'Thông tư của Bộ GD&ĐT chồng chéo, triệt tiêu phản ánh tiêu cực'

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng nếu không làm rõ một số khái niệm, thông tư 06 của Bộ GD&ĐT sẽ triệt tiêu phản ánh tiêu cực trong ngành.

Dù Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định nội dung thông tư số 06/2019 của Bộ GD&ĐT nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, luật sư cho rằng cần làm rõ một số khái niệm còn chưa rõ ràng.

Cần làm rõ như thế nào là "ảnh hưởng xấu"

Luật sư Vũ Tiến Vinh - Công ty luật Bảo An, Hà Nội - đánh giá mục tiêu của thông tư này hướng tới xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, những điều tốt đẹp, tích cực để thầy cô và đặc biệt là người học tập trung nhiệm vụ chính, hạn chế yếu tố bên ngoài chi phối. Tuy nhiên, thông tư còn một số điều chưa phù hợp, chồng chéo, nội dung cần làm rõ hơn.

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng thông tư 06 của Bộ GD&ĐT liên quan việc "không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận, ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục” còn một số điều chưa phù hợp, chồng chéo. Ảnh: NVCC.

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng thông tư 06 của Bộ GD&ĐT liên quan việc "không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận, ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục” còn một số điều chưa phù hợp, chồng chéo. Ảnh: NVCC.

Thứ nhất, ngay từ tên gọi và các quy định trong thông tư, phạm vi áp dụng là “trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên”. Như vậy, ngoài cơ sở giáo dục có phải tuân thủ quy định này không? Nếu thực hiện thì có bị coi là vi phạm không?

Thứ hai, khái niệm “làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” cụ thể là như thế nào? Đăng tin, ảnh phản ánh đúng thực trạng (không thêm bớt, cắt xén) có bị coi là làm xấu? Ví dụ, học sinh đăng ảnh nhà vệ sinh bẩn thỉu, thiếu nước, xà phòng rửa tay thì có bị quy kết là làm xấu môi trường giáo dục?

Nếu không làm rõ, vô hình trung, quy định này sẽ triệt tiêu các phản ánh tiêu cực trong giáo dục, trong khi ngành còn rất nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận.

Thứ ba, thông tư quy định cả cha mẹ của học sinh cũng phải tuân thủ (khoản 2 điều 1).

"Tôi cho rằng quy định này là không có cơ sở bởi cha mẹ học sinh, nếu vi phạm thì ở bất cứ môi trường nào cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng không thể là đối tượng chịu sự điều chỉnh của thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành", luật sư Vũ Tiến Vinh nói.

Theo đó, mọi hành vi ứng xử của cha mẹ người học đã được pháp luật điều chỉnh ở các văn bản khác nhau và đều có chế tài xử lý. Đơn cử, cha mẹ tung lên mạng những nội dung bịa đặt nhằm xúc phạm bất cứ cá nhân, tổ chức nào, đều có thể bị xem xét về hành vi vu khống. Tùy mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, không cần phải quy định cha mẹ người học là đối tượng tuân thủ đối với thông tư.

Phản biện xã hội là tự do cá nhân, cần tách bạch vi phạm và không vi phạm

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Hà Nội - nói về nguyên tắc, phụ huynh và học sinh đều có quyền phản ánh ý kiến, phản biện chính sách, cũng như hoạt động của nhà trường, ngành giáo dục.

"Các ý kiến nhằm mục đích kiến nghị, đề nghị, phản ánh, nêu quan điểm cá nhân về một vấn đề xã hội, là quyền tự do cá nhân. Không thể cho rằng việc bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân là làm xấu được", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Các ý kiến nhằm mục đích kiến nghị, đề nghị, phản ánh, nêu quan điểm cá nhân về một vấn đề xã hội, là quyền tự do cá nhân. Không thể cho rằng việc bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân là làm xấu được.

Luật sư Đặng Văn Cường

Cơ quan ban hành văn bản cần phải làm rõ thế nào là hành vi ảnh hưởng xấu, thế nào là quyền tự do ngôn luận mới có thể định hướng đúng trong môi trường giáo dục.

Nếu sử dụng mạng xã hội sai trái phải là hành vi được mô tả trong Luật An ninh mạng, nghị định 72 hoặc nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Đánh giá chung về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng đây là hành lang để những chủ thể có liên quan đi đúng hướng.

Riêng đối với việc sử dụng mạng xã hội thế nào cũng cần được đưa vào quy tắc ứng xử nhưng cần tách bạch cụ thể ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm để đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, mà không triệt tiêu kênh phản ánh bất cập, tiêu cực.

Do vậy, cần quy định thế nào để bộ quy tắc phát huy hiệu quả trên thực tế, đóng góp cho sự phát triển thực chất của ngành giáo dục.

Những nội dung nào đã được pháp luật quy định rồi thì không nên đưa vào thông tư để tránh việc cùng một hành vi nhưng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm luật, gây khó khăn cho việc tuân thủ và thực thi của chủ thể liên quan.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thong-tu-cua-bo-gd-dt-chong-cheo-triet-tieu-phan-anh-tieu-cuc-post943667.html