoạt động của Nga".

Lý do Nga bị cáo buộc trực tiếp can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đó là do hòm thư điện tử của John Podesta người đứng đầu chiến dịch của ứng cử viên Hillary Clinton bị xâm nhập, sau đó những thông tin này đã bị phát tán ra ngoài thông qua DCLeaks, WikiLeaks.

Và nhóm tin tặc “Guccifer 2.0” trở thành tâm điểm của cơn thịnh nộ ở Washington vào thời điểm đó, khi đảng Dân chủ đang tìm đủ mọi cách để giải thích thực tế là Clinton thất bại trước Donald Trump.

Bức thư các Thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ gửi cho ông Obama hôm 29 tháng 11 năm 2016

Ông Obama đã không cung cấp các tài liệu. Thay vào đó, cựu Tổng thống Mỹ chỉ đạo James Clappe trả lời các thượng nghị sĩ. Sau khi chính quyền được chuyển giao, một tuần sau lễ nhậm chức của Trump, ODNI trả lời hôm 27 tháng 1 rằng, “Yêu cầu của ủy ban Thượng viện dẫn đến việc công bố đánh giá của cộng đồng tình báo (ICA) vào ngày 6 tháng 1 về hoạt động và ý định của Nga”.

Tuyên bố mà không cung cấp được bất cứ bằng chứng cụ thể nào này đã dẫn đến rất nhiều tranh cãi sau đó làm nóng lên mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Mỹ. Đặc biệt, báo cáo này có một phụ lục rất nổi bật về RT được tổng hợp từ năm 2012.

Các báo cáo được gửi bởi ODNI cho Thượng viện chưa được công bố trước đó. Đọc qua, người ta bị ấn tượng bởi lý luận vòng vo của “cộng đồng tình báo” Hoa Kỳ, hay đúng hơn là nhóm người CIA, FBI và NSA được Clapper lựa chọn để viết ra những đánh giá.

Cộng đồng tình báo Mỹ tự tin khẳng định rằng, chính phủ Nga đứng đằng sau “sự thỏa hiệp”, bởi vì việc này “phù hợp với các phương pháp và động lực của những nỗ lực mà người Nga hướng đến”.

Nói cách khác, điều này là phù hợp với những gì điệp viên Hoa Kỳ tin rằng đó là mục tiêu của Nga, do đó phải là điện Kremlin đã làm những điều đó.

“Chúng tôi tin rằng, dựa trên phạm vi và sự nhạy cảm của những nỗ lực này, chỉ có các quan chức cao cấp nhất của Nga mới có thể ra lệnh cho các hoạt động như thế này”, bản báo cáo khẳng định. Lưu ý, đây chỉ suy luận dựa trên giả định, không phải bằng chứng.

Trả lời cho câu hỏi Nga đang cố gắng thay đổi kết quả của cuộc bầu cử để làm gì? ODNI cho biết, “Điện Kremlin hy vọng có thể việc can thiệp vào cuộc bầu cử sẽ làm suy yếu tính hợp pháp của Tổng thống”.

Đằng sau tất cả, đó không phải là việc rò rỉ thư điện tử của đảng Dân chủ làm dấy lên sự nghi ngờ về tính hợp pháp của các cuộc bầu cử ở Mỹ, mà là thuyết âm mưu về “ sự thông đồng” của Trump với điện Kremlin và “tin tặc Nga”. Và, “Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ” muốn cả nước Mỹ và thế giới phải tin rằng “điều đó là sự thật”.

Như Ý

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/thu-doan-lap-lo-cua-cong-dong-tinh-bao-my-3368991/