Ths.BS Ngô Anh Vinh cảnh báo thói quen nguy hiểm khi cha mẹ tự cho con uống bù nước oresol

Là một loại dung dịch bù nước phổ biến sử dụng trong trường hợp bị tiêu chảy, sốt hoặc nôn. Tuy nhiên, ít người biết rằng, việc pha dung dịch bù nước oresol không đúng tỷ lệ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như ngộ độc natri, tổn thương hệ thần kinh...

Nội dung:

1. Trẻ li bì, hôn mê do bù nước không đúng tỷ lệ
2. Pha oresol không đúng cách gây tăng hàm lượng natri trong máu
3. Những lưu ý khi sử dụng dung dịch bù nước oresol cho trẻ

Oresol là dung dịch bù nước bằng đường uống khá phổ biến, sử dụng trong các trường hợp trẻ bị tiêu chảy, sốt hoặc nôn. Oresol với thành phần muối, đường giúp bù nước và chất điện giải trong một số trường hợp cụ thể.

Oresol khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi. Tuy nhiên, nếu pha sai tỷ lệ, oresol sẽ khiến tình trạng của trẻ ngày càng nặng hơn, thậm chí suy kiệt, biến chứng thần kinh hoặc dẫn đến tử vong.

1. Trẻ li bì, hôn mê do bù nước không đúng tỷ lệ

Đó là trường hợp của bé Nguyễn T.A (8 tháng tuổi, Hà Nội) bị sốt cao, đi ngoài liên tục, được mẹ cho đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương và được chẩn đoán mắc tiêu chảy cấp do rotavirus. Bé được kê đơn thuốc và yêu cầu điều trị ngoại trú, các bác sĩ cũng hướng dẫn cụ thể cách bù nước điện giải bằng oresol và men tiêu hóa.

Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của trẻ vẫn không thuyên giảm, trẻ vẫn lơ mơ, ngủ nhiều. Trẻ nhập Khoa Cấp cứu - bệnh viện Nhi Trung Ương với dấu hiệu mất nước nặng, rối loạn ý thức. Sau khi thực hiện các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng bất thường).

Bé 8 tháng tuổi nguy kịch vì uống dung dịch bù nước oresol sai cách - Ảnh minh họa

Bé 8 tháng tuổi nguy kịch vì uống dung dịch bù nước oresol sai cách - Ảnh minh họa

2. Pha oresol không đúng cách gây tăng hàm lượng natri trong máu

Ths.BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc pha dung dịch bù nước oresol không đúng cách có thể làm tăng natri trong máu, dẫn tới biến chứng thần kinh nguy hiểm, có thể gây teo não...

Các triệu chứng thường gặp của tăng natri máu như mệt mỏi, rối loạn tri giác, hôn mê, co giật. Trẻ không được điều trị kịp thời có thể bị teo não hoặc để lại các di chứng về sau.

Cũng tại khoa Cấp cứu - chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân Nguyễn T.A được bù dịch bằng đường tĩnh mạch và kết hợp điều trị tăng natri máu. Tình trạng của bé đã được cải thiện sau hai ngày điều trị theo phác đồ, giảm dấu hiệu mất nước, xét nghiệm cho thấy nồng độ natri máu đã về giới hạn bình thường. Bác sĩ Ngô Anh Vinh cho biết, sau khi xuất viện trẻ vẫn cần được theo dõi và đánh giá xem có bị tổn thương thần kinh hay không.

3. Những lưu ý khi sử dụng dung dịch bù nước oresol cho trẻ

Theo Bs Nguyễn Anh Vinh, dung dịch bù nước oresol là loại thuốc giúp bù nước rất hiệu quả, được khuyến cáo cho những trường hợp trẻ bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, sốt cao… Nhưng oresol chỉ tốt khi được pha đúng tỷ lệ và sử dụng đúng sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp trở nên nặng hơn, thậm chí nguy kịch vì pha oresol không đúng cách do cha mẹ chủ quan cũng như không đọc kỹ hướng dẫn trước khi pha.

Thực tế, nhiều phụ huynh cho rằng một số loại oresol có mùi vị khó chịu khiến trẻ không chịu uống, cho nên đã pha đặc với lượng nước rất ít. Điều này vô tình trở thành con dao 2 lưỡi vì nếu oresol pha quá đặc sẽ làm tăng nồng độ natri máu (trẻ bị nạp quá nhiều muối từ oresol vào trong cơ thể). Bác sĩ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng ngộ độc natri như co giật, hôn mê, tổn thương não như trường hợp của của bé NTA.

Khuyến cáo của bác sĩ khi pha dung dịch bù nước oresol (áp dụng cho trẻ nhỏ lẫn người trưởng thành)

– Trước khi pha oresol, cần đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì, đặc biệt tuân thủ pha theo liều lượng quy định. Ví dụ, nếu gói oresol theo hướng dẫn pha với 250ml thì cần pha chính xác 250ml, không áng chừng hoặc đong bằng các loại cốc/dụng cụđo lường không chính xác. Nếu đối với gói 250ml, bạn có thể pha 2 gói với 500ml (nửa lít nước).

Cách pha đúng là pha theo tỷ lệ trên bao bì của gói oresol.

Cách uống: trẻ dưới 2 tuổi, uống 50 - 100 ml/lần tiêu chảy; trẻ 2 - 9 tuổi, uống 100 - 200 ml/lần tiêu chảy; trẻ lớn hơn 10 tuổi và người lớn uống tùy theo nhu cầu cơ thể. Nếu bị nôn nhiều, hãy cho trẻ uống theo từng ngụm nhỏ để tránh kích thích vị giác khiến trẻ nôn nhiều thêm.

– Sau khi pha dung dịch bù nước oresol, không nên để quá 24 giờ, sau thời gian này, nên bỏ và pha gói mới. Tuyệt đối không nên bảo quan oresol trong tủ lạnh.

– Không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng.

– Pha với nước ấm hoặc nước đun sôi để nguội. Không đun sôi dung dịch đã pha, có thể làm mất các phẩm chất của thuốc, bay hơi, tăng độ thẩm thấu.

- Nếu trẻ không thể uống được oresol do mùi khó chịu cũng không nên cho thêm đường hay sữa, trái cây nước ngọt để chiều theo ý trẻ. Điều này có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm cho trẻ.

– Nếu trẻ bị lơ mơ, li bì, mệt mỏi, nôn nhiều, không đáp ứng với các loại thuốc điều trị, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Trong trường hợp không có dung dịch bù nước oresol, phụ huynh cũng thể pha dung dịch thay thế gồm:

- 8 thìa cà phê đường 1 thìa nhỏ muối pha trong 1 lít nước

- Hoặc nước cháo/nước dừa non cho một nhúm muối nhỏ.

Không nên pha quá nhiều nước có thể làm dung dịch bị loãng, chất điện giải không đủ. Pha ít nước cũng rất nguy hiểm cho trẻ vì gia tăng nguy cơ ngộ độc muối.

Khi trẻ bị tiêu chảy, nôn nhiều, mất nước, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia làm nhiều bữa nhỏ. Nên có trẻ ăn nhiều trái cây như chuối, cam, đu đủ... và uống sữa. Không nên dùng các loại thực phẩm có nhiều đường, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Trẻ mắc sốt xuất huyết không uống thuốc oresol, chỉ uống nước lọc có nguy cơ mất nước trầm trọng

Minh Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thsbs-ngo-anh-vinh-canh-bao-thoi-quen-nguy-hiem-khi-cha-me-tu-cho-con-uong-bu-nuoc-oresol-412020291072714123.htm