Thử đề xuất một hiệp ước hàng hải cho Đông Nam Á

Tình hình an ninh biển Đông đang tiếp tục phức tạp, lẫn trên bàn đàm phán pháp lý, lẫn các sự kiện diễn ra trên thực địa ngoài biển. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia phân tích, đặc biệt là giáo sư Carl Thayer đã đưa ra ý kiến về một Hiệp ước hàng hải Đông Nam Á, vốn có tính ràng buộc cao hơn DOC, bao quát hơn COC và dễ dàng thực hiện hơn UNCLOS với nhiều hứa hẹn về lợi ích.

Những lợi ích song trùng

Lợi ích thứ nhất đến từ phạm vi hiệu lực của Hiệp ước này. Theo đó, Hiệp ước hàng hải Đông Nam Á không chỉ áp dụng trong khu vực biển Đông như DOC hay COC (dự kiến), mà sẽ bao gồm cả khu vực Vịnh Thái Lan, eo Malacca và các vùng biển xung quanh các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (bao gồm cả Đông Timor).

Sự mở rộng phạm vi hiệu lực sẽ giúp các nước nhìn nhận an ninh biển của toàn khu vực là vấn đề chung, yêu cầu trách nhiệm ngang nhau giữa các quốc gia Đông Nam Á, cho dù là các quốc gia hải đảo hay đất liền.

Từ đó giúp giải quyết bất đồng hiện nay giữa các nước ASEAN về tranh chấp biển Đông khi nó không nhìn nhận vấn đề biển Đông như một tranh chấp riêng biệt của một vài quốc gia, mà nhìn nhận an ninh biển Đông như một trong những yếu tố quan trọng nhất của an ninh hàng hải toàn khu vực.

Sự mở rộng phạm vi điều chỉnh so với COC và DOC sẽ giúp giảm các bất đồng về tranh chấp chủ quyền do tuyên bố chồng chéo của các bên ở biển Đông. Nhìn nhận thất bại đến từ việc đàm phán DOC 1999 – 2002, do mâu thuẫn về xác định phạm vi tranh chấp và mâu thuẫn về tuyên bố chủ quyền, các bên tham gia đàm phán đã không thể tiến đến một sự đồng thuận chung và đành chấp nhận một Tuyên bố lỏng lẻo về mặt pháp lý.

Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á không chỉ giới hạn trong nội bộ các nước ASEAN hay Trung Quốc, mà nó còn tạo điều kiện để các cường quốc có lợi ích giao thương và tự do hàng hải tại khu vực tham gia và thúc đẩy hợp tác quản lý hàng hải

Thứ hai là khả năng pháp lý của Hiệp ước hàng hải Đông Nam Á được kì vọng sẽ dựa trên Luật pháp quốc tế. Cụ thể là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) sẽ được áp dụng cho tất cả các bên, giúp kiềm chế các quốc gia trên toàn bộ vùng biển trong khu vực Đông Nam Á, chứ không chỉ riêng biển Đông. Việc chấp nhận Hiệp ước này sẽ giúp tăng cường khả năng hợp tác, xác định tính hợp pháp và thúc đẩy khả năng đối phó với các cường quốc bên ngoài của ASEAN. Cùng với sự mở rộng đối tượng tham gia của Hiệp ước hàng hải Đông Nam Á, nền tảng pháp lý của Hiệp ước này được dự đoán cũng sẽ gia tăng.

Kiềm chân các cường quốc

Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á không chỉ giới hạn trong nội bộ các nước ASEAN hay Trung Quốc, mà nó còn tạo điều kiện để các cường quốc có lợi ích giao thương và tự do hàng hải tại khu vực tham gia và thúc đẩy hợp tác quản lý hàng hải.

Nếu thành cộng, Hiệp ước này sẽ tạo ra một tác động tích cực tương đương với việc thể chế hóa và đa phương hóa tranh chấp biển Đông khi nó dựa trên vai trò trung tâm của ASEAN và có sự tham gia, ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau giữa các cường quốc. Từ đó hạn chế rủi ro sử dụng vũ trang và quản lý tốt hơn các bế tắc trong tranh chấp giữa các quốc gia, vốn ngày càng trở nên căng thẳng hơn.

Nhưng quan trọng nhất, việc xây dựng Hiệp ước hàng hải tách biệt với quá trình xây dựng COC và làm rõ quan điểm về DOC của các bên sẽ giúp loại bỏ được sự bế tắc trong quá trình thể chế hóa tranh chấp biển Đông, đồng thời tạo ra một khung pháp lý hiệu quả trong việc hợp tác quản lý giao thương trên biển. Hiện nay, quá trình đàm phán COC không chỉ được đánh giá là sẽ khó có khả năng được thông qua trong tương lai gần, mà còn dấy lên sự lo ngại về việc thiếu khả năng ràng buộc hành động của các bên do sự thiếu thống nhất trong ASEAN, cũng như sự phủ nhận ràng buộc pháp lý từ phía Trung Quốc.

Ngay cả Mỹ, dù liên tục chỉ trích và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp, nhưng do chưa tham gia UNCLOS, nước này cũng không có bất cứ lý do nào để thúc đẩy Trung Quốc theo luật. Trong khi đó, nếu Hiệp ước hàng hải Đông Nam Á thành công thì các nước ASEAN sẽ có thể thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp. Cùng với sự tham gia của các cường quốc khác vào khu vực để hợp tác đảm bảo an ninh hàng hải thì Trung Quốc sẽ khó có khả năng tự tung tự tác như hiện nay, và quá trình thể chế hóa – đa phương hóa tranh chấp biển Đông có thể trở nên thuận lợi hơn.

Việt Nam và các tiếp cận

Lợi thế lớn nhất của Việt Nam so với các bên tranh chấp khác ở biển Đông chính là các bằng chứng pháp lý không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do sự thiếu hiệu quả của DOC và sự bế tắc trong đàm phán COC, xu hướng sử dụng vũ lực đã gia tăng và hạn chế khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc áp dụng Hiệp định hàng hải Đông Nam Á (nếu thành công) sẽ giúp Việt Nam dần phủ nhận xu hướng sử dụng vũ lực của phía Trung Quốc, đồng thời tận dụng sự hỗ trợ của các cường quốc trong khu vực để dần dần thể chế hóa tranh chấp biển Đông.

Ngoài ra, Hiệp ước hàng hải Đông Nam Á sẽ trở thành động lực thúc đẩy xây dựng COC và các thể chế khác trong khu vực, từ đó giúp đảm bảo các lợi ích hàng hải lâu dài của Việt Nam. Có một sự thật cần nhìn nhận đó là các thể chế quốc tế dường như không hoạt động hiệu quả tại biển Đông.

DOC là điển hình của một thể chế lỏng lẻo, UNCLOS thì không được áp dụng hiệu quả, trong khi giải pháp cụ thể là COC thì chưa được xây dựng.

Tuy nhiên, sự thành lập một Hiệp định hàng hải sẽ được xem như một bước đệm quan trọng từ vấn đề chung tới vấn đề riêng để tiến tới xây dựng COC nhờ sự hỗ trợ của các cường quốc bên ngoài.

Vũ Thành Công (IRYS)

Ảnh TL (minh họa)

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/quoc-te/thu-de-xuat-mot-hiep-uoc-hang-hai-cho-dong-nam-a/