Thông xe tuyến đường cao tốc 3000 tỷ xuyên rừng núi Tây Bắc

Dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn thành sẽ là tuyến đường bộ kết nối khu vực Tây Bắc với Hà Nội. Dự án này được thông xe vào sáng nay, đúng dịp kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2018).

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình theo hình thức BOT nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc với Hà Nội, đồng thời tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình theo hình thức BOT nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc với Hà Nội, đồng thời tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long.

Đường Hòa Lạc-Hòa Bình có điểm đầu tại Km0 ở nút giao Hòa Lạc (giữa Đại lộ Thăng Long và QL21, lộ trình Km17+850 trên QL21), điểm đầu xây dựng tại Km6+680 vị trí tách đường Hòa Lạc-Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Điểm cuối tại Km32+367 (xã Trung Minh, TP Hòa Bình).

Tuyến đường có tổng chiều dài 25,69km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m và có vận tốc tối đa 80km/giờ.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án hơn 2.989 tỉ đồng với thời gian thu phí 24 năm. Sau khi kiểm toán tổng mức đầu tư giảm xuống còn khoảng 2.700 tỉ đồng nhưng thời gian thu phí lại tăng lên hơn 27 năm.

Trao đổi với báo chí, đại diện Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc-Hòa Bình cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu được xây dựng với phương án tài chính trong đó chưa tính tới việc miễn giảm phí cho người dân sống quanh trạm đồng thời cũng có mức phí cao hơn.

Từ khoảng cuối tháng 8/2018, rất nhiều phương tiện đã chuyển sang chạy trên tuyến đường này.

BOT Hòa Lạc - Hòa Bình mang dáng vẻ của giao thông hiện đại đặt cạnh thiên nhiên hùng vĩ miền Tây Bắc.

Để hoàn thành dự án, đơn vị thi công đã phải xẻ núi, tạo nên những đường cong mềm mại.

Mức phí dự kiến dao động từ 35.000 đồng/lượt đến 180.000 đồng/lượt tùy theo nhóm phương tiện và có phương án cắt giảm cho người dân thường trú quanh trạm.

Dự kiến, dự án sẽ nghiệm thu vào cuối tháng 10 và có thể bắt đầu thu phí từ ngày 1/1/2019.

Khi chính thức đi vào hoạt động, tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Tuyến đường mới này sẽ giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn khoảng 20km so với tuyến QL6 hiện nay.

Huy Phạm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thong-xe-tuyen-duong-cao-toc-3000-ty-xuyen-rung-nui-tay-bac-post278437.info