Thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh: Thách thức lớn đối với cơ sở y tế

Từ ngày 1/1/2021, thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh BHYT, với việc thông tuyến BHYT này quyền lợi của người bệnh sẽ được nâng lên rõ rệt. Song chính sách này cũng đặt ra một bài toán nan giải cho việc tăng cường phát triển y tế cơ sở, giảm quá tải cho y tế tuyến trên...

Tăng quyền lợi cho người bệnh

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT): Từ ngày 1/1/2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Theo đó, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc sẽ không cần giấy chuyển viện từ tuyến huyện và được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến - 80%, 95% và 100%). Trước đây khi chưa thông tuyến tỉnh, bệnh nhân khám bệnh trái tuyến chỉ được BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú.

Các trường hợp KCB, điều trị nội trú tại tuyến TW nếu không có giấy chuyển viện vẫn được chi trả 40%, trừ trường hợp cấp cứu, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số và thuộc hộ nghèo hoặc người dân sống tại xã đảo, huyện đảo.

Việc thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh với người có thẻ BHYT sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều. Người bệnh được quyền chọn lựa bệnh viện (BV) để KCB theo nhu cầu. Song, quy định mới này cũng sẽ là thách thức với các BV tuyến tỉnh. Các BV sẽ phải đối mặt với tình trạng "quá tải" khi bệnh nhân (BN) điều trị nội trú gia tăng.

Tạo khuôn mẫu cho bệnh nhân được chỉ định xạ trị tại BV Ung bướu Nghệ An.

Tạo khuôn mẫu cho bệnh nhân được chỉ định xạ trị tại BV Ung bướu Nghệ An.

Thách thức lớn đối với cơ sở y tế

Tại Nghệ An, khi triển khai thực hiện chính sách mới này có tình trạng “kẻ cười, người khóc”. Các BV tuyến tỉnh đang thực hiện cơ chế tự chủ rất “phấn khởi” trước viễn cảnh số lượng bệnh nhân đông hơn. Nhiều chuyên gia y tế Nghệ An nhận định: Với chính sách thông tuyến BHYT nội trú, sẽ diễn ra xu thế, người dân TP.Vinh sẽ dồn ra Hà Nội; người dân các huyện và tỉnh Hà Tĩnh đổ về BV tuyến tỉnh. Về phía BV tuyến tỉnh vốn đã quá tải nhưng sẽ không bỏ qua “cơ hội khai thác”. Và chính bản thân BV tuyến tỉnh muốn từ chối BN cũng sẽ không được bởi đây là quyền lợi chính đáng, yêu cầu của BN.

Giám đốc một BV tuyến tỉnh tại Nghệ An cho hay: Thời gian qua, BV đã và đang tích cực mua trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, không ngừng đầu tư về con người, về quy trình, về kỹ thuật. Điều này đã khiến BV thu hút được người bệnh ở địa phương. Nguy cơ quá tải là có nhưng chúng tự tin đáp ứng được. Nếu muốn BN trở về BV tuyến dưới để điều trị thì thực hiện khám phân luồng. Còn muốn giữ BN ở lại thì chỉ định BN vào thẳng điều trị nội trú... Mặc dù đã có các quy định song việc tiếp nhận, giữ điều trị hay không đang phụ thuộc vào điều kiện của BN tuyến tỉnh.

Với chính sách mới, dẫu đang được “bao cấp” song các BV, trung tâm y tế (TTYT) huyện ở Nghệ An đều ý thức rõ: Quyền lợi của BN là tối thượng. Việc BN tuyến dưới sẽ đổ dồn về BV tuyến tỉnh là xu thế bất khả kháng. Để giữ BN ở lại điều trị ở cơ sở mình thì không còn cách nào khác bản thân lãnh đạo và đội ngũ y, bác sĩ phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để có thể đón tiếp, điều trị BN một cách tốt nhất... Dẫu vậy, nỗi lo sụt giảm BN vẫn luôn thường trực.

BS. Nguyễn Đình Thanh, GĐ TTYT huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Thời gian qua, trung tâm rất cố gắng để cải thiện về cơ sở vật chất, sửa sang các khoa phòng, lắp đặt thêm nhiều trang thiết bị như máy xét nghiệm, máy monitor, siêu âm, X-quang; cử 16 bác sĩ đi đào tạo, tiếp nhận 7 bác sĩ trẻ, 3 cử nhân. Ngoài ra, đơn vị cũng không ngừng đổi mới phong cách thái độ phục vụ, xây dựng cơ sở xanh sạch đẹp. Qua đó, BN đã đến với trung tâm nhiều hơn. Song quả thật với chính sách mới trung tâm cũng đang rất lo...

Theo BS. Vi Văn Chiến, Giám đốc TTYT huyện Tương Dương: Thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh đang thực sự là nỗ lo của cơ sở y tế tuyến dưới. BN đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiền đình tuyến dưới điều trị được song tuyến tỉnh cũng nhận điều trị. Trong khi đó, thanh toán lại là nguồn phân quỹ BHYT của dưới. Để tránh tình trạng lợi dụng, thiếu công bằng, các cơ quan chức năng cần theo dõi, quản lý chặt điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực ở BV, tránh tình trạng 3 - 4 người nằm 1 giường; thực hiện nghiêm hình thức chuyển người bệnh về tuyến dưới khi tình trạng bệnh ổn định.

Thanh Sơn – Khánh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thong-tuyen-bhyt-noi-tru-tuyen-tinh-thach-thuc-lon-doi-voi-co-so-y-te-n185272.html