'Thứ 7 với Phan Đăng': Đánh giá tác động, khoảng trống của chúng ta

Một chính sách, bất luận chỉ ở trạng thái 'dự thảo' hay 'chính thức thi hành' đều phải được đánh giá tác động một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng. Bởi một chính sách đi vào cuộc sống sẽ giúp cho người này- nhóm này - doanh nghiệp này được hưởng lợi, và sẽ khiến người khác - nhóm khác - doanh nghiệp khác thiệt thòi.

LTS: Từ hôm nay, Dân Việt xin trân trọng giới thiệu chuyên mục "Thứ 7 với Phan Đăng". Nhà báo Phan Đăng (SN 1984) hiện là Thư ký tòa soạn báo An ninh thế giới giữa tháng, cuối tháng (thuộc báo Công an nhân dân). Năm 2018, anh được lựa chọn là người dẫn chương trình gameshow Ai là triệu phú trên VTV3.

Tuy còn khá trẻ, nhưng Phan Đăng là cây bút có cá tính. Với những trải nghiệm trong nghề và trong cuộc sống, anh có nhiều kiến giải khá độc đáo về các sự việc, hiện tượng trong đời sống xã hội.

Bài viết đầu tiên của Phan Đăng trong chuyên mục "Thứ 7 với Phan Đăng" nói về câu chuyện thời sự trong tuần qua: Những chính sách trên trời, xa rời thực tế, không hướng tới lợi ích số đông, Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc:

Đánh giá tác động, khoảng trống của chúng ta

Khi chúng ta đánh giá tác động một cách nghiêm minh và chuyên nghiệp thì sẽ trả lời được câu hỏi: "Có bao nhiêu người hưởng lợi?", "Có bao nhiêu người thiệt thòi?", từ đó có thể kết luận tương đối chính xác về việc chính sách ấy góp phần thúc đẩy hay kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Những con số điển hình?

Sự xuất hiện của Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm, gây xôn xao dư luận suốt cả tuần qua là một ví dụ điển hình. Đúng là chúng ta cần một quy chuẩn quốc gia về nước mắm, nhưng lấy những quy chuẩn của nước mắm công nghiệp để áp dụng cho cả nước mắm truyền thống, từ đó khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc có hay không chuyện doanh nghiệp kinh doanh nước mắm công nghiệp muốn "đánh" các doanh nghiệp nước mắm truyền thống để độc chiếm thị trường.

Đây là điều lẽ ra không nên xuất hiện. Vậy thì trước khi xuất hiện, cái điều "lẽ ra không nên xuất hiện" đã được đánh giá tác động chưa?

Làng nghề nước mắm truyền thống ở Diễn Châu với quy mô sản xuất lớn. Từng dãy dài nhà thùng nước mắm tạo thành hình ảnh ấn tượng với bất cứ ai đến thăm làng nghề. (Ảnh: Hải Vương/báo Nghệ An)

Làng nghề nước mắm truyền thống ở Diễn Châu với quy mô sản xuất lớn. Từng dãy dài nhà thùng nước mắm tạo thành hình ảnh ấn tượng với bất cứ ai đến thăm làng nghề. (Ảnh: Hải Vương/báo Nghệ An)

Ông Lê Trần Phú Đức, lãnh đạo Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết kể rằng, ông là một trong những người đầu tiên được mời góp ý cho dự thảo này. Theo lời kể của ông thì thoạt tiên tất cả mọi người đều thống nhất phải phân biệt rạch ròi giữa hai loại nước mắm truyền thống và nước mắm phi truyền thống. Nhưng sau đó, những quan điểm này bị gạt đi, để rồi trong xã hội mới xuất hiện cái điều "lẽ ra không nên xuất hiện" kể trên.

Câu chuyện của ông Lê Trần Phú Đức cho thấy, trong quá trình bàn bạc, xem xét, đánh giá tác động, thật ra người trong cuộc cũng đã đặt lên bàn cân tất cả các quan điểm, góc nhìn, từ đó có thể hình dung được cả những hệ quả lẫn hậu quả cho những quyết định cuối cùng. Thế mà cuối cùng, những quan điểm dễ khiến dư luận nổi sóng nhất lại được chọn lựa, còn những quan điểm hợp tình hợp lý nhất lại bị bỏ qua. Như thế, việc đánh giá tác động là thực chất hay hình thức?

Việc tạm dừng ban hành Bộ quy chuẩn này sau khi dư luận phản ứng cũng đã phần nào khiến vấn đề được giải tỏa. Nhưng cũng thêm một lần cho thấy sự vội vã, thiếu cẩn trọng của những người làm chính sách...

63% người dân Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ hạn chế xe cá nhân, đấy lại là một con số - một câu chuyện khác của việc đánh giá tác động, được Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải công bố.

Từ việc đánh giá tác động bằng những khảo sát - những con số rất khoa học này, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã đề xuất phương án hạn chế, tiến đến cấm xe cá nhân theo một lộ trình từ nay đến năm 2030.

Nhưng lạ là khi những đề xuất này được báo chí phản ánh thì nó lại tạo ra những tranh luận vô cùng gay gắt. Thế thì con số 63% kia đã thực sự mang tính điển hình chưa?

Nó cũng tương tự như câu chuyện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề xuất cấm thí điểm xe máy trên tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để tiến tới lộ trình cấm hoàn toàn loại phương tiện này năm 2030. Dù việc hạn chế, tiến tới cấm xe máy là điều tất yếu trong tương lai, nhưng sự phản ứng dữ dội từ đông đảo người dân bị ảnh hưởng là có thể đoán được khi dường như đề xuất này chưa được tính toán thấu đáo.

Thông thường, trước khi ra một chính sách có tầm ảnh hưởng đến người dân một thành phố, người ta phải tìm cách khảo sát trên diện rộng, với những phương pháp khảo sát hiệu quả để có thể đưa ra những kết luận mang tính điển hình cao nhất.

Và khi đã có những kết luận - những con số điển hình, người làm chính có thể hình dung tương đối về phản ứng của dư luận đối với chính sách, từ đó quyết định có nên chính thức đưa chính sách vào cuộc sống hay không.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng nhiều lần chia sẻ với người viết bài này về thực tiễn đánh giá tác động - đề xuất chính sách của các bộ ban ngành ở Việt Nam. Bà Phạm Chi Lan từng nói, trước đây các Bộ tự đề xuất chính sách, tự đánh giá tác động, và vì "vừa đá bóng vừa thổi còi" nên việc đánh giá tác động luôn được uốn nắn sao cho chính sách sau đó dễ được thông qua nhất.

Đến thời Thủ tướng Phan Văn Khải, ông đề nghị phải có những đơn vị đánh giá tác động nghiêm túc và phải chú ý đến những nhóm đối tượng có nguy cơ chịu thiệt thòi khi chính sách được thông qua.

"Tuy nhiên tới lúc này lại nảy ra một vấn đề mới, là phần lớn các Bộ giao cho các viện nghiên cứu của Bộ mình thực hiện việc đánh giá tác động. Mà các viện này phần lớn đều là "con" của Bộ, nên rất khó hy vọng họ sẽ đưa ra những đánh giá trái ý Bộ" - bà Lan chia sẻ.

Vẫn theo lời của bà Phạm Chi Lan thì hiện nay người ta thường có xu thế mời những đơn vị đánh giá độc lập bên ngoài, nhưng rất nhiều đơn vị này thực chất lại là "sân sau" của người "bên trong" hoặc có những quan hệ dích dắc với người "bên trong". Thành thử, những đánh giá tác động có chính xác, khách quan hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Vậy giải pháp vấn đề nằm ở đâu?

Ở nước ngoài, với phần lớn các chính sách dân sinh, người ta thường công khai tên tuổi các đơn vị đánh giá tác động. Công khai cả cách thức khảo sát - nghiên cứu của các đơn vị này. Vì tất cả đều công khai nên đơn vị nào có quan hệ nhạy cảm với người "bên trong" đều sớm được nhận diện và thải loại.

Cũng vì công khai, nên cách thức khảo sát nào được triển khai theo kiểu "phù phép con số" - "phù phép kết luận" nhằm thực hiện một mục đích bất minh cũng dễ dàng bị phát giác.

Phát ngôn "mất bằng lái xe phải thi lại" của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. (Ảnh: I.T)

Nếu các bước đánh giá tác động diễn ra không hiệu quả, khách quan, một chính sách sẽ rất thiếu tính khả thi. Nếu các bước đánh giá tác động diễn ra không minh bạch, những người ra chính sách cũng rất dễ bị hiểu lầm.

"Mất bằng lái xe, phải thi lại!" - rất có thể bạn sẽ hỏi, câu nói "gây sóng" của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong tuần qua, ở một góc độ nào đó cũng chính là một cách thăm dò - đánh giá tác động? Bởi phải nói ra, xem người ta phản ứng như thế nào thì sau đó mới quyết định có nên áp dụng chính sách hay không?

Đúng là trong một vài trường hợp riêng nào đó, một câu nói đặc biệt của một vị lãnh đạo đặc biệt cũng chính là một cách thăm dò - đánh giá tác động có hiệu quả.

Nhưng "Mất bằng lái xe, phải thi lại" không phải là trường hợp đặc biệt, vì nó không chỉ trái với một số quy định pháp luật hiện hành khác, mà còn phản ánh một tư duy quản lý mang nặng tính "hành chính giấy tờ" trong một thời kỳ mà đi đâu cũng thấy người ta nói đến tự động hóa - số hóa và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước khi đề xuất một chính sách, các Bộ chủ quản cần phải có những đánh giá tác động minh bạch và hiệu quả. Trước khi đưa ra một phát ngôn, lãnh đạo của một Bộ ngành cũng cần phải có những đánh giá tác động thấu đáo.

Một vị chủ doanh nghiệp, trong một cơn thăng hoa, có thể đưa ra một phát ngôn khác người, ví dụ như "Bây giờ, trên tôi hiểu lòng Trời, dưới hiểu lòng Diêm Vương", vì xét cho cùng thì ông chủ một doanh nghiệp cũng chỉ có thể tạo nên những tác động trực tiếp tới doanh nghiệp của mình.

Nhưng những nhà lãnh đạo mà một câu nói, một chữ ký có thể tác động tới một chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu con người thì không thể dễ dàng tạo ra những sản phẩm "khác người" như vị chủ doanh nghiệp được.

Mà chưa biết chừng, với những vị chủ doanh nghiệp thì ngay cả những tuyên ngôn khác người kia cũng đã được tính toán rất kỹ lưỡng, nhằm "đánh lạc hướng dư luận", từ đó che đi một ý đồ thực sự nào đó...

Phan Đăng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thu-7-voi-phan-dang-danh-gia-tac-dong-khoang-trong-cua-chung-ta-963745.html