Thông xe cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, phương tiện ra, vào thế nào?

Từ sáng nay (19/5), ô tô bắt đầu được phép đi vào cao tốc Nha Trang- Cam Lâm.

Ô tô ra, vào cao tốc hướng nào?

Theo thiết kế, dọc tuyến gần 50km cao tốc này có 4 nút giao để phương tiện nhập, tách làn đến các địa phương.

Tuy nhiên trong giai đoạn khai thác tạm, mới có 2 nút giao đầu và cuối tuyến hoạt động. Do đó, phương tiện ra, vào cao tốc từ 2 nút giao kết nối với QL27C và nút giao cuối tuyến kết nối với QL27B.

Sau thời gian xây dựng, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm chính thức thông xe vào ngày 19/5/2023

Sau thời gian xây dựng, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm chính thức thông xe vào ngày 19/5/2023

Lưu thông theo hướng Bắc - Nam, các phương tiện di chuyển trên QL1 đến nút giao với QL27C (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) sẽ nhập đường dẫn vào cao tốc.

Nút giao này cũng đón các phương tiện trên tuyến QL27C hướng đi Đà Lạt vào cao tốc, tạo sự kết nối đa chiều cho các phương tiện đi từ Nha Trang hoặc Đà Lạt vào cao tốc trên đường di chuyển về phía Nam.

Di chuyển đến nút giao cuối tuyến, tài xế ô tô sẽ ra khỏi cao tốc để vào QL27B (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) để ra QL1 về phía Ninh Thuận hoặc tiếp tục lưu thông trên QL27B về hướng Lâm Đồng.

Vị trí rẽ từ QL27C vào cao tốc, tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa

Đây là nút giao cuối tuyến để đón các phương tiện hướng Nam - Bắc nhập vào cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Theo đại diện nhà đầu tư (Tập đoàn Sơn Hải), công trình mới nghiệm thu hoàn thành có điều kiện đưa vào sử dụng đối với tuyến chính. Do vậy, tốc độ tối đa trên đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm giai đoạn khai thác tạm thời là 80 km/h; tốc độ tối thiểu 60 km/h; riêng tốc độ tối đa các nhánh vào, ra cao tốc là 50 km/h.

Cao tốc quy hoạch vị trí trạm dừng nghỉ tại Km24 (bố trí hai bên đường cao tốc), nhưng chưa triển khai nên các bác tài chủ động điều kiện di chuyển phù hợp. Cao tốc này hiện chưa tổ chức thu phí theo hợp đồng BOT…

Theo thiết kế, dọc tuyến gần 50km cao tốc này có 4 nút giao để phương tiện nhập, tách làn đến các địa phương

Kết nối du lịch, thông thương

Ghi nhận PV, tuyến cao tốc chạy qua các khu dân cư, địa phương của huyện Diên Khánh và Cam Lâm kết nối đến hàng loạt các khu du lịch, sân bay, cảng biển.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, tài xế xe ô tô 45 chỗ phù hiệu hợp đồng, chuyên chở khách du lịch, trước đây muốn đi từ Nha Trang ra Cam Ranh, các xe di chuyển chủ yếu bằng QL1 hoặc đường ven biển ra sân bay.

Giờ có cao tốc, các phương tiện chạy đến nút giao cuối tuyến, để đến Cam Ranh. Đường mới thênh thang, êm thuận, du khách thoải mái trong khi thời gian được rút ngắn tối đa- anh Hùng nói.

Cam Lâm nằm giữa 2 thành phố Nha Trang và Cam Ranh. Đến đây du khách thoải mái thưởng thức biển Bãi Dài cùng hàng loạt khu nghỉ dưỡng, resort... Tại đây có những điểm đến nổi tiếng như: Khu tưởng niệm Gạc Ma, đầm Thủy Triều, những vườn xoài xanh ngàn rợp mát.

Khu du lịch Bãi Dài, thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa (ảnh ST)

Lưu thông vào TP Cam Ranh, các đoàn du lịch ra vào đảo Bình Ba, đảo Bình Hưng, khám phá những điều mới lạ của hòn ngọc thô này nằm ở vịnh nước sâu Cam Ranh. Khu vực này cũng nổi tiếng với những điểm đến kiến trúc độc đáo chùa Từ Vân được xây dựng chủ yếu từ vỏ ốc và san hô; tháp Bảo Tích cao 39 m được ghi nhận là cao nhất Việt Nam.

Từ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ra QL1A sẽ rất thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa khi đường đến sân bay quốc tế Cam Ranh chưa đầy 10 phút và cảng Cam Ranh chỉ cách QL1A vài km.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM ra Nha Trang, phục vụ tốt cho du lịch địa phương, đồng thời giảm tải cho QL1, đảm bảo ATGT trên địa bàn. Đây cũng là tuyến cao tốc tiên phong hoàn thành, đưa vào khai thác trên địa bàn.

Cùng với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Khánh Hòa đang được đầu tư, xây dựng các đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vân Phong - Nha Trang. Ngoài ra, dự kiến tháng 6/2023, Khánh Hòa triển khai cao tốc phía tây là Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Việc hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, góp phần quan trọng trong việc tạo tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội, đổi thay bộ mặt địa phương.

Trước đó, như Báo Giao thông đưa tin, sau gần 2 năm thi công khẩn trương, dự án đã về đích trước kế hoạch hơn 3 tháng. Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm là một trong 11 dự án thành phần thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn I (2017 - 2020), được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Tưởng Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thong-xe-cao-toc-nha-trang-cam-lam-phuong-tien-ra-vao-the-nao-d591398.html