Thông tuyến núi sau lũ ở Quảng Ngãi

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh ở miền trung chịu nhiều thiệt hại trong đợt lũ này do ảnh hưởng của cơn bão số 12. Sau khi nước rút, tỉnh Quảng Ngãi huy động mọi phương tiện, nhân lực khẩn trương thông các tuyến trong tỉnh. Đặc biệt, ngành GTVT đã điều động hàng chục xe cơ giới tập trung thông tuyến núi sau lũ, bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ đi lại và cứu trợ đồng bào vùng cao.

Theo báo cáo của ngành GTVT Quảng Ngãi, đợt mưa lũ vừa qua đã làm sạt lở hàng trăm điểm trên các tuyến QL 24, 24B và 24C, tỉnh lộ 622B và nhiều con đường ở các huyện miền núi bị hư hỏng với khối lượng lớn đất đá ngổn ngang trên mặt đường, gây ách tắt giao thông nghiêm trọng, ước tính tổng thiệt hại hơn 300 tỷ đồng.

Đi cùng đoàn công tác cứu trợ tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi ghi nhận nhiều tuyến đường miền núi đã hư hại nghiêm trọng. Lực lượng công nhân, bộ đội và xe cơ giới được chính quyền địa phương huy động mở thông tuyến tạm thời.

Tại huyện miền núi Tây Trà, vợ chồng anh Võ Hồng Tín và chị Cao Phương Trang, cán bộ đang công tác tại địa phương, vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại hành trình vượt núi hai ngày để đến cơ quan.

Sáng 6-11, mưa rất lớn, vợ chồng chị Trang cùng một cán bộ huyện từ TP Quảng Ngãi tức tốc lên Tây Trà tham gia ứng phó mưa lũ. Chạy xe máy đến đỉnh đèo Eo Chim thì không đi được nữa vì một đỉnh núi đổ sập chắn ngang tỉnh lộ 622. Trong lúc mọi người đang loay hoay tìm cách khiêng xe máy qua đỉnh núi, phát hiện một người đàn ông cùng chiếc xe máy chở đầy rau quả trôi xuống vực sâu. Rất may, người đàn ông này đã được cứu vớt lên từ dòng lũ đang cuồn cuộn.

Mưa lớn, núi lở, đường tắc, cả đoàn phải trú lại nhà một người dân gần đó cho tới sáng hôm sau mới tiếp tục hành trình đến trung tâm huyện. Mấy ngày mưa lũ, huyện miền núi Tây Trà bị cô lập hoàn toàn. Hoạt động của nhiều cơ quan và trường học bị gián đoạn vì núi sạt lở, nước ngập cầu sông Rin, giao thông giữa đồng bằng và miền núi bị ách tắc nhiều ngày. Nhờ tập trung mọi nhân lực khắc phục hậu quả sau lũ, đến sáng 9-11, đường lên huyện Tây Trà mới thông xe đến trung tâm huyện.

Bí thư Huyện ủy Tây Trà Phạm Xuân Vinh cho biết, cả tuần nay, cán bộ chủ chốt của huyện túc trực trắng đêm di dời dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở núi. Hiện nay, thời tiết còn mưa lớn và núi tiếp tục sạt lở rất nguy hiểm. Tại 10 điểm sạt lở lớn trên Tỉnh lộ 622, từ Trà Bồng đi Tây Trà, cũng chỉ khắc phục tạm thời. Đường về chín xã huyện Tây Trà bị sạt lở, chia cắt giao thông, cô lập hoàn toàn với trung tâm huyện.

Đưa chúng tôi “thị sát” các tuyến đường sạt lở, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Lê Nhân cho biết, Sở đang chỉ đạo các đơn vị liên quan huy động mọi lực lượng, phương tiện cơ giới thực hiện công tác khắc phục, bảo đảm giao thông bước 1 tại các điểm sạt lở thuộc tuyến quốc lộ ủy thác và các tuyến đường tỉnh, tạo điều kiện đi lại thông suốt, sớm ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng, nhất là tại sáu huyện miền núi của tỉnh.

Riêng tại điểm sạt lở Km 70-72, eo Tà Mã thuộc tuyến QL 24C, từ huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đi Nam Trà My (Quảng Nam) có nhiều điểm sạt lở lớn với hàng chục nghìn mét khối đất đá ngổn ngang trên mặt đường, khiến giao thông tê liệt. Tại đây, các đơn vị trực thuộc Sở đã điều động hai xe ủi, hai xe tải tới hiện trường thay phiên san ủi, tạo lối đi tạm thời cho người dân đi lại. Do điểm sạt lở có nền đường đào hoàn toàn, không thể tải ngang xuống taluy âm, đơn vị thi công buộc phải sử dụng phương án tải dọc bằng ôtô, chở đất đá đổ ở nơi khác cách vị trí sạt lở khá xa với khối lượng hơn 30 nghìn mét khối. Tại điểm này, thời gian khắc phục nhanh nhất cũng mất bảy ngày mới thông tuyến.

Trên tuyến tỉnh lộ 622B, từ huyện Trà Bồng đi huyện Tây Trà, tuy đã thông tuyến được vài điểm sạt lở nhưng lớp bùn đất trên đường còn khá dày, các phương tiện lưu thông khá vất vả. Không có đường, người dân băng qua rừng keo bên vực suối để tạo lối đi rất nguy hiểm.

Tại các điểm sạt lở lớn, Công an huyện Tây Trà lập chốt canh trực suốt ngày, hướng dẫn người dân những điểm nào đi được, còn những điểm không đi được tuyệt đối cấm qua lại, bảo đảm tính mạng cho đồng bào.

Cùng việc tập trung khắc phục trên tuyến QL 24C và tỉnh lộ 622B, Sở GTVT Quảng Ngãi đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long tập trung lực lượng phương tiện cơ giới thông tuyến QL 24, 24B và tuyến đường liên huyện Sơn Hà lên Sơn Tây trong những ngày tới.

Tuyến đường về các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây hiện giờ đã thông tuyến, hàng hóa được nhanh chóng vận chuyển đến cứu trợ người dân trong vùng bị cô lập. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết, đến giờ này, huyện không có thiệt hại về người là rất đáng mừng, còn tới hơn 40 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông, tổng khối lượng đất đá sạt lở khoảng 6.470 m3. Hiện nay, huyện đang khắc phục tạm thời các điểm sạt lở nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người dân đi lại. Riêng cầu Ruộng Viềng (xã Sơn Thành), Tà Man 2, Nước Sim (thị trấn Di Lăng), Nước Bao (xã Sơn Bao) bị sụt lún và hư hỏng nặng nên giao thông gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND huyện miền núi Ba Tơ Trần Trung Triết cũng cho hay, nhiều tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện về các xã như: Ba Bích, Ba Nam, Ba Lế, Ba Trang tiếp tục sạt lở nhiều điểm mới, khối lượng đất đá rất lớn, không thể khắc phục được ngay. Đến giờ, việc chỉ đạo, điều hành ở cơ sở chỉ qua điện thoại, mà sóng thì chập chờn vì mất điện.

Tại đỉnh đèo Vi-ô-lắc thuộc QL 24 qua xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi đi Kon Tum), cả tuần nay, lực lượng Công an và Thanh tra giao thông (TTGT) đóng chốt ngăn không cho xe qua lại vì có tới 30 điểm sạt lở, nhiều tảng đá to treo lơ lửng rất nguy hiểm. Chánh TTGT Quảng Ngãi Huỳnh Ngà cho biết, suốt tuần qua, cả cơ quan hơn 40 người phải tỏa đi khắp nơi để bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực nguy hiểm. Ngoài QL 24, lực lượng TTGT phải túc trực 24/24 giờ ở đỉnh đèo eo Tà Mã, xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, thuộc QL 24C (Quảng Ngãi - Quảng Nam) vì cả một ngọn núi úp xuống tắc hơn 200m đường tại Km 70+900.

Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương cho biết, thống kê bước đầu, thiệt hại về giao thông quá lớn. Chỉ tính riêng đường Quốc lộ (24, 24B, 24C), có tới 80 điểm sạt lở với khối lượng đất, đá bồi lấp 55.642m3, chiều dài hư hỏng khoảng 35 nghìn mét. Đường tỉnh có hơn 200 điểm sạt lở, với khối lượng đất, đá bồi lấp hơn 150 nghìn mét khối, chiều dài hư hỏng hơn 93 nghìn mét và nhiều cầu cống bị gãy đổ. Ưu tiên trước mắt của ngành GTVT tỉnh Quảng Ngãi là gấp rút xử lý các điểm sạt lở, thông tuyến núi sau lũ một bước, giải thoát cô lập cho người dân miền núi. Về lâu dài, phải có nguồn kinh phí rất lớn mới khắc phục kiên cố được các tuyến giao thông.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị T.Ư hỗ trợ 1.500 tấn gạo cho nhân dân vùng bị ngập lũ, 300 tấn giống lúa và năm tấn giống ngô cấp phát cho nông dân sản xuất vụ mùa. Hỗ trợ đồng bào vùng lũ 200 tỷ đồng khắc phục thiệt hại ban đầu công trình giao thông, thủy lợi; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi; khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu; đặc biệt, sớm thông các tuyến giao thông miền núi, bảo đảm cho người dân sản xuất, đi lại, góp phần ổn định cuộc sống.

Nhiều tuyến giao thông huyết mạch ở miền núi đang khẩn trương thông tuyến.

Xe cơ giới địa phương đang thông tuyến đường Long môn, huyện miền núi Minh Long.

Bài, ảnh: MINH TRÍ - NHẬT MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34659102-thong-tuyen-nui-sau-lu-o-quang-ngai.html