Thư CALI: Tôi thà về Philadelphia

Được đưa vào phòng cấp cứu sau khi bị ám sát hụt, Ronald Reagan nháy mắt với các bác sĩ mổ: 'Hãy nói với tôi các vị là đảng viên Cộng hòa'.

Joe Biden và Kamala Harris từng bước tiến đến đài chiến thắng

Joe Biden và Kamala Harris từng bước tiến đến đài chiến thắng

Trong tình thế không đùa được, Tổng thống thứ 40 của Mỹ vẫn pha trò để trấn an dân chúng. Đó là chuyện gần 40 năm trước, còn bầu không khí chính trị Mỹ giờ đã khác xa.

Suốt nhiều tháng trước khi cuộc bầu cử căng thẳng vô tiền khoáng hậu diễn ra, cử tri Cộng hòa và Dân chủ không còn giữ được hòa khí “bất đồng trong thân thiện” như họ đã từng trong quá khứ.

Hình ảnh Tổng thống Trump đánh gôn (ở thời khắc quyết định của cuộc bầu cử) lan khắp mặt báo Mỹ

Cuộc đối đầu “bên tám lạng kẻ nửa cân” kéo dài suốt từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016. Còn nhớ hồi đó hơn nửa nước Mỹ sững sờ. Trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ hơn 200 năm, chỉ 5 lần một tổng thống đắc cử với số phiếu phổ thông thấp hơn đối thủ. Lần gần nhất là 2000 giữa George W. Bush và Al Gore, kéo theo tranh tụng hơn tháng trời.

Bốn năm trước, sau khi ông Trump tuyên thệ, cử tri Dân chủ người mất ăn mất ngủ kẻ đau khổ đến mức trầm cảm. Nhiều người đoạn tuyệt với truyền thông, vì tin tức trước bầu cử đều cho thấy bà Clinton dẫn đậm. Bạn tôi có bằng luật sư và thạc sĩ quan hệ quốc tế, đảng viên Dân chủ, làm việc trong chính phủ liên bang (các quỹ bảo vệ môi trường và hợp tác giáo dục) bị cho ngồi chơi xơi nước, uất ức tới nỗi thề không bước chân tới thủ đô Washington nếu ở đó còn Trump.

Tổng thống Trump khá thẳng tay cải tổ bộ máy hành chính công quyền liên bang khiến nó gọn nhẹ hơn, song không với tay tới được các chính quyền tiểu bang. Có một làn sóng ngầm chống đối dấy lên từ các bang có thống đốc Dân chủ. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa cũng tỏ ra dè dặt trước chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết" của Trump. Trong khi đó các cử tri Cộng hòa tầng lớp trung lưu lại hân hoan ra mặt.

Giới bảo thủ bình dân từ khi có Trump bỗng trở nên cực đoan kỳ lạ. Họ ghét cay đắng các chính trị gia chuyên nghiệp, coi họ là sói đội lốt cừu non. Họ phản đối bằng cấp học hành vô bổ. Ăn nói bộc trực dễ hiểu với vốn từ đơn giản như tổng thống coi bộ lọt tai hơn. Trong các sắc dân gốc Á, người Việt Nam Cali sống ở phía Bắc quận Cam có tỷ lệ ủng hộ cho Trump cao nhất (khoảng 55-60%). Dân da trắng phía Nam quận này ở những thành phố ven biển tuyệt đẹp như Laguna Beach hay Newport Beach còn cuồng nhiệt hơn. Quận Cam nằm sát quận Los Angeles nơi có Hollywood và Beverly Hills toàn Dân chủ cấp tiến. Hai cộng đồng có quan điểm sống và làm ăn khác biệt, lỡ gặp nhau thì ôm hôn chào hỏi lịch sự đấy song không hề ưa nhau. Có thể cảm nhận điều này rõ hơn trong bốn năm qua.

Sáng sớm ngày bầu cử 3/11, tôi đến thăm J., chị bạn liệt toàn thân sau tai nạn xe hơi. Ngồi xe lăn, tề chỉnh áo thun mũ lưỡi trai đỏ chói “Trump-Pence” và hát véo von “Rockin’ in the free world”. Thật trớ trêu, bài hát này - mà các cử tri Cộng hòa thường hát trong các lễ hội tranh cử, lại do nghệ sĩ cực tả thập niên 1960-1970 Neil Young sáng tác. Hỏi vì sao mê tổng thống thế, chị bảo từ hồi Trump lên thu nhập của chị khá hẳn.

Nhiều tháng nay, các cuộc đấu khẩu triền miên giữa bạn bè, người thân trở nên quá mệt mỏi. Chồng bảo vợ: “Em ăn nói xạo như CNN”. Vợ đáp trả: “Anh là thằng phân biệt chủng tộc”. Cô bạn H. cùng lứa tôi thì buồn rầu nói hai đứa con cô đều theo Dân chủ vì bị nhà trường “tẩy não”. “Cậu nghĩ coi, mời nhau ăn ở miễn phí vài ngày thì được, chứ đâu có ai cho ai ăn dầm ở dề”. Chả là H. muốn ca ngợi chính sách chống nhập cư lậu của Trump. Giới ủng hộ tổng thống có người một mặt hưởng trợ cấp tiền thuê nhà, bảo hiểm cho người có thu nhập thấp, rồi lợi ích từ quy định chống tăng tiền nhà, mặt khác lại cao giọng chỉ trích các chính sách xã hội có phần hoang toàng của đảng Dân chủ.

Ngược lại những người theo Dân chủ lại chê trách giới Cộng hòa máu lạnh khi thẳng tay trục xuất nhập cư bất hợp pháp hay cổ xúy kỳ thị chủng tộc. Chị T. một người có bằng cao học về kinh tế, theo Dân chủ, giải thích việc thị trường chứng khoán tăng mạnh mấy năm qua là do giới chủ doanh nghiệp được giảm thuế đầu tư vào chứng khoán. Việc giảm thuế ấy đã làm thâm thủng ngân sách nghiêm trọng vì chi tiêu chính phủ vẫn không hề giảm theo đúng những gì đảng Cộng hòa mong muốn. Chính quyền Trump coi luật bảo hiểm bắt buộc “bảo hiểm toàn dân” Obama Care là gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ, cản trở phát triển kinh tế song lại không đưa ra được những chính sách y tế khả thi hơn.

Căng thẳng giữa hai nhóm cử tri lên cao điểm khi một bên khăng khăng chống đóng cửa nền kinh tế và không đeo khẩu trang, một bên đề cao chống dịch, thận trọng mở cửa kinh tế và tuyệt đối tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng. Vì vậy ra đường chỉ nhìn ai đeo khẩu trang ai không, là biết họ thuộc phe nào. Sự căng thẳng đối đầu cực độ này cuối cùng lại dẫn đến hiện tượng tích cực chưa từng có trong nền dân chủ Mỹ: Số người đi bầu và tỷ lệ đi bầu cao nhất trong lịch sử. Tổng cộng trên toàn hợp chủng quốc có khoảng 145 triệu lá phiếu.

Joe Biden sau 4 ngày chờ đợi đếm phiếu vô cùng gay cấn, trở thành người được nhiều phiếu bầu nhất lịch sử nước Mỹ còn ông Donald Trump có phiếu bầu cao thứ hai trong lịch sử, vì vậy Trump vẫn cho rằng mình thắng, rằng kết quả này có gian lận. Mọi chuyện tạm ngã ngũ khi Joe Biden thắng ở bang quê nhà Pennsylvania. Mấy ngày trước những người bầu cho ông còn lo ông sẽ thua ở đây, vì ông từng phản đối khoan đá khai thác dầu (fracking) đe dọa việc làm của giới trung lưu; hơn nữa còn gửi siêu sao ca nhạc Lady Gaga- người chống Fracking cuồng nhiệt, tới đây vận động tranh cử cho mình. Vậy mà cuối cùng Pennsylvania thành nơi chốt hạ cuộc đua.

Tổng thống Ronald Reagan khi vừa tỉnh thuốc mê sau cuộc đại phẫu đã nhại lời danh hài W.C. Field: “Thật tình tôi thà ở Philadelphia còn hơn”. (Ý là Philadelphia chán không kém phòng mổ). Nhưng hôm qua Philadelphia rất sôi động ăn mừng người con của quê hương vừa đắc cử. Tổng thống thất cử thì đang bắt đầu các cuộc kiện cáo về kiểm phiếu. Trước thềm nhà tôi, sau một tuần oi bức vừa đổ một cơn mưa đá.

TIỆP QUYÊN (Long Beach, California)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/thu-cali-toi-tha-ve-philadelphia-1747180.tpo