Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy qua đường biển

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy nói chung và tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy qua đường biển nói riêng ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2019, lực lượng phòng, chống ma túy Việt Nam đã triệt phá nhiều đường dây vận chuyển trái phép ma túy lớn từ Tam giác vàng về Việt Nam với thủ đoạn hoạt động của tội phạm hết sức tinh vi.

Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy bằng container

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Việt Nam là quốc gia nằm ở phía Tây của Biển Đông, có đường bờ biển dài hơn 3.200km trải dài từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan với 45 cảng biển, 283 bến cảng, 18 khu neo đậu, tổng chiều dài khoảng 89.000m cầu cảng.

Hàng năm, lượng hàng hóa xếp dỡ trên 500 triệu tấn. Biển Đông đóng vai trò là cầu nối cực kỳ quan trọng trong hợp tác quốc tế và là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, do tác động của tình hình ma túy và tội phạm ma túy quốc tế, khu vực và trong nước; sự đa dạng và thuận lợi của loại hình vận tải biển cùng với siêu lợi nhuận thu được từ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, nên tình hình tội phạm ma túy vận chuyển qua đường biển ở Việt Nam vẫn tiếp tục phức tạp và tiềm ẩn khó lường.

Lực lượng phòng, chống ma túy tại Việt Nam đã bắt giữ trong nội địa một số vụ vận chuyển số lượng ma túy lớn có nguồn gốc từ khu vực Tam giác vàng chuẩn bị đi đường biển vận chuyển sang nước khác. Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2019, các lực lượng phòng, chống ma túy Việt Nam liên tiếp bắt giữ 8 vụ vận chuyển ma túy dạng đá và heroin số lượng rất lớn; bắt giữ 30 đối tượng người Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Thái Lan; thu giữ: 1.305 bánh heroin, 2.973kg ma túy dạng đá, 507,5kg ketamin, 234kg cocain...

Điển hình, ngày 24-7-2018, Cảnh sát Việt Nam phối hợp Hải quan kiểm tra phát hiện 100 bánh, có trọng lượng khoảng 115kg cocain giấu trong container sắt thép phế liệu số MRKU 0172045/42G1 trên tàu Maersk Shenzen (quốc tịch Liberria) khởi hành từ cảng Trinidad (châu Mỹ), qua Panama, Trung Quốc về cảng Cái Mép – Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu.

Ngày 6-5, lực lượng chức năng phát hiện các bánh cocain được giấu trong container bột cá.

Ngày 6-5, lực lượng chức năng phát hiện các bánh cocain được giấu trong container bột cá.

Ngày 17-2-2019, Việt Nam bắt giữ đường dây vận chuyển trái phép ma túy từ Tam giác vàng về Việt Nam, sau đó đưa đi nước ngoài bằng đường biển. Tại cửa khẩu Cầu treo Hà Tĩnh, lực lượng chức năng của Việt Nam đã bắt Vangchueyang Briachear (quốc tịch Lào), thu 278kg ma túy đá.

Mở rộng đường dây trên, đồng loạt bắt giữ 13 đối tượng, thu 300kg ma túy đá, khi các đối tượng đang vận chuyển về kho hàng của Công ty May mặc xuất khẩu Hashan của Huang Zai Wen (quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc). Sau đó, các đối tượng cất giấu vào container hạt nhựa xuất đi nước ngoài.

Đấu tranh với các đối tượng, vào tháng 3, Việt Nam thông báo nguồn tin cho Philippines, lực lượng chức năng Philippines đã kiểm tra container từ Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) cập cảng Manila (Philippines), thu 276kg ma túy đá.

Tiếp đó, ngày 6-5, tại kho lô số 2, KCN Mỹ Tho, tỉnh lộ 864, ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, các lực lượng đã kiểm tra container bột cá nhập khẩu từ Peru về Việt Nam số: TCNU5869923 phát hiện bên trong có 4 túi màu đen chứa 119kg cocain dạng bánh.

Nhận diện thủ đoạn tội phạm ma túy

Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, thời gian gần đây, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy qua đường biển nổi lên việc các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam mở các công ty bình phong xuất nhập khẩu, thuê các kho hàng và chỉ đạo người Lào, Thái Lan, Việt Nam ở vùng biên giới vận chuyển ma túy dạng “đá”, heroin, ketamin từ vùng Tam giác vàng đi vào Việt Nam qua đường mòn tiểu ngạch biên giới bí mật tập kết về kho hàng của các công ty bình phong tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, sau đó cất giấu vào container hạt nhựa, chè, loa thùng… xuất khẩu đi các nước.

Tội phạm ma túy tiếp tục lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đi đường biển để vận chuyển ma túy. Các đối tượng chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà làm hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau, thậm chí sử dụng công ty “ma” không có trong thực tế để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi và đến Việt Nam.

Tội phạm ma túy qua tuyến đường biển ở Việt Nam có sự chỉ đạo, cấu kết với các đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy quốc tế, nổi lên thời gian gần đây là tổ chức tội phạm người Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam điều hành vận chuyển ma túy trái phép đi các nước.

Thủ đoạn cất giấu hết sức tinh vi, khi bọn chúng giấu các túi ma túy trong container hàng sắt thép phế thải, thức ăn chăn nuôi, hạt nhựa, đưa vào khoang rỗng của trục rulo máy ép bao bì, cất giấu trong các loa thùng, đế giày dép… Bọn chúng nhập ma túy “đá”, heroin từ vùng Tam giác vàng; cocain từ các nước Nam Mỹ về Việt Nam rồi đi nước khác. Sau đó, tuyến xuất từ Việt Nam – Philippiner; Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc); Việt Nam – Australia.

Hợp tác quốc tế trong đấu tranh tội phạm ma túy

Trong những năm qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Việt Nam luôn phối hợp có hiệu quả với Cảnh sát các nước như AFP (Austrailia), DEA Hà Nội, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), ONCB (Thái Lan), PDEA (Philippiner)… trong công tác phòng ngừa đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến đường biển.

Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã có kiến nghị, thời gian tới, các nước cần thiết lập đường dây nóng giữa các nước (số điện thoại và lập nhóm trên mạng xã hội) để kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát, truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển. Thường xuyên trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng về các tổ chức tội phạm ma túy nghi vấn có liên quan hoạt động vận chuyển ma túy qua đường biển ở mỗi nước để các nước nhận diện, lập các chuyên án điều tra chung, phối hợp truy bắt các đối tượng trong đường dây buôn bán trái phép ma túy ở các nước khác nhau.

Thường xuyên trao đổi thông tin, phương thức thủ đoạn mới của tội phạm ma túy trên tuyến đường biển; chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm này để các nước chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn. Khi vụ án vận chuyển ma túy qua đường biển có liên quan đến nước khác, cần tạo điều kiện thuận lợi trao đổi thông tin, hỗ trợ xác minh, trực tiếp phối hợp hỏi cung và truy bắt các đối tượng ở các nước khác nhau để công tác đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến đường biển không còn là việc độc lập ở mỗi nước.

Minh Hiền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-tin-113/thu-doan-hoat-dong-cua-toi-pham-ma-tuy-qua-duong-bien-562091/