Thủ đô Hà Nội cần có Con đường gốm sứ Bưởi – Cầu Giấy

Hà Nội, kể từ năm 1954 tới nay, đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển văn hóa – nghệ thuật. Trong đó, có một số khu đô thị được xây dựng hoành tráng, khang trang mang dáng vẻ kiến trúc thời hiện đại. Tuy nhiên, việc quy hoạch Thủ đô về nhiều mặt (đường xá giao thông, vườn hoa công viên, đất trồng cây xanh, nhà cao tầng, đường phố hẹp, trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe, v.v…) chưa có một tầm nhìn xa chiến lược 50 năm và hàng trăm năm sau, còn nhiều vấn đề phải bàn lại…

Dòng sông Tô Lịch sau khi đã cải tạo kè đá hai ven bờ, trồng hàng phượng vĩ, hoa nở rự rỡ giữa ngày Hè. Song, dòng nước đen bốc mùi hôi vẫn chưa được xử lý. Ảnh: Internet

Song, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ta đã xây dựng được Con đường gốm sứ dài gần 4km từ Cửa khẩu An Dương tới Vạn Kiếp. Nay do mở rộng Đường Âu Cơ, xây dựng cầu vượt tại nút An Dương – Đường Thanh Niên và Ngã ba Nghi Tàm – Xuân Diệu, nên Con đường gốm sứ bị phá đi 600m, trong sự xót xa luyến tiếc của nhiều người.

Sự luyến tiếc đó hẳn là lẽ đương nhiên, thường tình của người yêu Hà Nội đã gắn bó với thời gian tồn tại gần 10 năm. Song ở đây, nhìn dưới góc độ Quy hoạnh và Kiến tạo Địa chất Hà Nội về dòng chảy Sông Hồng thì dự án: Con đường gốm sứ này, ngay từ khi người ký quyết định cho phép xây dựng và duyệt đề án đã phạm một khuyết điểm lớn là: Thiếu tầm nhìn chiến lược về mặt lịch sử và sự trường tồn của công trình văn hóa này. Bởi lẽ, ta biết rằng: Sông Hồng là kẽ nứt của trận động đất từ vùng Vân Nam (Trung Quốc) đã xảy ra cách đây hàng triệu năm sản sinh ra nó. Bản thân Sông Hồng từ khi xuất hiện trên địa đồ Việt Nam đã nhiều lần thay đổi dòng chảy.

Sự thay đổi dòng chảy ấy được diễn ra sau mỗi chu kỳ có động đất và hoạt động tạo sơn, núi lửa. Và sau mỗi lần chấn động địa chất, Sông Hồng đã nhiều lần tạo ra những kẽ nứt, đứt gãy địa tầng cùng sự sạt lở bồi đắp hai bên bờ. Nhất là hiện giờ, nhân loại đã bước sang Thế kỷ XXI, Thế kỷ của biến đổi khí hậu toàn cầu. Thế kỷ của động đất và các hoạt động trỗi dậy của tạo sơn, núi lửa theo chu kỳ. Mặt khác, lúc này, hai đầu Trái đất băng tan, nước biển đâng. Trong đó, đặc biệt là các dòng sông lớn như Sông Hồng, sẽ thay đổi kiến tạo đứt gãy địa tầng dẫn tới thay đổi dòng chảy là quy luật tất yếu của tự nhiên. Nay ta xây dựng công trình văn hóa trên bờ một con sông luôn luôn thay đổi dòng chảy lại muốn nó trường tồn là điều bất khả kháng. Đấy là chưa nói đến vấn đề quy hoạch, phát triển Hà Nội dựa vào yếu tố chủ quan của con người có nhiều đổi thay. Hà Nội chưa có một bản “Tổng phổ quy hoạch vĩ mô và chi tiết” của những nhà quy hoạch “tài ba”. Sự phát triển của Hà Nội còn ngổn ngang, bề bộn giữa cái được và chưa được. Có công trình xây dựng xong thì lại phải phá đi xây lại theo quy hoạch mới. Đường vừa làm xong đổ bê tông át phan đẹp đẽ thì các công trình điện, nước, thông tin cáp quang lại đào lên. Vì thế sự luyến tiếc Con đường gốm sứ của nhiều họa sỹ là không thể tránh khỏi.

Nay để thay thế công trình ấy, Hà Nội cần tạo ra một điểm nhấn về văn hóa mà nhiều thập kỷ qua chưa làm được. Hà Nội cần xây dựng một Con đường gốm sứ thứ hai, trên nền tảng một công trình xây dựng kiên cố, có kết cấu địa tầng ổn định. Đó là Con đường gốm sứ Bưởi – Cầu Giấy (xuất phát từ Ngã tư: Hoàng Hoa Thám – Lạc Long Quân – Bưởi – Hoàng Quốc Việt tới Cầu vượt Cầu Giấy). Con đường này đã được xây dựng rất kiên cố bằng những bức tường bê tông cốt thép có thể tồn tại bền vững lâu dài, nó rất ổn định về địa chất công trình.

Nếu ta xây xựng được Con đường gốm sứ Bưởi – Cầu Giấy sẽ có ý nghĩa lịch sử mang bóng dáng của nền văn hóa hiện đại nối tiếp truyền thống của tổ tiên. Con đường này lại chạy song song với một nhánh Sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch khi xưa là hệ thống giao thông đường thủy huyết mạch của đất Kinh Kỳ - Thăng Long – Kẻ Chợ. Một dòng sông gắn mãi với văn hóa tâm linh về vị Thần Long Đỗ và còn mãi mãi vang lên trong tâm thức của người đân Thủ đô về câu ca dao:

Nước Sông Tô vừa trong vừa mát,

Cho thuyền anh ghé sát thuyền em.

Ngoài yếu tố giá trị địa linh, nhân kiệt trên đây, nếu ta xây dựng được Con đường gốm sứ Bưởi – Cầu Giấy nó còn gắn liền với những Sự kiện – Nhân vật – Lịch sử hào hùng vàng son của Thăng Long – Hà Nội. Đó là những sự kiện:

Trước khi viết chiếu dời đô, Vua Lý Công Uẩn đã từng đi thuyền thị sát về Thành Đại La. Thuyền nhà Vua đi từ Sông Nhuệ rẽ vào nhánh Sông Tô Lịch bây giờ (nay là địa phận Cầu Giấy tới Bưởi). Thuyền Vua đã ngự tại Bến Giang Tân nơi hợp lưu của Sông Tô Lịch và Sông Thiên Phù (nay gần khu Làng Bái Ân và đầu Đường Hoàng Quốc Việt). Sông Thiên Phù đã bị lấp. Từ Bến Giang Tân nơi thuyền rồng Vua ngự, nhà Vua đã nhìn thấy rồng vàng bay lên và quyết định viết chiếu dời đô từ Kinh đô Hoa Lư về đất Đại La và đặt tên là Kinh thành Thăng Long (1010). Khi thuyền Vua đậu Bến Giang Tân, dân các làng Bái Ân, Nghĩa Đô, Trích Sài, Yên Thái...(thuộc vùng Kẻ Bưởi bấy giờ) đã hò reo, cờ treo, trống mở, tung hô vạn tuế và mang lễ tạ: Gạo, rượu, thịt, thú quý, hoa, trái dâng lên nhà Vua. Vua Lý Công Uẩn rất cảm kích trước tấm lòng thiện tình của bách tính, lê dân vùng này, nên nhà Vua đã đặt tên cho hai làng là: Bái Ân, Nghĩa Đô. Tên gọi đó còn tồn tại mãi tới ngày nay.
Địa danh Cầu Giấy là nơi diễn ra chiến trận ác liệt giữa quân cờ đen của Hoàng Hữu Viêm (còn gọi là Hoàng Tá Viêm) và Lưu Vĩnh Phúc lãnh đạo đã tiêu diệt một nhóm quân thuộc đội quân viễn chinh Pháp tới xâm lược Thành Hà Nội dự định đánh chiếm ra ngoại ô. Tại trận chiến ác liệt này, quân cờ đen đã tiêu diệt hai tướng Pháp là Francis Garnier và Henrie Rivìere.
Bưởi là chợ đầu mối đầu tiên và lâu đời nhất của Kinh thành Thăng Long – Kẻ Chợ xưa. Chợ Bưởi ngày ấy, nơi đây bán đủ thứ hàng hóa “từ thượng vàng, tới hạ cám”.
Đường Hoàng Hoa Thám là dấu ấn vàng son của Vua Lý Nam Đế (Lý Bí) người đã lập ra Nhà nước Vạn Xuân vào năm 544; nhà Vua cho xây dựng con đê (phòng tuyến Sông Tô Lịch) chống quân Nhà Lương. Phòng tuyến đó được xây dựng từ Chợ Gạo (gần Ô Quan Chưởng bây giờ) chạy dài đến cuối Đường Hoàng Hoa Thám, nay dấu tích con đê còn sót lại là những dải đất được đắp cao trên Đường Hoàng Hoa Thám.

Một đoạn Sông Tô Lịch được cải tạo kè đá hai ven bờ, trồng hoa và cây xanh. Ảnh: Internet

Từ nơi hợp lưu của 4 con đường (gần Chợ Bưởi) như đã nói ở trên, nếu được xây dựng một cụm tượng đài cao từ 12 đến 15m tại vị trí đắc địa này về hình tượng hai nhà Vua: Tiền Lý và Hậu Lý bắt tay nhau. Khi cụm tượng đài này được xây dựng là điểm nhấn của Con đường gốm sứ Bưởi – Cầu Giấy. Nó còn ẩn chìm bên trong một triết lý nhân văn về quy luật lịch sử nối tiếp nhau của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Nếu Con đường gốm sứ Bưởi – Cầu Giấy được xây dựng, nó sẽ tạo ra sân chơi cho các nhà hội họa, điêu khắc, mỹ thuật Việt Nam thả sức mường tượng sang tác những bức tranh về nhà Vua Lý Công Uẩn trong ngày đầu đi tìm đất Thiên Đô. Với cảnh dân các làng trên Bến Giang Tân ra đâng lễ tạ, đón nhà Vua nồng nhiệt thưở ấy. Song song với những bức tranh đó là hai trận chiến của bách tính lê dân Hà Nội tiêu diệt hai tên sỹ quan thực dân Pháp xâm lược. Hình tượng từ các bức tranh này sẽ là nguồn tư liệu lịch sử cổ vũ ngàn đời sau cho những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Song song với Con đường gốm sứ Bưởi – Cầu Giấy, từ đây ta sẽ tạo ra điểm nhấn hết sức ngoạn mục cho văn hóa Thủ Đô. Nơi này sẽ khai thác dòng Sông Tô Lịch bằng nhiều loại hình hoạt động văn hóa độc đáo.

Nhánh Sông Tô Lịch chạy dài từ đầu Đường Hoàng Quốc Việt về đến Cầu Giấy cần được cải tạo và cung cấp nguồn nước trong lành. Bằng cách dưới đáy Sông Tô Lịch ta đặt hệ thống 4 đường ống để tiêu thoát nước thải từ các vùng dân cư ven sông và nước mưa. Đường kính mỗi đường ống bê tông từ 1m đến 1,2m. Hoặc có thể xây một đường ngầm thoát nước thải có không gian rộng vài ba mét (tùy theo cách tính của mỗi phương án về lợi ích kinh tế), sau đó, từ mặt tiếp giáp với hệ thống tiêu thoát nước thải ta trải nhiều lớp bạt pha nilon (có thể dùng màng chống thấm hdpe loại 2mm, hay bạt nhựa chống thấm nước). Các lớp liên kết với nhau bằng loại keo kết dính chịu nước, đảm bảo giữ nước chống thẩm thấu của dòng sông. Từ đó, sẽ tạo ra một dòng Sông Tô Lịch dài khoảng hơn 3km nước sạch, trong vắt như thưở ban đầu của nó.

Nguồn nước cung cấp cho khúc Sông Tô Lịch nhân tạo này được bơm từ Hồ Tây qua hệ thống đường ống lọc chuyển về. Nước cung cấp cho Hồ Tây được đào từ một đường ngầm (có thể rộng từ 2 đến 3m có van đóng mở tự động 2 đầu) từ Sông Hồng dẫn về Hồ Tây. Mùa nước lớn có thể mở cửa van cho nước vào Hồ Tây. Mùa nước cạn có thể tổ chức hệ thống máy bơm có áp suất thủy lực cao, bơm nước vào Hồ Tây qua đường ngầm như đã nói ở trên. Như vậy, “một công được đôi việc” nước Hồ Tây luôn được lưu thủy, thau rửa sẽ không còn diễn ra sự kiện “đau buồn” chết hơn 200 tấn cá vào năm 2016.

Khi đã có nguồn nước trong sạch, tinh khiết cho dòng sông Tô Lịch, nơi đây không gian sẽ được chia ra từng khu vực đặc dụng. Ta có thể tổ chức các hoạt động văn hóa như:

Múa rối nước
Xiếc
Sân khấu nổi tự động (để diễn kịch)
Nhà chiếu phim
Khu vực hát ca múa nhạc
Thư viện
Nhà phát hành sách
Phòng giới thiệu tranh, ảnh hội họa
Khu vực bán đồ lưu niệm, tiểu thủ công mỹ nghệ
Tổ chức các loại hình câu lạc bộ (bình văn, giảng thơ, đấu cờ, võ thuật, sinh vật cảnh, chim cảnh, cá vàng…)
Tổ chức dịch vụ văn hóa ẩm thực đất Kinh Kỳ

Đặc biệt dòng Sông Tô Lịch này có thể tổ chức các bộ môn thể thao như: Bơi lội, đua thuyền, lướt ván, moto đua nước,…

Nơi đây, sẽ thu hút khách du lịch trong nước và Quốc Tế đến thăm quan xem biểu diễn các loại hình nghệ thuật: Hát Ca trù, hát Quan họ, hát đân ca ba miền Bắc, Trung, Nam và được thưởng thức các món ăn độc đáo dân tộc. Và từ khúc Sông Tô Lịch tái tạo, liên đới với Hồ Tây, nơi sẽ được xây dựng những dàn nhạc nước các vòi phun nước độc đáo. Hai khu vực sinh hoạt văn hóa này gắn kết với nhau sẽ tạo thành một quần thể du lịch, sinh hoạt văn hóa vô cùng hấp dẫn. Khi đã trở thành khu vực Vui chơi – Giải trí – Văn hóa – Thể thao – Du lịch sầm uất nó sẽ kéo theo nhu cầu về văn hóa ẩm thực, mua sắm hàng lưu niệm, tiểu thủ công mỹ nghệ.

Từ đó, giúp cho các ngành, nghề tiểu thủ công mỹ nghệ của Thủ đô và vùng lân cận phát triển. Ngoài ra, hai bên bờ của khúc Sông Tô Lịch này lại có những hàng cây xanh. Lợi dụng dưới bóng mát đó, ta xây dựng những hàng ghế, tầng ghế inox cho khán giả ngồi xem biểu diễn nghệ thuật ngoài trời.

Ngày nay, vị thế nơi này còn có điều đắc lợi hai bên bờ đều có hệ thống đường xá xây dựng kiên cố, không bị ách tắc giao thông. Phần không gian sử dụng cho mục đích văn hóa hoàn toàn năm trên vỉa hè, triền sông và không gian mặt thoáng của dòng sông.

Con đường gốm sứ Bưởi – Cầu Giấy nếu được thực hiện như dự án nói trên sẽ giúp cho Thủ Đô Hà Nội có một công trình văn hóa liên hợp độc đáo chưa từng thấy. Ngoài ý nghĩa lịch sử gợi về cội nguồn dân tộc, nó còn có giá trị khích lệ niềm tự hào của nhân dân Thủ Đô. Công trình này sẽ xứng đáng với một Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến. Về mặt kinh tế, công trình sẽ mở ra cho người lao động hàng chục vạn việc làm và giải quyết thất nghiệp cho hàng triệu con người.

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2020 TS.NHĐ

Ghi chú:

Nguồn vốn xây dựng: Công trình sẽ được xã hội hóa và các tập đoàn kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia.

TS. Nguyễn Hoàng Điệp

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thu-do-ha-noi-can-co-con-duong-gom-su-buoi-%E2%80%93-cau-giay-78261