Thú chơi ngông của ông bầu cải lương

Ai đã đến chợ Mỹ Tho đều nhìn thấy rạp hát Thầy Năm Tú trên đường Lý Công Uẩn. Đây là một trong những công trình kiến trúc ghi dấu ấn lại như một biểu tượng văn hóa của thành phố.

Một rạp hát mang tên một cá nhân còn sót lại trên vùng sông nước lục tỉnh Nam Bộ. Vậy thầy Năm Tú là ai? Có lẽ mọi người dân Mỹ Tho đều trả lời được. Họ còn kể vanh vách mọi điều kỳ lạ về chàng công tử này.

Những chuyện có một không hai

Đầu tiên cậy nhà giầu, được đi du học Pháp về, chàng công tử Châu Văn Tú (tên khai sinh của thầy Năm Tú), đòi sắm chiếc ôtô đi rong chơi. Chàng lại có quốc tịch Pháp mang tên Pierre Tú nên sính đồ ngoại và nói tiếng Pháp hay như hát, với âm vực mũi tỏ ra sang trọng. Chàng được coi là người Việt Nam đầu tiên mua xe hơi vào năm 1907. Ngay khi la cà đây đó, với đám hát đờn ca tài tử, chàng cũng phóng xe hơi đến, rồi chở bạn đi chơi khắp nơi.

Đầu tiên khởi nghiệp (năm 1905), chàng được gia đình mua cho rạp chiếu bóng để kinh doanh. Khi ấy văn hóa Pháp tràn vào như một trào lưu ưa chuộng của đám thanh niên. Chiếu bóng được coi là thời thượng, văn minh, thu hút mọi người.

Ấy vậy mà chàng công tử Châu Văn Tú vẫn mê đờn ca sáo nhị. Nhất là thời kỳ du học Pháp, chàng đã học được những ngón nghề sân khấu, và mong có dịp được tạo dựng một nhà hát cho riêng mình. Thế rồi thời cơ đã đến, khi gánh xiếc kiêm đờn ca tài tử của ông bầu Andre Thận nổi tiếng ở Mỹ Tho có nguy cơ tan rã, Châu Văn Tú liền bỏ tiền ra mua luôn. Sau đó còn kêu gọi những đào kép giỏi khác về tham gia. Chàng cho cải tạo rạp chiếu bóng, xây lại thành rạp hát mang tên mình, và thành lập “Gánh hát Thầy Năm Tú” (năm 1918).

Một sinh hoạt đờn ca tài tử ở Tiền Giang.

Vì sao chàng lại lấy nghệ danh cho mình là thầy Năm Tú? Đây cũng là điều độc đáo. Theo như cách chơi ngông của giới giang hồ, chàng cho đặt nghệ danh cho các đào kép theo thứ tự tuổi tác và tài năng như Tám Danh, Ba Du, Năm Phỉ, Tư Sang, Hai Giỏi, Ba Được, Năm Thoàn…

Vợ của chàng lúc đó cũng là đào hát mang tên Tám Hảo. Còn riêng chàng là thầy trò, vận dụng kỹ thuật dàn dựng sân khấu Pháp (tựa như một đạo diễn hiện nay), chỉ dẫn cho diễn viên hóa thân vào vai, nên được phong thầy và lấy nghệ danh là Năm Tú.

Mãi sau này, chính nghệ sĩ kiêm tác giả cải lương nổi tiếng Năm Châu, người đầu tiên theo gánh hát vẫn thường tâm sự với những môn sinh của mình rằng, ông đã từng học được nhiều điều quý báu trong nghệ thuật hát nhờ nơi thầy Năm Tú.

Đó là sự khai sáng ra một bộ môn mới, cải cách từ đờn ca tài tử thành bộ môn ca ra bộ (diễn xuất) với những tuồng tích, được trình diễn qua những tính cách nhân vật rõ ràng. Đó là các câu chuyện được dàn dựng như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Trang Tử Cổ Bồn Ca.

Đặc biệt ngay từ đầu khi thành lập gánh hát, thầy Năm Tú đã cho mời tác giả kiêm thầy tuồng nổi tiếng Trương Duy Toàn viết vở “Kim Vân Kiều”. Các nghệ sĩ náo nức tập luyện, hào hứng cho kịp đêm biểu diễn khai trương rạp hát vào ngày 15-3-1918.

Có thể nói đây là rạp hát cải lương đầu tiên. Vở cải lương đặc sắc “Kim Vân Kiều” công diễn ở đây, và được coi là ngày ra đời của bộ môn nghệ thuật mới, với câu đối được ghi ở ngoài rạp: “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Nghệ sĩ Năm Châu khẳng định, công khai sáng ra một dòng nghệ thuật cải lương tuồng “Tây”, song song với dòng cải lương tuồng “Tàu” đang thịnh hành nhất lúc bấy giờ, do ảnh hưởng sâu sắc của ông bầu kiêm đạo diễn Năm Tú.

Trò chơi con chó, con gà

Chính sự say mê với sự nghiệp cải lương, thầy Năm Tú còn lắm chiêu trò khác đời nhằm mục đích quảng bá và kinh doanh. Đầu tiên phải nói đến chiếc đĩa hát của ông phát hành tuyên truyền cho cải lương. Con gà trống màu trắng in trên đĩa hát tựa như sự báo hiệu sự mới lạ tươi sáng, gây chú ý cho mọi người.

Đĩa được thu các bài ca lẻ, mùi mẫn trong các làn điệu cải lương, do những nghệ sĩ hát hay nhất trong gánh hát, với hai thứ tiếng Việt và Hoa. Bởi khi đó cộng đồng người Hoa khá lớn có vai trò quan trọng trong thương trường miền Nam và đặc biệt với Mỹ Tho ngày đó. Quả nhiên cộng đồng người Hoa mua rất nhiều đĩa hát.

Một tiết mục đờn ca tài tử.

Ngày đó đi đâu cũng thấy hàng phố mở đĩa nghe cải lương như mốt thời thượng. Thậm chí trong nhiều làng quê, người nông dân cũng ghiền ca ra bộ. Ai cũng rơi nước mắt vì những câu ca, điệu hò về những nỗi tâm sự chia ly. Họ thương cảm cho những hoàn cảnh tình duyên éo le trong câu chuyện, và được trải lòng qua những giọng hát làm mê hoặc lòng người. Những người bình dân, nhiều người thuộc nằm lòng các điệu ca như “Xàng xê”, “Hành vân”, “Dạ cổ hoài lang”…

Nhưng chưa hết, thầy Năm Tú còn cho mua thiết bị từ Pháp mang về, thuê thợ lắp ráp thành máy hát mang thương hiệu của mình, có in hình con chó. Có lẽ đó là con giáp tuổi của thầy Năm Tú. Hơn nữa chất lượng máy hát “Năm Tú” không thua kém gì máy hát của Pháp.

Kèm theo, ai mua máy còn được “khuyến mại” đĩa hát cải lương, ghi giọng hát của cô đào Tư Sang và Năm Châu. Dân Mỹ Tho và những khách hàng từ khắp nơi đổ về, đến rạp xem rồi còn mua cả máy hát và đĩa hát về nghe, hoặc làm quà biếu. Vậy là chàng công tử Châu Văn Tú được coi là người có nghệ thuật tiếp thị xuất chúng, với kỷ lục là người sản xuất máy hát và đĩa hát cải lương đầu tiên ở nước ta.

Ấy là còn chưa kể đến hình ảnh các nghệ sĩ của “Gánh hát Thầy Năm Tú”, đến đâu biểu diễn cũng phải diện bộ cánh thật đẹp, đi dạo quanh chợ như ngầm khoe nhan sắc. Vừa đi vừa chào hỏi mọi người và mời họ đi xem.

Nhất là những nghệ sĩ nổi tiếng phải lộ diện như một chiêu trò thu hút. Tối đến quả nhiên người đi xem rồng rắn xếp hàng mua vé, chen nhau cứ như trong chợ vậy. Vui mà hiệu quả. Mỗi khi lên Sài Gòn biểu diễn, thầy Năm Tú còn biếu tặng đĩa hát, mở máy quay đĩa ra cho nghe những giọng hát hay nhất để câu khách đến, càng đông càng vui.

Những hoạt động rầm rộ trong vòng mươi năm của Thầy Năm Tú, cho dù gánh hát sau này tan rã, nhưng hình ảnh biểu tượng một thời ấn tượng của Thầy Năm Tú vẫn còn dư âm dài dài. Lại có chuyện người Sài Gòn còn lấy giai đoạn đó làm mốc văn hóa.

Họ trò chuyện, để nhắc lại một thời đáng nhớ, như định chê bai hay nhắc nhở gì đó sẽ nói: “Sao nó quay chậm như đĩa hát của Thầy Năm Tú cải lương vậy ta?”. Bởi ngày ấy đĩa hát bằng than lại ghi hai mặt. Mỗi lần đổi mặt quay lại phải thay kim nên chậm. Hoặc ai đó còn hỏi khéo: “Cái nón này sắm từ thời Thầy Năm Tú chắc?”, nhằm chê mốt hàng đã cổ lỗ lắm rồi. Vậy mà những chiếc đĩa hát và máy quay đĩa ngày đó vẫn được lưu giữ trong bảo tàng nghệ thuật Mỹ Tho, tựa như một bài ca ký ức thuộc về những cái để nhớ, để thương cho những ai còn say mê với nghệ thuật cải lương.

Người của một thời

Giờ đây, “Rạp hát Thầy Năm Tú” đã được tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Cùng với đó, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO khẳng định là di sản văn hóa phi vật thể dại diện của nhân loại. Rạp hát đã được tu bổ và xây dựng mới trên cở sở kiến trúc cũ.

Diện tích tuy còn khiêm tốn, chỉ rộng khoảng 600 mét vuông nhưng đã trở thành địa chỉ văn hóa nghệ thuật của thành phố Mỹ Tho. Đặc biệt, chương trình triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2016-2020” đã được diễn ra hàng tuần tại rạp hát. Các nghệ sĩ đến đây đều nhớ lại một thuở vàng son của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương của “Rạp hát Thầy Năm Tú”.

Hình ảnh hào hoa phong nhã của thầy Năm Tú vẫn còn đó. Người nghệ sĩ cùng với khán phòng rạp hát, những chứng nhân cho sự khởi đầu thăng hoa nhất của bộ môn cải lương, nay đã được 100 năm. Nơi đây cũng là cái nôi đào tạo hàng chục nghệ sĩ cải lương, trong số đó có những tên tuổi rực rỡ như Ba Du, Bảy Nam, Phùng Há, Trần Hữu Trang, Kim Cương, Trần Ngọc Giàu…

Hiện nay, riêng Tiền Giang có tới 8 nghệ sĩ được phong danh hiệu NSND. Đó là một kỷ lục được xác lập bắt đầu từ cuộc chơi hết mình của chàng công tử Châu Văn Tú.

Vương Tâm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/thu-choi-ngong-cua-ong-bau-cai-luong-518125/