Thông tư quy định hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng các yêu cầu sau: a- Yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật các tổ chức tín dụng; b- Phù hợp với quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; c- Có đủ nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ thông tin để đảm bảo hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; d- Xây dựng, duy trì văn hóa kiểm soát, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Có 3 tuyến bảo vệ độc lập

Hệ thống kiểm soát nội bộ phải có 03 tuyến bảo vệ độc lập như sau:

a- Tuyến bảo vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do các bộ phận sau thực hiện: Các bộ phận kinh doanh, các bộ phận có chức năng tạo ra doanh thu khác; các bộ phận có chức năng thực hiện các quyết định có rủi ro; các bộ phận có chức năng phân bổ hạn mức rủi ro, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu rủi ro đối với từng loại hình giao dịch, hoạt động kinh doanh; bộ phận nhân sự, bộ phận kế toán.

b- Tuyến bảo vệ thứ hai có chức năng xây dựng chính sách quản lý rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro, đo lường, theo dõi rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật do các bộ phận sau đây thực hiện: Bộ phận tuân thủ, bộ phận quản lý rủi ro.

c- Tuyến bảo vệ thứ ba có chức năng kiểm toán nội bộ do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư này.

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập báo cáo và gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định.

Giám sát của quản lý cấp cao

Thông tư nêu rõ, đối với giám sát của quản lý cấp cao thì yêu cầu có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) theo quy định đối với ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của giám sát của quản lý cấp cao theo quy định của ngân hàng mẹ đảm bảo Tổng giám đốc (Giám đốc) thực hiện giám sát cấp cao đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định.

Đồng thời, đảm bảo kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và kiểm toán nội bộ được thực hiện hiệu quả, đạt được yêu cầu đề ra. Nắm rõ trạng thái rủi ro và tình hình thực hiện chính sách quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Có biện pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời tổn thất để nâng cao hiệu quả, an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019, trừ việc thực hiện các quy định về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn tại Chương V Thông tư này của Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/01/2021.

PV (theo VGP)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quy-dinh-moi/thong-tu-quy-dinh-he-thong-kiem-soat-noi-bo-ngan-hang-tintuc407805