Thứ cỏ mọc dại ở Việt Nam chỉ trâu bò ăn, dân Trung Quốc coi là thuốc quý

Cỏ mần trầu là loại cỏ mọc hoang ở bờ đường, ở cánh đồng và được lấy cho trâu, bò ăn nhưng thực chất người Trung Quốc lại coi mần trầu là cây thuốc.

Cỏ mần trầu có tác dụng như thế nào?

Cỏ mần trầu có tác dụng như thế nào?

Cỏ mần trầu (cỏ dế mèn) là loại cỏ dại mọc ven đường, bãi hoang, bờ ruộng tại Việt Nam. Loại cỏ này có rễ khá sâu, chính vì vậy chúng có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và nước trong rất mạnh để sinh sôi phát triển nhanh.

Đây cũng là lý do mà cỏ mần trầu được coi là hung thủ xâm chiếm đất nông nghiệp, lấy chất dinh dưỡng của cây trồng. Người dân thường sử dụng loại cỏ này để cho bò ăn, trẻ em nông thôn hay lấy cỏ mần trầu làm tổ nuôi dế mèn.

Trong khi đó, người dân Trung Quốc coi cỏ mần trầu là một bài thuốc truyền thống rất phổ biến. Tại đất nước này, cỏ mần trầu được bán với giá khoảng 20 nhân dân tệ/nửa cân (khoảng 67 nghìn đồng).

Theo bác sĩ Hoàng Sầm – Viện trưởng Viện Y học Bản địa Việt Nam cỏ mần trầu là cây thảo sống hằng năm, cao 15-90cm, có rễ mọc khỏe. Thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngón có 5-7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1-2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, mỗi nhánh...

Tên khác: Tết suất thảo, ngưu cần thảo, nỏ vườn trầu, màng trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, ngưu cân thảo, hang ma (Tày), cỏ nhả hút (Thái), Hìa xú xan (Dao), Cao day (Ba Na), Hất t’rớ lạy (K’Ho), R’day (H’Dong).

Tên khoa học: Eleusine indica Gaerth., họ Lúa (Poaceae).

Thành phần cỏ mần trầu được nghiên cứu phần trên mặt đất chứa: 3-0-β-D-Glucopy ranosyl-βsitosterol và dẫn chất 6’-0-palmitoyl. Cành lá tươi có flavonoid.

Tác dụng: Thường được dùng trị cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng và ít một. Còn dùng cho phụ nữ có thai hỏa nhiệt táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực, sốt nóng. Cũng dùng uống trị mụn nhọt, các chứng nhiệt độc, trẻ em tưa lưỡi.

Bác sĩ Sầm cho biết ở Trung Quốc, thường dùng chữa:
1. Đề phòng chứng viêm não truyền nhiễm;
2. Thống phong;
3. Viêm gan vàng da;
4. Viêm ruột, lỵ;
5. Viêm niệu đạo, viêm thận, viêm tinh hoàn. Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, cầm máu chó cắn.

Cách dùng, liều lượng: 60 – 100g cỏ khô hoặc 300 – 500g cỏ tươi, dạng thuốc sắc.

Các bài thuốc khác từ cỏ mần trầu: Chữa cao huyết áp dùng cỏ mần trầu rửa sạch, cắt nhỏ, khoảng 500 gram giã nát, thêm chừng 1 bát nước sôi để nguội và vắt lấy nước cốt, lọc qua vải, cho đường vào uống ngày 2 lần vào sáng và chiều.

Cỏ mần trầu để phòng viêm não truyền nhiễm bài thuốc lấy 30 gram cỏ mần trầu dùng như trà uống trong 3 ngày, sau đó nghỉ 10 ngày uống tiếp 3 ngày nữa

Cỏ mần trầu chữa viêm gan vàng da: Cỏ mần trầu tươi 60g, rễ tổ kén đực 30g lấy hai loại này trộn và sắc uống hàng ngày.

Dùng cỏ mần trầu để thanh nhiệt, giải độc cách dùng theo bài thuốc sau: Cỏ mần trầu 8g, cỏ tranh 8g, rau má 8g, cỏ mực 8g, cam thảo đất 8g, ké đầu ngựa 8g, gừng tươi 2g, củ sả 4g, vỏ quýt 4g.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/thu-co-moc-dai-o-viet-nam-chi-trau-bo-an-dan-trung-quoc-coi-la-thuoc-quy-post320460.info