Thủ đô nghìn năm văn hiến, vươn tầm 'Thành phố sáng tạo'

Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến là mảnh đất sản sinh ra những con người hào hoa, thanh lịch, kiên cường, anh dũng. Việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến không chỉ là trách nhiệm mà còn góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Nét đẹp văn hóa Hà Nội sẽ trở thành nguồn lực cho phát triển Thủ đô sáng tạo (Trong ảnh: Lễ dâng hương tại thềm Rồng điện Kính thiên khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội)

Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đề cao vai trò của văn hóa, khai thác văn hóa như nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy, hình thành nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Với Hà Nội, định hướng lớn đó được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cụ thể hóa bằng việc xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội.

Các văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố đã đặt ra các mục tiêu lớn về văn hóa, trong đó xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, yêu nước và tôn trọng pháp luật. Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô cũng được hoạch định dựa trên nền tảng văn hóa, tìm nguồn lực và phát triển động lực từ văn hóa, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với việc lấy con người là trung tâm, gia đình là đơn vị nhỏ nhất, địa bàn dân cư, công tác, sinh hoạt, học tập... là môi trường trực tiếp để bồi đắp, rèn luyện, giáo dục nhân cách con người, phát huy những giá trị tích cực của văn hóa truyền thống, khơi gợi và xây dựng ý thức công dân, trách nhiệm xã hội đối với con người, Hà Nội đã đạt nhiều thành tích trong mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh.

Không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội còn dẫn đầu cả nước trong nhiều chỉ tiêu về văn hóa giáo dục - đào tạo, thể dục, thể thao. Điều ấn tượng với du khách đến thăm Thủ đô là diện mạo Hà Nội có nhiều thay đổi, ngày càng xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Mục tiêu “Hà Nội xanh” đang dần thành hiện thực khi thành phố hoàn thành chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới; các tuyến phố được chỉnh trang, hạ tầng kỹ thuật được đồng bộ.

Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô. Cảnh quan khu vực nông thôn cũng thay đổi rõ nét. Đến cuối năm 2020, toàn thành phố có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa Hà Nội thành địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2016.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hà Nội chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống người dân. Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Ngoài ra, thành phố còn ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng của Hà Nội. Trong giai đoạn 2015-2020, Hà Nội đã xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. Thành phố cũng đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm, đến nay cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Hà Nội là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước

Hà Nội là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước

Tiên phong trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam

Thành tựu trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ đang giúp Hà Nội hội tụ dần những yếu tố để có thể tiên phong trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam trên cơ sở lấy nguồn lực, sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Sự phát triển năng động của Thủ đô cùng giai đoạn mới hội nhập quốc tế của đất nước đặt ra yêu cầu với Hà Nội phải hướng tới mục tiêu xác lập vị trí tiên phong trong khu vực, tạo ra các nền tảng có tính toàn cầu để định vị tầm nhìn cho chiến lược phát triển của Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Với bề dày nghìn năm văn hiến, Hà Nội có một kho tàng di sản đồ sộ với gần 6.000 di tích và 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề. Bảo tồn song song với phát huy giá trị di sản là điều thành phố đã triển khai trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, xu hướng nổi lên ở các đô thị lớn trên thế giới là sự chuyển dịch từ những ngành sản xuất công nghiệp truyền thống sang các lĩnh vực sáng tạo. Trong đó, các ngành công nghiệp văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ, giúp tạo nên thu nhập và khối lượng việc làm đáng kể.

Hà Nội cũng nằm trong xu hướng đó. Năm 2019, Hà Nội được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Mạng lưới các thành phố sáng tạo được UNESCO xây dựng từ năm 2004 nhằm hỗ trợ các thành phố trên thế giới phát huy nguồn lực văn hóa, nguồn lực sáng tạo để phát triển bền vững.

Tham gia mạng lưới này, từ chỗ là một lĩnh vực được quan tâm, văn hóa trở thành trung tâm của sự phát triển, trở thành nguồn lực cho phát triển. Để hiện thực hóa tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo, Hà Nội đang hình thành nhóm giải pháp xoay quanh 3 trụ cột chính, bao gồm: Tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng; mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học; hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá thương hiệu Thành phố sáng tạo.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho rằng, Hà Nội đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ và giờ đây, với danh hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Theo ông Michael Croft, đó là con đường bảo đảm rằng sự phát triển của thành phố không chỉ được tính bằng các số liệu thống kê và lợi nhuận, mà còn bởi những đặc điểm tốt đẹp nhất của con người, lòng trắc ẩn và sự sáng tạo.

(Còn tiếp)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-do-nghin-nam-van-hien-vuon-tam-thanh-pho-sang-tao-post446903.antd