Thủ đô mới của Indonesia có thể bị sóng thần đe dọa

Thành phố Balikpapan, địa điểm mà chính phủ Indonesia dự tính đặt thủ đô mới, có khả năng bị sóng thần tấn công theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh.

Theo BBC, các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ các trận lở đất dưới nước diễn ra vào thời tiền sử ở khu vực đáy biển của eo Makassar, nằm giữa đảo Borneo và đảo Sulawesi của Indonesia.

Nếu vụ lở đất lớn nhất trong số đó lặp lại ngày hôm nay, nó sẽ tạo ra trận sóng thần đủ lớn để bao trùm khu vực vịnh Balikpapan - gần với nơi mà chính phủ Indonesia đề xuất đặt thủ đô mới thay thế cho Jakarta đang chìm dần xuống nước.

 Thành phố Balikpapan nằm sát nơi dự kiến đặt hai trung tâm hành chính mới của Indonesia là Kutai Karrtanegara và North Penajam Paser trên đảo Borneo. Ảnh: Getty.

Thành phố Balikpapan nằm sát nơi dự kiến đặt hai trung tâm hành chính mới của Indonesia là Kutai Karrtanegara và North Penajam Paser trên đảo Borneo. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết cần thận trọng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

"Chúng ta còn nhiều điều phải làm để đánh giá đúng mức tình hình. Nhưng đây là một rủi ro mà chính phủ Indonesia nên cân nhắc - dù chúng ta chỉ quan tâm đến những sự kiện 'hiếm gặp, tác động cao'", tiến sĩ Uisdean Nicholson từ Đại học Heriot-Watt của Vương quốc Anh, nhận định.

Đội nghiên cứu gồm các nhà khoa học Anh và Indonesia dưới sự chỉ đạo của ông đã sử dụng dữ liệu địa chấn để phân tích các lớp trầm tích và cấu trúc của chúng trên đáy biển eo Makassar.

Cuộc khảo sát cho thấy có 19 khu vực riêng biệt dọc theo eo biển nơi bùn, cát và phù xa đã di chuyển xuống vùng nước sâu hơn.

Một trong số những vụ lở đất này có khối lượng lên tới hàng trăm km khối vật liệu - đủ lớn để làm xáo trộn cột nước và tạo ra sóng lớn trên mặt biển.

Tất cả các khu vực này đều nằm ở phía tây của eo biển Makassar, và cũng chủ yếu nằm ở phía nam của các cửa sông vùng đồng bằng châu thổ Mahakam trên đảo Borneo, nơi mà hàng triệu mét khối trầm tích được đưa ra biển mỗi năm.

Nhóm nghiên cứu cho rằng khối lượng trầm tích này được các dòng chảy trong eo biển đưa tới các khu vực sâu hơn và chất thành đống trước khi sụp đổ xuống dốc - có thể được gây ra bởi một trận động đất.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định thời điểm chính xác những vụ lở đất trong quá khứ diễn ra, họ chỉ có thể khẳng định nó xảy ra trong giai đoạn địa chất này, tức là trong vòng 2,6 triệu năm trở lại đây.

Những vụ sạt lở lớn nhất dẫn đến sóng thần lớn nhất sẽ xảy ra khi tỷ lệ trầm tích là rất cao nhưng các yếu tố kích hoạt chúng không thường xuyên diễn ra.

Indonesia đã trải qua 2 trận sóng thần do lở đất vào năm 2018, khi sườn núi lửa Anak Krakatau sụp xuống biển và khi một trận động đất gây ra sự cố sạt lở ở vịnh Palu của đảo Sulawesi.

Indonesia phun 20 tấn chất khử trùng trên khắp phố Đội cảnh sát dùng vòi rồng phun 20 tấn thuốc khử trùng trên khắp đường phố tại thành phố Sorong (Indonesia).

Hương Hảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-do-moi-cua-indonesia-co-the-bi-song-than-de-doa-post1076909.html