'Three Billboards Outside Ebbing, Missouri': Khi công lý lặng im trước những mảnh đời bên lề

Bộ phim đã ẵm trọn vô số giải thưởng từ Liên hoan phim Toronto, Quả cầu vàng, BAFTA và được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại Oscar năm nay với 7 đề cử.

Bộ phim mở ra một hiện thực trắng đen lẫn lộn

Three Billboards Outside Ebbing, Missouri dõi theo hành trình đi tìm công lý của Mildred Hayes (Frances McDormand) khi bà tìm cách đốc thúc những cảnh sát của thị trấn Ebbing đòi lại công bằng cho cô con gái đã bị cưỡng hiếp và sát hại. Bộ phim mở đầu với hình ảnh ba tấm biển quảng cáo giữa một nơi hoang vu hiện lên lờ mờ qua màn sương mù, cũng giống như những tiếng kêu không ai nghe thấy. Trên biển ghi dòng chữ: “Bị cưỡng bức trong lúc hấp hối, vậy mà vẫn chưa có lệnh bắt giữ sao cảnh sát trưởng Willoughby?”. Ở khắp nơi trên thế giới, luôn có những vụ án tàn nhẫn không để lại dấu vết, khiến cảnh sát phải bó tay và nghi phạm vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mặc cho sự phẫn nộ của gia đình nạn nhân. Bộ phim đã đánh vào đúng vấn nạn gây nhức nhối ấy, chỉ ra lỗ hổng mà luật pháp dù có nghiêm minh đến mấy cũng chưa thể giải quyết triệt để.

Các nhân vật trong phim đều phải chật vật đấu tranh với vấn đề của riêng mình

Như tăng thêm tính thiết thực, bộ phim lấy bối cảnh tại một thị trấn tỉnh lẻ với những cư dân ít học. Vụ án lại diễn ra trên một con đường vắng người qua lại. Đã nửa năm trôi qua mà phía cảnh sát vẫn chưa có phát hiện gì mới. Dường như công lý đã quay lưng với nơi này và chính ông trời cũng nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của người mẹ trong phim, thế nên bà buộc phải tự mình truy tìm công lý.

Chất nữ quyền thể hiện qua quyền tự do ngôn luận của phụ nữ, là khi phái yếu cất tiếng nói chống lại cường quyền thay vì âm thầm chịu đựng. Mô-típ người mẹ đi tìm công lý cho con không hề hiếm trong điện ảnh, thế nhưng ít khi gắn với những tuyên ngôn thẳng thắn, rõ ràng mà đa phần chỉ mượn hình tượng người mẹ để ngợi ca tình mẫu tử, hướng đến những đức tính cao đẹp có phần lý tưởng hóa như đức hy sinh, tình thương bao la…

Với Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, sự lý tưởng và tính hình tượng đã bị phá vỡ. Mildred đau khổ vì mất con nhưng cũng chính bà là người gián tiếp đẩy con mình đến chỗ chết bằng những lời lẽ vô tâm. Chính người mẹ ấy giận quá hóa rồ nên phóng hỏa suýt hại chết Dixon. Và chính người mẹ ấy đổ hết lỗi lầm lên cảnh sát trưởng Wiloughby đang chiến đấu với căn bệnh ung thư thời kỳ cuối, khiến ông ta đến chết vẫn còn nhiều dằn vặt. Mildred không phải là một nhân vật sáng bóng hoàn hảo được gán cho vô vàn đức tính đáng ngưỡng mộ, Mildred đầy khiếm khuyết, nóng tính, bốc đồng. Hành động của Mildred gây nhiều tranh cãi, thế nên mọi kết luận đều tùy thuộc vào người xem: Liệu Mildred làm thế có đúng không? Phải chăng nhân vật này mục tiêu thì tốt nhưng phương thức thực hiện lại sai lầm? Nếu thế thì Mildred từ đầu đến cuối phim chỉ phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác, rõ ràng bộ phim không kể câu chuyện về nhân vật chính thiện lương đi tìm công lý và hân hoan trở về khi kẻ ác đã chuộc tội.

Quá trình hoàn lương của gã cảnh sát Dixon có lẽ sẽ khiến một số người xem cảm thấy không thuyết phục

Hiện thực trong phim cũng vì thế mở ra ngày càng phũ phàng. Câu chuyện đi tìm công lý đến đây không đơn giản nữa. Khán giả ban đầu có thể mặc định Mildred thuộc phe chính nghĩa, chống lại thế lực gian ác là những cảnh sát của thị trấn Ebbing. Thế nhưng mọi thứ lại phức tạp hơn rất nhiều khi ta khám phá ra rằng: Mildred đòi phía cảnh sát thực thi công lý, nhưng chính những cảnh sát tưởng chừng xấu xa kia cũng không phải là người có khả năng thực thi công lý.

Dàn nhân vật đa chiều, trắng đen lẫn lộn là một điểm cộng của phim, như nhân vật cảnh sát trưởng Willoughby (Woody Harrelson). Willoughby là một ông bố yêu thương con và là một người chồng tận tụy với vợ. Ông có một mái ấm mà Mildred không thể có được. Tiếc thay trong công việc, người đàn ông này luôn bị hiểu lầm là một cảnh sát quan liêu, cuối cùng phải chiến đấu với căn bệnh ung thư và kết thúc rất bi kịch. Còn gã cảnh sát Dixon (Sam Rockwell) lại là một kẻ cục súc, sẵn sàng hành hung người vô tội và có xu hướng phân biệt chủng tộc. Theo diễn biến câu chuyện, nhân vật này dần thức tỉnh và hỗ trợ Mildred tìm kiếm thủ phạm đã hãm hại con gái bà.

Đến cuối phim, cả Mildred và Dixon nhận ra công lý có thể chỉ là sự kỳ vọng ảo tưởng mà chúng ta bám vào để sinh tồn trong cuộc đời khắc nghiệt này. Họ đã cố tìm kiếm và họ đã vỡ mộng. Không còn gì để mất, họ quyết định lên đường để “thay trời hành đạo”. Một lần nữa, cái kết của bộ phim châm ngòi cho câu hỏi đúng - sai không có lời đáp. Dường như những nhân vật trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri luôn nỗ lực làm điều đúng đắn nhưng vì nông nổi, vì nhận thức hạn chế, vì mọi sự không như ý muốn... mà họ cứ nhúng sâu hơn vào vũng lầy bất mãn. Mỗi hành động họ làm là một lần họ gây ra đau khổ cho chính mình và người khác.

Mối quan hệ giữa Mildred với James (do sao Game of Thrones Peter Dinklage thủ diễn) khiến bộ phim bớt căng thẳng

Cũng vì thế mà nửa cuối của bộ phim tưởng như tươi sáng với màn chuộc tội của Dixon, thế nhưng cái kết lại kéo tuột người xem trở về với hiện thực phũ phàng, quẩn quanh. Những kiếp người ở thị trấn Ebbing nhỏ bé có thể sẽ không tìm thấy sự giải thoát nào mà cứ mãi trầm luân trong những nỗi đau nhân sinh như thế, một phần do người khác mang lại và phần nhiều do chính họ gây nên. Chính ở điểm này mà bộ phim đã chạm đến rất gần cuộc đời đầy hỗn loạn, bất trắc ngoài kia.

Tuy vậy, Three Billboards Outside Ebbing, Missouri lại mất điểm rất nhiều trong khâu xây dựng nhân vật Dixon. Quá trình thay đổi tâm tính của Dixon diễn ra đột ngột, chóng vánh nên tạo cảm giác gượng ép. Người xưa có câu “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”, một gã cảnh sát vô lý đến nỗi đánh người vô tội thì làm sao vì đọc một bức thư cảnh tỉnh mà quyết tâm hoàn lương ngay được? Nếu ví mỗi bộ phim hay là một tấm áo được may khéo đến độ không thể tìm ra những chỗ ráp nối, thì chính ở nhân vật Dixon này mà Three Billboards lộ ra dấu vết của một chiếc áo thoạt trông đẹp đẽ nhưng lật ra lại thấy rõ sự cắt may thiếu tinh tế. Bộ phim chưa thể thoát ra khỏi tính tuyên truyền thường thấy trong những phim đề cập đến vấn nạn xã hội, điều đó khá đáng tiếc bởi Three Billboards Outside Ebbing, Missouri giải quyết khá ổn phần nội dung về người đi tìm công lý, thế nhưng lại “ngã ngựa” khi đào bới những mâu thuẫn trong nội tâm con người.

Ngoài Dixon, Mildred cũng thuộc dạng “nửa nạc nửa mỡ”. Dù là nhân vật chính nhưng dường như Mildred không xứng đáng ở vị trí trung tâm câu chuyện, không phải do diễn xuất của Frances McDormand, mà do khâu xây dựng nhân vật dường như chưa triệt để, khiến cuối cùng đây chỉ là một hình tượng được khai thác hời hợt trên bề mặt chứ không được đào sâu.

Nếu đoạt giải Phim hay nhất vào ngày 5.3, Three Billboards Outside Ebbing, Missouri có lẽ khó tránh những tranh cãi. Bộ phim hiện được chấm 8,3/10 trên IMDb và 93% trên Rotten Tomatoes.

Mai Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/three-billboards-outside-ebbing-missouri-khi-cong-ly-lang-im-truoc-nhung-manh-doi-ben-le-938274.html